• :
  • :
Trung tâm kiểm soát bệnh tật Thái Bình: Chuyên nghiệp - Tận tâm - Vì cộng đồng
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Phòng tránh đột quỵ mùa nắng nóng

Thời tiết nắng nóng gay gắt không chỉ gây mệt mỏi, mất nước mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ cho sức khỏe, trong đó có đột quỵ, nếu không được xử trí kịp thời có thể để lại di chứng nặng nề, thậm chí gây tử vong.

 

Đột quỵ mùa nắng nóng

Đột quỵ còn gọi là tai biến mạch máu não là tình trạng tổn thương não xảy ra khi nguồn cung cấp máu đến một phần não bị gián đoạn hoặc suy giảm nghiêm trọng, dẫn đến thiếu oxy và dinh dưỡng, khiến các tế bào não chết đi chỉ trong vài phút. Đột quỵ cần được xử lý nhanh chóng để giảm thiểu tổn thương não và các biến chứng nguy hiểm. 

Đột quỵ trong điều kiện nắng nóng thường xảy ra gián tiếp do nhiệt độ cao làm gia tăng các yếu tố nguy cơ như mất nước, tăng huyết áp, rối loạn tim mạch hoặc hình thành cục máu đông... Khi cơ thể bị quá tải nhiệt, hệ tuần hoàn và thần kinh dễ bị rối loạn, dẫn đến đột quỵ.

 

Vì sao nắng nóng dễ dẫn đến đột quỵ?

- Tăng thân nhiệt và mất nước: Khi trời nóng, cơ thể tiết mồ hôi nhiều, mất nước và điện giải. Máu trở nên đặc, khó lưu thông, dễ hình thành cục máu đông.

- Thay đổi nhiệt độ đột ngột: Di chuyển nhanh từ môi trường nóng vào phòng lạnh (hoặc ngược lại) khiến mạch máu co giãn đột ngột, gây tăng huyết áp, làm tăng nguy cơ tai biến.

- Tăng gánh nặng lên tim mạch: Thời tiết oi bức khiến tim hoạt động nhiều hơn để điều tiết thân nhiệt, làm giảm khả năng bơm máu lên não.

          Đối tượng dễ bị đột quỵ trong mùa nắng nóng:

       -  Người cao tuổi, người mắc bệnh mạn tính như tăng huyết áp, tim mạch, tiểu đường, béo phì...

  - Người lao động ngoài trời, vận động viên, người làm việc gần nguồn nhiệt (lò nung, lò rèn…).

       - Người đang dùng các thuốc lợi tiểu, thuốc chống trầm cảm, thuốc điều trị huyết áp hoặc chất kích thích (rượu, bia..).

          Dấu hiệu cảnh báo sớm đột quỵ do nắng nóng

          Mỗi người, nhất là thanh niên, trung niên, người cao tuổi hãy cảnh giác khi có các biểu hiện sau:

- Thân nhiệt tăng cao (đo nhiệt độ cơ thể trên 40°C)

- Tim đập nhanh hoặc loạn nhịp

- Thở dốc, khó thở

- Chóng mặt, buồn nôn, nôn mửa

- Vã mồ hôi nhiều rồi da khô nóng bất thường

- Đau đầu dữ dội, đột ngột

- Thay đổi ý thức: lơ mơ, lú lẫn, mê sảng, hôn mê

         Xử trí ban đầu khi nghi ngờ đột quỵ do nắng nóng                                                                                                                                                                                                                               

- Đưa người bệnh đến nơi thoáng mát, làm hạ thân nhiệt nhanh chóng: Nới lỏng quần áo, Chườm mát, lau cơ thể bằng nước mát, không đắp chăn.

- Gọi cấp cứu ngay lập tức hoặc đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất.

- Không tự ý cho uống thuốc hoặc cho người bệnh ăn/uống bất cứ thứ gì. 

- Theo dõi ý thức, nhịp thở của bệnh nhân.                                                                                                                                                                              Các biện pháp phòng đột quỵ  mùa nắng nóng

- Không ở ngoài trời nắng lâu nhất là vào những giờ cao điểm nắng nóng (từ 10 giờ sáng đến 4 giờ chiều).Tránh làm việc lâu khi gần các nguồn nhiệt nóng như lò nung vôi, gốm, lò rèn...Cần đội nón mũ rộng vành khi đi ngoài nắng.

- Người lao động cần mang đủ mũ nón, trang bị bảo hộ lao động cần cho phòng tránh nắng nóng.

- Nên uống đủ nước ngay cả khi không cảm thấy khát. Cần uống nước thường xuyên để tránh mất nước.

          - Cải thiện môi trường làm việc: thông gió, thông khí, không làm việc hoặc có những hoạt động gắng sức ở ngoài trời nắng khi cơ thể mệt mỏi.

- Với người già và trẻ em cần lưu ý việc thay đổi nhiệt độ khi ở phòng lạnh đi ra ngoài, cơ thể rất dễ toát mồ hôi đột ngột, tình trạng này sẽ nguy hiểm cho người cao tuổi. Những người cao tuổi, có bệnh tim mạch, đã từng bị đột qụy... thì không nên ra ngoài khi trời nắng nóng.

- Thực hiện chế độ dinh dưỡng hợp lý, ăn nhiều trái cây hoặc uống nước hoa quả, nước Orezol...để cơ thể luôn khỏe mạnh, không bị mất nước, có sức đề kháng để phòng bệnh trong những ngày nắng nóng.

- Thực hiện khám sức khỏe định kỳ 3-6 tháng/lần để phát hiện các bệnh về huyết áp, tim mạch..., điều trị sớm, góp phần phòng tránh đột quỵ.


Tác giả: Ths Hồng Nhung
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết