• :
  • :
Trung tâm kiểm soát bệnh tật Thái Bình: Chuyên nghiệp - Tận tâm - Vì cộng đồng
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Trầm cảm: Chứng bệnh cần được thấu hiểu và chia sẻ

Trong xã hội hiện đại, con người ngày càng đối mặt với nhiều áp lực trong công việc, học tập và các mối quan hệ xã hội. Điều này dẫn đến sự gia tăng nhanh chóng các vấn đề sức khỏe tâm thần, trong đó trầm cảm đang trở thành một căn bệnh phổ biến và đáng lo ngại.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy nhiều người vẫn chưa thực sự hiểu rõ và cảm thông với những người mắc bệnh trầm cảm, thậm chí còn có những định kiến và kỳ thị. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trầm cảm là một rối loạn tâm thần phổ biến và nghiêm trọng, đặc trưng bởi cảm giác buồn bã kéo dài, mất hứng thú với những hoạt động từng yêu thích, kèm theo tình trạng mệt mỏi, rối loạn giấc ngủ, thay đổi khẩu vị, khó tập trung và có thể dẫn đến ý nghĩ tự tử. Trầm cảm là một bệnh lý cần được điều trị, nếu không được hỗ trợ và can thiệp kịp thời, trầm cảm có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, học tập, công việc, thậm chí đe dọa tính mạng người bệnh.

WHO ước tính có hơn 280 triệu người trên toàn cầu đang sống chung với trầm cảm, chiếm khoảng 3,8% dân số thế giới. Tại Việt Nam, theo báo cáo của Bộ Y tế năm 2023, ước tính có khoảng 3,2 triệu người mắc trầm cảm (tương đương 3,1% dân số), trong đó nhóm tuổi từ 18 đến 29 có tỷ lệ mắc cao nhất (5,4%). Tỷ lệ này cao hơn ở nữ giới (4,2%) so với nam giới (2,1%).

 

Việc nhận biết sớm các dấu hiệu của trầm cảm đóng vai trò rất quan trọng. Một số biểu hiện thường gặp bao gồm: cảm giác buồn bã, trống rỗng kéo dài trong nhiều ngày; mất hứng thú với các hoạt động từng yêu thích; dễ cáu gắt, vô vọng; rối loạn giấc ngủ; mệt mỏi, giảm trí nhớ; thay đổi khẩu vị; có ý nghĩ hoặc hành vi tự hại. Không phải ai cũng có đầy đủ các biểu hiện, nhưng nếu xuất hiện vài dấu hiệu trong thời gian kéo dài, người bệnh cần được thăm khám và hỗ trợ từ chuyên gia.

Nguyên nhân dẫn đến trầm cảm có thể do di truyền, rối loạn sinh hóa trong não, các yếu tố tâm lý hoặc những biến cố trong cuộc sống như mất người thân, ly hôn, thất nghiệp, căng thẳng kéo dài, mắc bệnh lý mạn tính. Những người từng bị bạo hành, ngược đãi hoặc thiếu sự quan tâm từ gia đình, xã hội cũng là đối tượng có nguy cơ cao.

Theo kết quả nghiên cứu của Viện Sức khỏe Tâm thần Quốc gia, tỷ lệ trầm cảm ở người trưởng thành tại Việt Nam ước tính từ 3,5 đến 5%. Tuy nhiên, hơn 70% người mắc chưa được phát hiện và điều trị do thiếu hiểu biết hoặc ngại tìm kiếm sự giúp đỡ. Việc nâng cao nhận thức cộng đồng về hỗ trợ điều trị cho bệnh nhân trầm cảm là rất cần thiết. Người mắc trầm cảm rất cần sự quan tâm, lắng nghe, chia sẻ và đồng hành từ gia đình, bạn bè, đồng nghiệp. Bên cạnh điều trị bằng thuốc, liệu pháp tâm lý và điều chỉnh lối sống, vai trò của cộng đồng là yếu tố quan trọng giúp người bệnh hồi phục.

 

Các chương trình nâng cao nhận thức về sức khỏe tâm thần, lớp học kỹ năng quản lý căng thẳng, dịch vụ tư vấn tâm lý miễn phí… cần được triển khai rộng rãi. Những hành động đơn giản như một lời động viên, một cái ôm, hay chỉ cần hiện diện mà không phán xét cũng có thể mang lại niềm hy vọng và sức mạnh tinh thần to lớn hỗ trợ cho việc điều trị bệnh nhân trầm cảm.

Ngành y tế, bệnh viện tâm thần cần phối hợp tích cức với các đon vị y tế, địa phương, cộng đồng tăng cường sàng lọc và phát hiện sớm các trường hợp trầm cảm tại cộng đồng, lồng ghép chăm sóc sức khỏe tâm thần vào các chương trình chăm sóc sức khỏe ban đầu để người dân dễ dàng tiếp cận các dịch vụ.

Cộng đồng hãy chung tay xóa bỏ định kiến, lan tỏa sự đồng cảm và mở rộng vòng tay yêu thương để các trường hợp mắc bệnh trầm cảm được thấu hiểu, chia sẻ, điều trị sớm.


Tác giả: Ths Hồng Nhung
Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá
Click để đánh giá bài viết