• :
  • :
Trung tâm kiểm soát bệnh tật Thái Bình: Chuyên nghiệp - Tận tâm - Vì cộng đồng
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Phòng, chống tác hại của thuốc lá ở thanh, thiếu niên

Tác hại của thuốc lá

Theo Bộ Y tế, sử dụng thuốc lá là một trong những mối đe dọa sức khỏe cộng đồng lớn nhất mà thế giới đã và đang phải đối mặt. Mỗi năm trên toàn thế giới hơn 8 triệu ca tử vong, trong đó có khoảng 1,3 triệu ca tử vong là do các bệnh liên quan đến hút thuốc lá thụ động.Tại Việt Nam, theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới, sử dụng thuốc lá gây ra hơn 100.000 ca tử mỗi năm, trong đó 84.500 người tử vong do các bệnh liên quan đến hút thuốc chủ động và 18.800 người tử vong do các bệnh liên quan đến hút thuốc thụ động. Việc sử dụng thuốc lá đang gây ra gánh nặng nghiệm trọng và ngày càng gia tăng về bệnh tật và tử vong sớm, cũng như chi phí y tế. Thiệt hại kinh tế do thuốc lá ước tính là 108 nghìn tỷ đồng mỗi năm (tương đương 1,14% GDP). Con số này lớn hơn gấp 5 lần so với đóng góp của nguồn thu thuế thuốc lá cho ngân sách quốc gia.

Tổ chức Y tế Thế giới nhấn mạnh: Ngày Thế giới Không Thuốc lá năm 2025 là dịp để phơi bày các cách thức mà các tập đoàn thuốc lá trên thế giới sử dụng để quảng bá, tiếp thị các sản phẩm gây nghiện cũng như chỉ rõ các chiêu thức quảng cáo sai sự thật, lừa dối mọi người, làm cho các sản phẩm thuốc lá trở nên hấp dẫn hơn, đặc biệt là đối với trẻ em và thanh thiếu niên. Nicotine và các sản phẩm thuốc lá gây nghiện rất nguy hiểm cho sức khỏe nhưng luôn được các tập đoàn thuốc lá trên thế giới tìm cách để thu hút mọi người sử dụng. Không có bất kỳ sản phẩm thuốc lá nào và không có mức độ tiếp xúc nào đối với thuốc lá được coi là an toàn cho sức khoẻ bao gồm cả thuốc lào, xì gà, thuốc lá nung nóng, thuốc lá điện tử, thuốc lá tự cuốn, thuốc lá tẩu và các sản phẩm thuốc lá không khói.

Thuốc lá, thuốc lá mới và các sản phẩm chứa Nicotine rất có hại cho sức khỏe thậm chí gây tử vong cho cả người hút và người không hút nhưng thường xuyên tiếp xúc với khói thuốc. Đối với trẻ em và thanh thiếu niên, các sản phẩm này có thể làm suy yếu nghiêm trọng sự phát triển não bộ
          Năm 2025, Tổ chức Y tế thế giới chọn chủ đề
“vạch trần sự hấp dẫn giả tạo” với mục tiêu nhằm phơi bày chiến thuật của các tập đoàn thuốc lá trên thế giới trong việc quảng cáo sai sự thật, gây hiểu lầm thuốc lá không có hại để mở rộng thị trường tiêu thụ, đặc biệt là trong giới trẻ. Tổ chức Y tế thế giới kêu gọi các nước cùng chung tay thực hiện Chiến dịch truyền thông hưởng ứng Ngày Thế giới Không Thuốc lá 31/5 năm 2025 vì một tương lai khỏe mạnh hơn.
          Nguyên nhân khiến thanh, thiếu niên hút thuốc lá 

- Do các em muốn thể hiện bản thân, thích hòa nhập vào các nhóm bạn. 

- Ảnh hưởng từ gia đình: Gia đình có bố mẹ, người thân hút thuốc. 

- Quảng cáo thuốc lá hấp dẫn, sai sự thật (qua phim ảnh, mạng xã hội). 

- Thiếu hiểu biết về tác hại thực sự của thuốc lá nói chung, thuốc lá thế hệ mới nói riêng (thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, shisha...). 

- Do Stress, căng thẳng, các em tìm đến thuốc lá như cách giải tỏa, thư giãn. 

Biện pháp phòng, chống tác hại thuốc lá với thanh, thiếu niên

Đối với thanh, thiếu niên

- Cần tăng cường tuyên truyền để thanh, thiếu niên nâng cao nhận thức, hiểu rõ tác hại thuốc lá, các quy định của Luật PCTH thuốc lá, trách nhiệm và nghĩa vụ của bản thân thanh, thiếu niên, học sinh, sinh viên trong việc xây dựng môi trường không khói thuốc. Mỗi thanh, thiếu niên là một tuyên truyền viên trong trường học, tại gia đình về PCTH thuốc lá.

            - Biết từ chối khéo léo khi bị rủ hút thuốc bằng những câu như: “Mình không thích mùi thuốc lá”. “Mình đang tập thể thao, hút thuốc sẽ giảm sức bền”  “Thuốc lá rất có hại cho sức khỏe”...

- Tham gia các hoạt động lành mạnh: Chơi thể thao, học nhạc, đọc sách, tham gia câu lạc bộ, hoạt động tình nguyện... 

- Biết tránh xa môi trường có khói thuốc. 

 Đối với phụ huynh và nhà trường

- Thầy cô và cha mẹ làm gương tốt (giáo dục học sinh và con, không hút thuốc trước mặt học sinh và con). 

- Giáo dục sớm về tác hại thuốc lá cho học sinh từ cấp 2 trở lên. 

- Kiểm soát truy cậpthuốc lá của thanh, thiếu niên (tránh mua lén). 

- Tạo môi trường không khói thuốc tại gia đình và trường học. 

- Lắng nghe, hỗ trợ tâm lý nếu con em bị căng thẳng./.


Tác giả: BSCKII Lưu Thị Ánh Tuyết - PGĐ TT KSBT
Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết