• :
  • :
Trung tâm kiểm soát bệnh tật Thái Bình: Chuyên nghiệp - Tận tâm - Vì cộng đồng
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Phòng đột quỵ

Đột quỵ hay còn gọi là tai biến mạch máu não là tình trạng tổn thương não xảy ra khi nguồn cung cấp máu đến một phần não bị gián đoạn hoặc suy giảm nghiêm trọng, dẫn đến thiếu oxy và dinh dưỡng, khiến các tế bào não chết đi chỉ trong vài phút. Đột quỵ cần được xử lý nhanh chóng để giảm thiểu tổn thương não và các biến chứng nguy hiểm. Đột quỵ có thể để lại di chứng nặng nề (khó nói, liệt mặt, liệt nửa người, mất trí nhớ...) nhưng nếu được phát hiện sớm, điều trị kịp thời giúp tăng cơ hội sống sót và phục hồi.

             Các loại đột quỵ thường gặp: 

1. Đột quỵ do thiếu máu cục bộ: Chiếm đa số, tới khoảng 80% trường hợp, xảy ra khi mạch máu não bị tắc nghẽn do cục máu đông hoặc mảng xơ vữa động mạch. 

2. Đột quỵ do xuất huyết não: Xảy ra khi mạch máu não bị vỡ, gây chảy máu vào nhu mô não hoặc khoang dưới nhện, thường do tăng huyết áp, dị dạng mạch máu (phình động mạch). 

3. Cơn thiếu máu não thoáng qua (TIA) 

- Là tình trạng thiếu máu não tạm thời, các triệu chứng thường hết trong vài phút đến vài giờ, nhưng là dấu hiệu cảnh báo nguy cơ đột quỵ thật sự. 

 Triệu chứng nhận biết (FAST):

- F (Face - Mặt): Méo miệng, liệt một bên mặt... 

- A (Arm - Tay chân): Yếu hoặc tê một bên tay/chân. 

- S (Speech - Lời nói): Nói ngọng, khó diễn đạt...  

- T (Time - Thời gian): Cần gọi cấp cứu ngay lập tức khi xuất hiện 3 dấu hiệu F,A,S trên đây. 

4.Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ gây đột quỵ: 

- Người có tiền sử bị bệnh tăng huyết áp là nguyên nhân hàng đầu. 

- Người bị xơ vữa động mạch, tiểu đường, rối loạn mỡ máu. 

-  Người hút thuốc lá, lạm dụng rượu bia. 

- Người có bệnh tim (rung nhĩ, hẹp van tim...). 

- Tuổi cao, tiền sử gia đình có người đột quỵ. 

5.Cách xử lý khi nghi ngờ đột quỵ:

- Gọi cấp cứu 115 hoặc đưa bệnh nhân đến bệnh viện trong vòng 3-6 giờ là giờ vàng quan trọng. 

- Không tự ý cho uống thuốc hoặc ăn/uống bất cứ thứ gì. 

- Theo dõi ý thức, nhịp thở của bệnh nhân. 

6.Vì sao phải tranh thủ"Giờ vàng" trong cấp cứu đột quỵ:"Giờ vàng" là khoảng thời gian tối ưu can thiệp y tế cho người bệnh nhằm cứu vùng não bị tổn thương, giảm nguy cơ tử vong và hạn chế di chứng.

 Lý do phải tranh thủ giờ vàng: 

 - Vì mỗi phút trôi qua sau khi bị đột quỵ, có 1.9 triệu tế bào não chết. 

 - Người bệnh được can thiệp sớm trong giờ vàng giúp tăng khả năng sống sót, giảm nguy cơ liệt, mất ngôn ngữ, sa sút trí tuệ... 

 Thời gian giờ vàng cụ thể như sau: 

- Đột quỵ do thiếu máu cục bộ (tắc mạch): 

+ 3 - 4.5 giờ đầu sau khi xuất hiện triệu chứng đột quỵ, có thể dùng thuốc tiêu sợi huyết để làm tan cục máu đông. 

+ 6 giờ, có thể mở rộng đến 24 giờ trong một số trường hợp cần được can thiệp lấy huyết khối. 

- Đột quỵ do xuất huyết não (vỡ mạch):  Cần được can thiệp càng sớm càng tốt  bằng phẫu thuật cầm máu, giảm áp lực nội sọ tại bệnh viện chuyên khoa. 

7. Các biện pháp phòng đột quỵ:

- Kiểm soát huyết áp, đường huyết, mỡ máu. 

- Tập thể dục đều đặn, phù hợp ít nhất 30 phút/ngày. Ăn nhiều rau xanh, trái cây, ăn ít muối và giảm chất béo. 

- Không hút thuốc lá, không uống rượu bia.   

- Khám sức khỏe định kỳ 3-6 tháng/lần để được xét nghiệm, chẩn đoán và điều trị sớm, đặc biệt  những  người có bệnh nền (tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh tim,...) cần tái khám đúng lịch.

- Những người mắc bệnh tăng huyết áp (khi đo huyết áp 2 lần khác nhau, mỗi lần cách nhau ít nhất 1-2 tuần mà chỉ số ≥ 140/90mmHg), cần uống thuốc hạ huyết áp hàng ngày, đúng giờ và dùng các thuốc hỗ trợ (vitamin, tăng cường tuần hoàn não...) theo hướng dẫn của bác sĩ điều trị.


Tác giả: BSCKII Lưu Thị Ánh Tuyết - PGĐ TT KSBT
Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá
Click để đánh giá bài viết