• :
  • :
Trung tâm kiểm soát bệnh tật Thái Bình: Chuyên nghiệp - Tận tâm - Vì cộng đồng
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bệnh thận đái tháo đường – biến chứng nguy hiểm đang gia tăng

Là biến chứng mạn tính thường gặp và nguy hiểm của đái tháo đường, bệnh thận đái tháo đường (ĐTĐ) gây tử vong cao, tốn kém chi phí điều trị. Việc tầm soát, phát hiện và can thiệp sớm đóng vai trò then chốt trong việc giảm gánh nặng cho người bệnh mắc bệnh thận ĐTĐ và hệ thống y tế.

Trong bối cảnh tỷ lệ người mắc ĐTĐ ngày càng tăng nhanh trên toàn thế giới, bệnh thận do  ĐTĐ đang nổi lên, là một trong những biến chứng mạn tính nghiêm trọng, gây ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng cuộc sống và khả năng sống còn của người bệnh. Theo Hiệp hội Đái tháo đường Thế giới (IDF), năm 2024 ước tính có khoảng 589 triệu người mắc ĐTĐ. Trong số đó, khoảng 20 – 40% bệnh nhân sẽ phát triển biến chứng thận, đặc biệt là bệnh thận mạn tính dẫn đến suy thận giai đoạn cuối.

Đáng báo động, nhiều bệnh nhân ĐTĐ type 2 đã có protein niệu ngay từ thời điểm chẩn đoán, trong khi khoảng 50% bệnh nhân ĐTĐ type 1 sau 10 năm mắc bệnh sẽ tiến triển thành suy thận giai đoạn cuối – con số này có thể lên đến 75% sau 20 năm nếu không được kiểm soát tốt.

Thống kê trên toàn quốc cũng cho thấy, có đến 43,8% số bệnh nhân chạy thận là do biến chứng từ bệnh ĐTĐ, với tỷ lệ tử vong lên đến 90% nếu không được ghép thận hoặc lọc máu kịp thời – đây là gánh nặng lớn không chỉ về sức khỏe mà còn về tài chính đối với người bệnh và hệ thống y tế.

Triệu chứng mờ nhạt nhưng hậu quả nghiêm trọng

Bệnh thận do ĐTĐ thường tiến triển âm thầm, không có triệu chứng rõ ràng trong giai đoạn đầu. Các dấu hiệu chỉ trở nên rõ ràng khi bệnh đã tiến triển, bao gồm: huyết áp tăng cao, tiểu nhiều về đêm, nước tiểu sủi bọt, phù chân tay hoặc toàn thân, da xanh xao, mệt mỏi, buồn nôn, chán ăn, thậm chí bị hạ đường huyết thường xuyên.

Ngoài việc là một biến chứng của ĐTĐ, bệnh thận còn là yếu tố nguy cơ độc lập đối với các bệnh lý tim mạch – nguyên nhân tử vong hàng đầu hiện nay. Sự kết hợp giữa ĐTĐ và bệnh thận mạn làm tăng nguy cơ tử vong sớm đáng kể nếu không được can thiệp kịp thời.

Tầm soát và điều trị sớm – chìa khóa giảm gánh nặng bệnh tật

Mặc dù bệnh thận do ĐTĐ gây hậu quả nghiêm trọng, tuy nhiên tỷ lệ được chẩn đoán và điều trị sớm vẫn còn thấp. Theo khảo sát, có đến 80,3% bệnh nhân có nguy cơ cao không được thực hiện các xét nghiệm tầm soát theo khuyến cáo.

Ngoài ra, việc kiểm soát tốt đường huyết, huyết áp, mỡ máu kết hợp với thay đổi lối sống (ăn uống hợp lý, tập thể dục, không hút thuốc lá…) là nền tảng trong điều trị và phòng ngừa tiến triển của bệnh.

Bệnh thận do đái tháo đường là một "sát thủ thầm lặng" nhưng hậu quả lại vô cùng nặng nề. Việc tầm soát sớm, chẩn đoán kịp thời và điều trị tích cực có thể làm chậm tiến triển của bệnh, giảm chi phí điều trị, nâng cao chất lượng cuộc sống và tăng tuổi thọ cho người bệnh. Ngành y tế, đội ngũ chuyên môn và các đơn vị, địa phương cần tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng để cùng nhau giảm thiểu gánh nặng bệnh tật từ căn bệnh này./.


Tác giả: Hoàng Thía
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết