• :
  • :
Trung tâm kiểm soát bệnh tật Thái Bình: Chuyên nghiệp - Tận tâm - Vì cộng đồng
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tăng thuế thuốc lá để cứu sống hơn 103 nghìn ca tử vong liên quan đến thuốc lá mỗi năm

Theo Bộ Y tế, mỗi năm Việt Nam có khoảng hơn 103 nghìn ca tử vong liên quan đến sử dụng thuốc lá. Vấn đề cải cách thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá là vô cùng cần thiết. Cải cách thuế thuốc lá được thực hiện càng sớm sẽ giúp cứu sống nhiều người, giảm tổn thất kinh tế, xã hội...

Hệ lụy nghiêm trọng của thuốc lá với sức khỏe người dân, thị trường lao động

Theo Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá, sử dụng thuốc lá đã và đang gây ra những gánh nặng lớn về bệnh tật và tử vong, đe dọa sự phát triển kinh tế, xã hội ở Việt Nam.

Mỗi năm Việt Nam có hơn 84.500 ca tử vong do hút thuốc chủ động và 18.800 ca tử vong do các bệnh gây ra bởi phơi nhiễm với khói thuốc thụ động. Phần lớn những người chết vì bệnh liên quan đến thuốc lá là những người trong độ tuổi lao động, có nghĩa là tử vong sớm.

Sức khỏe kém và tử vong sớm do thuốc lá ảnh hưởng đến quy mô và chất lượng lao động của Việt Nam. Vấn đề này sẽ trở nên rõ rệt hơn trong 10-20 năm tới khi nhóm người hút thuốc lớn hiện nay bắt đầu trải nghiệm những tác động sức khỏe của việc sử dụng thuốc lá.

Gánh nặng bệnh tật do sử dụng thuốc lá gây ra đe dọa khả năng Việt Nam đạt được các mục tiêu quốc gia về kiểm soát thuốc lá và y tế, cũng như cam kết đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững liên quan đến sức khỏe.

Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá để cứu sống nhiều người

Ngân hàng thế giới và Tổ chức Y tế thế giới đánh giá, chính sách giá và thuế là một trong những chính sách quan trọng nhất để kiểm soát tiêu dùng thuốc lá và có vai trò chiếm tới 50% trong việc giảm hút thuốc.

Theo các chuyên gia y tế, thuế và giá thuốc lá ở Việt Nam hiện ở mức thấp so với các quốc gia trên thế giới cũng như so với mặt bằng chung của các nước trong khu vực.Việt Nam đã 3 lần tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá: năm 2008 tăng mức thuế suất từ 55% lên 65%; năm 2016 tăng từ 65% lên 70%; và năm 2019 tăng từ 70% lên 75%, tuy nhiên với mức tăng thuế suất thấp (5% - 10% với mỗi lần tăng), cơ sở tính thuế dựa trên giá xuất xưởng thấp và khoảng cách thời gian giữa các lần tăng thuế tương đối dài nên mức tăng giá do tăng thuế là không đáng kể.

Trong bối cảnh đó, cải cách thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá là vô cùng cần thiết. Cải cách thuế thuốc lá được thực hiện càng sớm sẽ giúp cứu sống nhiều người, giảm tổn thất kinh tế, xã hội.

Để đạt được hiệu quả giảm tiêu dùng thuốc lá, Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo cần cải cách chính sách thuế thuốc lá theo hướng: Bổ sung thuế tuyệt đối (để chuyển sang hệ thống thuế hỗn hợp) với mức đủ lớn và tăng thuế theo một lộ trình đều đặn để giá thuốc lá theo kịp mức tăng thu nhập và dần hướng tới mức thuế tối ưu là chiếm 75% giá bán lẻ để góp phần đạt mục tiêu giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá.

Tăng thuế thuốc lá sẽ góp phần cải thiện sức khỏe của người lao động, qua đó tăng năng suất, giảm chi phí y tế, tạo điều kiện tăng chi cho giáo dục, gia tăng tiết kiệm để phục vụ cho các hoạt động đầu tư và kinh doanh.

Ngoài ra, các nguồn thu từ tăng thuế thuốc lá còn giúp bổ sung nguồn lực để Nhà nước có thể thực hiện các chương trình phát triển kinh tế bền vững, trong đó có giảm tỷ lệ hộ nghèo và bất bình đẳng thu nhập./.


Tác giả: Hoàng Thía
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết