Bệnh ung thư dạ dày có xu hướng gia tăng
Ung thư dạ dày là một trong những bệnh ung thư phổ biến và nguy hiểm nhất của hệ tiêu hóa. Bệnh thường tiến triển âm thầm trong nhiều năm trước khi xuất hiện các triệu chứng rõ ràng. Theo thống kê toàn cầu, ung thư dạ dày đứng thứ 5 về tỷ lệ mắc mới và thứ 3 về tỷ lệ tử vong trong các loại ung thư. Tại Việt Nam, bệnh đang có xu hướng gia tăng nhanh, đặc biệt ở nam giới và nhóm người trên 50 tuổi.
1. Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ
Một số yếu tố nguy cơ gây ung thư dạ dày như sau:
- Chế độ ăn uống không hợp lý: Ăn nhiều thực phẩm ướp muối, hun khói, chiên rán, ăn ít rau xanh, trái cây làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
- Thói quen sinh hoạt không lành mạnh: Hút thuốc lá, sử dụng rượu bia thường xuyên có mối liên hệ rõ ràng với ung thư dạ dày.
- Tiền sử bệnh lý dạ dày: Viêm dạ dày mãn, loét dạ dày, polyp dạ dày làm tăng nguy cơ tiến triển thành ung thư. Ngoài ra, nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori gây viêm loét dạ dày mãn tính, từ đó có thể dẫn tới loạn sản và ung thư hóa.
- Yếu tố di truyền: Người có tiền sử gia đình mắc ung thư dạ dày hoặc hội chứng di truyền như Lynch, FAP có nguy cơ cao hơn.
2. Những biểu hiện của bệnh ung thư dạ dày
Ở giai đoạn sớm, bệnh thường không có biểu hiện rõ ràng, dẫn đến chẩn đoán muộn. Một số dấu hiệu cần lưu ý gồm:
- Đau âm ỉ vùng thượng vị, kéo dài dai dẳng.
- Cảm giác đầy bụng, buồn nôn sau ăn.
- Sụt cân không rõ nguyên nhân.
- Mệt mỏi, thiếu máu.
- Nôn ra máu hoặc đi ngoài phân đen.
Khi bệnh tiến triển, các triệu chứng trở nên nghiêm trọng hơn, ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống. Nếu được phát hiện ở giai đoạn sớm, tỷ lệ sống sau 5 năm có thể đạt trên 70%. Tuy nhiên, ở giai đoạn muộn, tiên lượng thường rất xấu.
3. Biện pháp phòng bệnh
Phòng bệnh ung thư dạ dày là giải pháp hiệu quả nhằm giảm thiểu gánh nặng bệnh tật:
- Dinh dưỡng khoa học: Tăng cường rau xanh, trái cây tươi, hạn chế thực phẩm muối chua, chế biến sẵn.
- Thay đổi lối sống: Không hút thuốc lá, hạn chế rượu bia, duy trì cân nặng hợp lý và luyện tập thể dục thường xuyên.
- Khám sức khỏe định kỳ để tầm soát sớm: Việc khám sức khỏe định kỳ, làm các xét nghiệm máu, trong đó có xét nghiệm CA 72-4 (Cancer Antigen) là xét nghiệm đặc trưng của ung thư dạ dày được sử dụng trong sàng lọc, theo dõi, hỗ trợ chẩn đoán bệnh ung thư dạ dày.Ngoài ra, thực hiện nội soi dạ dày định kỳ ở người có yếu tố nguy cơ cao.
- Điều trị triệt để nếu nhiễm H. Pylori, giúp ngăn ngừa viêm dạ dầy mạn tính dẫn đến ung thư hóa.
Ung thư dạ dày là căn bệnh nguy hiểm nhưng hoàn toàn có thể phòng ngừa và điều trị hiệu quả nếu được phát hiện sớm. Việc nâng cao nhận thức cộng đồng, duy trì lối sống lành mạnh và thực hiện khám sức khỏe định kỳ là những yếu tố then chốt trong công tác phòng, chống bệnh ung thư nói chung và ung thư dạ dày nói riêng.