• :
  • :
Trung tâm kiểm soát bệnh tật Thái Bình: Chuyên nghiệp - Tận tâm - Vì cộng đồng
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Phòng bệnh ung thư vú

Ung thư vú (breast cancer) là bệnh lý u vú ác tính khi các tế bào ác tính hình thành từ trong mô tuyến vú, đây là loại ung thư thường gặp nhất ở nữ giới. Các tế bào ung thư sau đó có thể phát triển lan rộng ra toàn bộ vú và di căn sang các bộ phận khác trên cơ thể.

Các dấu hiệu của ung thư vú, bao gồm:

          - Đau: Đau ở một bên vú, đau thường kéo dài, có thể không liên quan đến chu kỳ kinh nguyệt.

          - Thay đổi ở da vú và núm vú: Da vú dày lên và trở lên sần sùi hoặc da vú trở lên căng mọng, đỏ, có thể đau núm vú hoặc núm vú bị kéo tụt vào trong.

  - Chảy dịch hoặc máu ở đầu vú: Đầu vú chảy dịch hoặc chảy máu, có thể kèm theo đau hoặc không, đặc biệt là khi các bất thường này chỉ xuất hiện ở một bên vú.

           - Sờ thấy khối bất thường ở vú hoặc ở nách: Các khối này có thể cố định hoặc di động, kích thước khác nhau, ranh giới có thể khó xác định, có thể đau hoặc không đau.

 Để phòng bệnh ung thư vú, chị em phụ nữ cần thực hiện những biện sau đây:

1. Duy trì lối sống lành mạnh

- Tập thể dục thường xuyên, ít nhất 30 phút mỗi ngày giúp kiểm soát cân nặng và cân bằng hormone.

- Thực hiện chế độ ăn uống khoa học: Tăng cường rau xanh, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt, hạn chế thực phẩm chế biến sẵn, đồ chiên rán, thịt đỏ, giảm đường và chất béo không lành mạnh.

- Hạn chế rượu bia và tránh xa khói thuốc lá: Uống rượu quá mức và sống trong môi trường có người hút thuốc lá làm tăng nguy cơ ung thư vú.

2. Kiểm soát cân nặng: Những người béo phì (đặc biệt sau mãn kinh) làm tăng nguy cơ ung thư vú do lượng estrogen cao.

3. Cho con bú sữa mẹ: Chị em phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ thực hiện nuôi con bằng sữa mẹ từ 6 tháng trở lên giúp giảm nguy cơ ung thư vú.

4. Hạn chế liệu pháp hormone sau mãn kinh: Một số liệu pháp thay thế hormone (HRT) làm tăng nguy cơ ung thư vú cần được tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng liệu pháp này.

5. Tránh tiếp xúc với hóa chất độc hại: Hạn chế sử dụng mỹ phẩm, thuốc trừ sâu, chất bảo quản có chứa estrogen tổng hợp và các hóa chất độc hại khác trong quá trình lao động sản xuất.

6. Khám sức khỏe định kỳ để tầm soát ung thư vú

- Chị em phụ nữ tự khám vú hàng tháng sau kỳ kinh nguyệt. để biết được trạng thái bình thường của vú và kịp thời phát hiện những thay đổi tại vú khi nó mới xuất hiện.

- Ngoài ra, chị em cần được cơ sở y tế chuyên khoa khám lâm sàng và chụp nhũ ảnh (mammogram), nhất là chị em phụ nữ trên 40 tuổi hoặc tiền sử gia đình có người bị ung thư vú.

7. Quản lý căng thẳng và ngủ đủ giấc: Căng thẳng kéo dài và thiếu ngủ làm suy giảm miễn dịch, tăng nguy cơ mắc ung thư trong đó có ung thư vú.

8. Tiêm phòng HPV (nếu cần, theo hướng dẫn của bác sĩ): Một số nghiên cứu y tế cho thấy virus HPV có thể liên quan đến ung thư vú, do đó có thể tiêm phòng HPV theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa.

9.Lưu ý: Nếu gia đình có tiền sử ung thư vú hoặc mang gen đột biến BRCA1/BRCA2 nên chủ động thực hiện các biện pháp dự phòng đặc biệt.

Phòng bệnh từ sớm giúp giảm đáng kể nguy cơ mắc ung thư vú.Chị em phụ nữ hãy kết hợp lối sống lành mạnh với khám sức khỏe định kỳ để bảo vệ bản thân! 


Tác giả: BSCKII Lưu Thị Ánh Tuyết - PGĐ TT KSBT
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết