• :
  • :
Trung tâm kiểm soát bệnh tật Thái Bình: Chuyên nghiệp - Tận tâm - Vì cộng đồng
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cảnh giác với dậy thì sớm ở trẻ em

Dậy thì sớm đang trở thành một vấn đề sức khỏe ngày càng phổ biến và đáng lo ngại trong xã hội hiện đại. Tình trạng này không chỉ ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất mà còn gây ra nhiều hệ lụy về tâm lý và hành vi cho trẻ. Việc nhận biết sớm, hiểu rõ nguyên nhân và có biện pháp can thiệp kịp thời sẽ giúp bảo vệ sức khỏe và tương lai của trẻ em.

Dậy thì sớm được xác định khi trẻ xuất hiện các dấu hiệu sinh dục thứ phát sớm hơn độ tuổi bình thường, cụ thể là trước 8 tuổi ở bé gái và trước 9 tuổi ở bé trai, trong khi độ tuổi dậy thì bình thường ở trẻ em dao động từ 8 đến 13 tuổi đối với trẻ gái và từ 9 đến 14 tuổi đối với trẻ trai. Những biểu hiện dễ nhận biết bao gồm: phát triển ngực ở trẻ gái, tăng kích thước tinh hoàn ở trẻ trai, mọc lông mu, cơ thể có mùi đặc trưng, nổi mụn trứng cá, thay đổi tâm lý rõ rệt và tăng trưởng chiều cao nhanh bất thường.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến dậy thì sớm, trong đó, chế độ dinh dưỡng không hợp lý là yếu tố quan trọng, đặc biệt là khi trẻ tiêu thụ quá nhiều thực phẩm chế biến sẵn, đồ chiên rán hoặc thực phẩm chứa hormone tăng trưởng. Bên cạnh đó, việc tiếp xúc sớm với các thiết bị điện tử, xem nội dung không phù hợp với lứa tuổi và thiếu vận động cũng góp phần thúc đẩy quá trình dậy thì. Một số trường hợp dậy thì sớm có thể bắt nguồn từ các rối loạn nội tiết như u não, u buồng trứng hoặc tuyến thượng thận. Ngoài ra, yếu tố di truyền, môi trường sống và tâm lý cũng đóng vai trò không nhỏ.

Dậy thì sớm có thể gây ra nhiều tác hại: Trẻ có thể bị rút ngắn giai đoạn tăng trưởng chiều cao, dẫn đến chiều cao khi trưởng thành thấp hơn tiềm năng di truyền. Về mặt tâm lý, trẻ dễ cảm thấy tự ti, lo lắng hoặc bị kỳ thị nếu không được định hướng, hỗ trợ phù hợp từ cha mẹ và người thân. Một số trẻ có thể bị lôi kéo vào những hành vi nguy cơ như quan hệ tình dục sớm hoặc sử dụng chất kích thích, đặc biệt nếu thiếu kỹ năng sống và nhận thức xã hội. Ngoài ra, dậy thì sớm cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo các bệnh lý nguy hiểm cần được phát hiện sớm.

Để phòng tránh dậy thì sớm, cha mẹ cần quan tâm theo dõi sự phát triển thể chất và tinh thần của trẻ. Nên xây dựng cho trẻ chế độ ăn uống khoa học, tăng cường rau xanh, trái cây tươi, thực phẩm giàu chất xơ và tránh sử dụng các loại đồ uống có gas, nước ngọt, trà sữa hoặc sữa không rõ nguồn gốc. Cần hạn chế cho trẻ tiêu thụ thực phẩm công nghiệp chế biến sẵn như thịt chiên rán, xúc xích, đồ ăn nhanh...

Một môi trường sống lành mạnh, năng động có vai trò quan trọng trong việc ngăn ngừa dậy thì sớm. Trẻ nên được khuyến khích tham gia vận động thể chất ít nhất một giờ mỗi ngày, giảm thời gian sử dụng thiết bị điện tử và có chế độ ngủ, nghỉ hợp lý. Đồng thời, cần quan tâm đến tâm lý trẻ, tạo điều kiện để trẻ được chia sẻ, lắng nghe và đồng hành cùng cha mẹ. Việc giáo dục giới tính phù hợp với lứa tuổi cũng giúp trẻ có nhận thức đúng đắn và tránh được những nguy cơ không mong muốn.

Trong trường hợp phát hiện trẻ có các dấu hiệu dậy thì sớm, cần đưa trẻ đến khám tại các cơ sở y tế chuyên khoa nội tiết để được chẩn đoán và tư vấn kịp thời. Điều này không chỉ giúp trẻ tránh được các hệ lụy trước mắt mà còn tạo nền tảng cho sự phát triển toàn diện cả về thể chất lẫn tinh thần trong tương lai.

Dậy thì sớm không chỉ là vấn đề riêng của từng gia đình mà là một thách thức đối với sức khỏe cộng đồng. Sự đồng hành, chủ động của gia đình, nhà trường, toàn xã hội là yếu tố then chốt giúp trẻ em phát triển lành mạnh, an toàn./.


Tác giả: Đoàn Huê
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết