• :
  • :
Trung tâm kiểm soát bệnh tật Thái Bình: Chuyên nghiệp - Tận tâm - Vì cộng đồng
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tác hại của rượu, bia

Rượu bia là nguyên nhân trực tiếp của ít nhất 30 bệnh, chấn thương và nguyên nhân gián tiếp của ít nhất 200 loại bệnh.Theo Cục Phòng bệnh – Bộ Y tế, sử dụng rượu bia ở Việt Nam đang gia tăng ở mức báo động, đặc biệt là ở giới trẻ. Việt Nam xếp thứ 2 trong các nước khu vực Đông Nam Á, xếp thứ 3 châu Á về mức tiêu thụ bình quân rượu bia/người. 

Theo Điều tra yếu tố nguy cơ bệnh không lây nhiễm năm 2021 cho thấy tỷ lệ nam giới Việt Nam uống rượu bia rất cao, năm 2021 có tới 64% nam giới và 10% nữ giới hiện có uống rượu bia 30 ngày qua. Đáng lưu ý, tỷ lệ uống ở mức nguy hại đều tăng cao qua các năm, nhất là ở nam giới, cứ 3 nam giới thì có 1 người uống ở mức nguy hại.

 Khi uống nhiều rượu, bia gây những tác hại như sau:

1. Tác hại đối với sức khỏe bản thân người uống rượu, bia

- Gây tổn thương gan: Người uống nhiều rượu bia theo thời gian sẽ dẫn đến gan nhiễm mỡ, viêm gan, xơ gan và ung thư gan. 

- Tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch: Người uống nhiều rượu bia có nguy cơ mắc bệnh tim mạch: tăng huyết áp, đái tháo đường, đột quỵ, nhồi máu cơ tim... 

- Suy giảm hệ miễn dịch: Làm cơ thể giảm sức đề kháng, dễ mắc bệnh nhiễm trùng. 

- Tổn thương hệ tiêu hóa: Người uống nhiều rượu bia  sẽ dễ mắc các bệnh viêm loét dạ dày, xuất huyết tiêu hóa, ung thư thực quản... 

- Ảnh hưởng thần kinh: Gây tổn thương não, suy giảm trí nhớ, teo não... 

- Tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư: Miệng, họng, vú, gan, dạ dầy, đại tràng… 

- Suy dinh dưỡng: Uống nhiều rượu ngăn cản hấp thu chất dinh dưỡng. 

2. Tác hại đối với tinh thần người uống rượu, bia 

- Gây bệnh trầm cảm, lo âu: Người uống nhiều rượu làm mất cân bằng chất dẫn truyền thần kinh, gây bệnh trầm cảm, lo âu, rối loạn cảm xúc... 

- Nghiện rượu: Người uống nhiều rượu và uống thời gian dài dẫn nghiện rượu, bê tha, hành vi không chuẩn, có thể dẫn đến suy sụp tinh thần. 

- Rối loạn hành vi: Dễ nóng giận, bạo lực, mất kiểm soát hành vi. 

3. Tác hại đối với sự phát triển kinh tế, xã hội 

- Gây tai nạn giao thông: Rượu, bia là nguyên nhân hàng đầu gây tai nạn giao thông do lái xe say rượu. 

- Gây bạo lực gia đình: Rượu, bia cũng  là nguyên nhân làm tăng xung đột gia đình, bạo hành, ly hôn, ảnh hưởng tới cộng đồng, xã hội. 

- Suy giảm chất lượng lao động: Rượu, bia cũng  là nguyên nhân làm giảm năng suất lao động, mất việc, nghèo đói, tai nạn lao động. 

4. Ảnh hưởng đến thai nhi: Nếu phụ nữ uống rượu, bia trong khi mang thai có thể gây Hội chứng rượu bào thai (FAS), gây dị tật, gây chậm phát triển trí tuệ ở trẻ sinh ra.

5. Nội dung thông tin, giáo dục, truyền thông về Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia

Ngày 14 tháng 6  năm 2019, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ban hành Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia số 44/2019/QH14, hiệu lực thi hành từ 01/01/2020.Điều 7 của Luật qui định Nội dung thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống tác hại của rượu, bia như sau:

1. Chính sách, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tác hại của rượu, bia; các hành vi bị nghiêm cấm trong phòng, chống tác hại của rượu, bia; các chế tài xử phạt và vận động cá nhân, tổ chức tuân thủ quy định của pháp luật về phòng, chống tác hại của rượu, bia.

2. Quyền, nghĩa vụ của cá nhân và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, gia đình, cộng đồng trong phòng, chống tác hại của rượu, bia.

3. Tác hại của rượu, bia; tác hại của rượu, bia giả, không bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm; các mức độ nguy cơ khi uống rượu, bia; các biện pháp giảm tác hại của rượu, bia.

4. Bệnh, tình trạng sức khỏe, đối tượng không nên uống rượu, bia; độ tuổi không được uống rượu, bia.

5. Kỹ năng từ chối uống rượu, bia; kỹ năng nhận biết và ứng xử, xử trí khi gặp người say rượu, bia, người nghiện rượu, bia.

6. Vận động hạn chế uống rượu, bia và không điều khiển phương tiện giao thông, vận hành máy móc sau khi uống rượu, bia.

7. Hướng dẫn hộ gia đình, cá nhân sản xuất rượu thủ công bảo đảm an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật.

8. Tuyên truyền, vận động, hướng dẫn hộ gia đình, cá nhân sản xuất rượu thủ công làm thủ tục cấp giấy phép sản xuất, đăng ký với Ủy ban nhân dân cấp xã việc bán rượu cho cơ sở có giấy phép sản xuất rượu để chế biến lại, kê khai việc sản xuất rượu thủ công không nhằm mục đích kinh doanh.

6.Lời khuyên

- Mỗi gia đình, tổ chức, cá nhân cần thực hiện nghiêm Luật PCTH của rượu, bia. Hạn chế uống rượu, bia hoặc không uống rượu, bia để bảo vệ sức khỏe. 

- Không lái xe sau khi uống rượu, bia. 

- Người nghiện rượu đến cơ sở y tế để được hỗ trợ cai rượu.


Tác giả: BSCKII Lưu Thị Ánh Tuyết - PGĐ TT KSBT
Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết