Phòng bệnh loãng xương
Loãng xương là một bệnh lý phổ biến ở người trung niên và cao tuổi, thường tiến triển âm thầm, không có triệu chứng rõ ràng và trong nhiều trường hợp chỉ được phát hiện khi đã xuất hiện biến chứng. Đây là một tình trạng rối loạn chuyển hóa của bộ xương, làm giảm sức mạnh của xương dẫn đến tăng nguy cơ bị gãy xương.
Các nguyên nhân chính của bệnh loãng xương:
- Lối sống sinh hoạt không hợp lý, ít vận động.
- Thường xuyên mang vác các vật nặng, lao động vất vả.
- Có chế độ dinh dưỡng thiếu canxi.
- Giới tính: Nữ giới có nguy cơ mắc bệnh loãng xương nhiều hơn nam giới.
Lượng canxi cho quá trình tạo xương lúc trẻ không được bổ sung đầy đủ, dẫn đến việc khi về già cùng với sự lão hóa, quá trình tạo xương giảm xuống và quá trình hủy xương diễn ra nhanh, mạnh, khiến cho mật độ xương giảm sút, làm cho xương giòn và yếu, giảm sức chịu lực và dễ gãy hơn.
Các yếu tố nguy cơ gây loãng xương có thể bao gồm các yếu tố không thể thay đổi được, các yếu tố về lối sống, về tình trạng y tế và thuốc liên quan đến loãng xương thứ phát.
Các yếu tố nguy cơ gây loãng xương không thể thay đổi
- Tuổi già
- Giới tính nữ
- Tiền sử gia đình bị loãng xương
- Các gen ảnh hưởng đến mật độ khoáng của xương: VDR, COL1A1 và/hoặc ER-alpha).
Các yếu tố nguy cơ gây loãng xương có thể thay đổi
- Hút thuốc và uống nhiều rượu làm tăng nguy cơ loãng xương. Uống nhiều được định nghĩa là > 2 đơn vị rượu/ngày đối với phụ nữ trưởng thành và > 3 đơn vị rượu/ngày đối với nam giới trưởng thành.
- Ít hoạt động thể chất làm giảm lực đè trọng lượng và lực co cơ có thể góp phần gây mất xương do tuổi tác.
- Dinh dưỡng cũng là một yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến sức khỏe của xương.
Biểu hiện của bệnh loãng xương:
Bệnh loãng xương thường tiến triển âm thầm và không có triệu chứng rõ ràng cho đến khi xương bị yếu đi đáng kể hoặc xảy ra gãy xương. Tuy nhiên, có một số biểu hiện phổ biến có thể gặp bao gồm:
Đau xương hoặc đau lưng: Đau lưng thường xuyên, đặc biệt là do gãy hoặc xẹp đốt sống. Đau âm ỉ kéo dài ở cột sống, hông hoặc cổ tay.
Giảm chiều cao theo thời gian: Người bệnh có thể thấp đi do xương cột sống bị xẹp.
Tư thế gù, cong lưng (gù lưng): Do biến dạng cột sống vì mất mật độ xương.
Gãy xương dễ dàng: Gãy xương do những chấn thương nhẹ, chẳng hạn như trượt chân nhẹ, ho mạnh hoặc cúi người nâng vật nặng.
Yếu cơ, giảm sức vận động: Người bệnh dễ mệt mỏi khi vận động, thăng bằng kém, dễ té ngã.
Lời khuyên của thầy thuốc:
Dù chưa hay đang có nguy cơ loãng xương, thậm chí đang bị loãng xương thì việc chẩn đoán, phòng ngừa và điều trị vẫn rất cần thiết. Phụ nữ trung niên và cao tuổi nên đo mật độ xương định kỳ từ 3 – 6 tháng/lần để tầm soát nguy cơ loãng xương và bổ sung kịp thời canxi và vitamin D cho cơ thể nếu có nguy cơ.
Để phòng tránh loãng xương, Bác sỹ CKII Lưu Thị Ánh Tuyết- Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh khuyến cáo người dân cần chú ý tăng cường vận động thể lực phù hợp với sức khỏe: đi bộ ngoài trời, đạp xe, tập Yoga, tập thể thao..., duy trì lối sống năng động.
Cung cấp canxi cho cơ thể: Hàm lượng canxi trong thời gian cho con bú luôn cao hơn bình thường, khoảng 1.500mg/ngày.Mỗi gia đình cần bổ sung canxi từ các thực phẩm giàu canxi như là sữa, đậu tương, trứng, rau cải, cá tôm, cá hồi, đậu phụ…
Ăn nhiều rau quả để cung cấp magie và kali là hai chất khoáng quan trọng trong việc phòng chống loãng xương. Để đảm bảo đủ hàm lượng hai chất này cần ăn đủ rau, trái cây hàng ngày. Ngoài ra tắm nắng mỗi buổi sáng cũng là cách giúp cơ thể tổng hợp vitamin D tốt, đồng thời cũng giúp phòng ngừa loãng xương./.