Bệnh Tay chân miệng tăng 31 ca so với tuần trước
Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, Tay chân miệng (TCM) là bệnh đang có dấu hiệu gia tăng nhẹ trên địa bàn tỉnh. Trong tuần 19, toàn tỉnh ghi nhận 71 ca tay chân miệng, tăng 31 ca so với tuần trước đó, chủ yếu xuất hiện rải rác tại các huyện và thành phố. Dù số ca nhập viện có tăng nhưng hiện không ghi nhận chùm ca bệnh hay ổ dịch nguy cơ cao. Tổng cộng từ đầu năm đến nay, Thái Bình ghi nhận 270 trường hợp mắc tay chân miệng, không có tử vong. Công tác tuyên truyền và phòng bệnh tại các cơ sở mầm non và trường học được tăng cường nhằm kiểm soát tốt tình hình.
Bệnh tay chân miệng chủ yếu ảnh hưởng đến trẻ em dưới 5 tuổi, đặc biệt là dưới 3 tuổi. Bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa, thường gặp ở môi trường tập thể như trường học, mẫu giáo. Biểu hiện của bệnh có thể từ nhẹ (như nổi bóng nước ở lòng bàn tay, bàn chân, loét miệng) đến nặng (tổn thương não, tim) và có thể tử vong.
Hiện tại, chưa có vắc xin phòng bệnh tay chân miệng, vì vậy việc thực hiện các biện pháp phòng tránh là rất quan trọng để bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Điều trị bệnh tay chân miệng tại nhà
Trẻ mắc bệnh tay chân miệng mức độ nhẹ cần được cho theo dõi và chăm sóc tại nhà như sau:
– Cách ly trẻ bệnh với trẻ khỏe mạnh để hạn chế sự lây nhiễm: Trẻ mắc bệnh cần nghỉ học ít nhất 10 ngày kể từ ngày khởi bệnh, để ngăn chặn sự lây nhiễm cho trẻ khác trong môi trường học đường. Trong nhà có nhiều trẻ cùng chung sống, nên cách ly tuyệt đối, khuyến khích trẻ bệnh không nên chơi chung với trẻ lành trong thời gian mắc bệnh, cần giám sát chặt chẽ các hoạt động hàng ngày của trẻ bệnh.
– Đeo khẩu trang cho trẻ bị bệnh và người chăm sóc trẻ bệnh. Sau khi tiếp xúc phải rửa tay sạch bằng xà phòng và nước sạch ngay.
– Thực hiện vệ sinh cá nhân tốt cho trẻ mắc bệnh: Thường xuyên tắm rửa sạch sẽ cho trẻ hàng ngày bằng xà phòng với nước sạch. Hướng dẫn trẻ rửa tay sạch sẽ, đúng cách bằng xà phòng dưới vòi nước chảy để ngăn ngừa sự tái nhiễm qua đường tay – miệng. Quần áo, tã lót của trẻ bệnh nên được tẩy trùng sạch sẽ bằng nước sôi trước khi giặt sạch bằng xà phòng.
– Vật dụng ăn uống của trẻ như bình sữa, ly uống nước, bát ăn cơm, thìa muỗng ăn nên được luộc bằng nước sôi và sử dụng riêng biệt.
– Sử dụng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ: Bệnh TCM hiện nay vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, chủ yếu là điều trị triệu chứng như: Giảm đau miệng và hạ sốt bằng cách lau mình bằng nước ấm, dùng thuốc hạ sốt Paracetamol (liều 10 – 15mg/kg/lần, mỗi lần cách nhau từ 4 – 6h), có thể phối hợp thêm Ibuprofen nếu không hạ sốt khi có chỉ định của các bác sĩ. Tuyệt đối không sử dụng Aspirin để hạ sốt, giảm đau cho trẻ. Giảm ngứa bằng các thuốc kháng Histamin như Chlorpheniramine, …theo chỉ định của bác sĩ. Bổ sung nhiều nước cho trẻ, nhất là các loại nước ép trái cây chứa nhiều vitamin. Chế độ ăn hàng ngày cần đảm bảo đầy đủ chất dinh dưỡng, dễ tiêu, nấu chín kỹ. Đối với trẻ bú mẹ cần tăng cường cho bé bú thành nhiều lần trong ngày. Cần kiêng cho trẻ ăn các loại thức ăn có thể khiến trẻ đau rát, tổn thương miệng như thức ăn nóng, đặc, chua...
Biện pháp phòng bệnh TCM
Để phòng tránh bệnh tay chân miệng, ngành y tế khuyến cáo người dân thực hiện nguyên tắc "3 sạch" sau đây:
Ăn uống sạch: Ăn chín, uống sôi; sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hàng ngày; đảm bảo vật dụng ăn uống sạch sẽ và không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống như cốc, bát, đĩa, thìa.
Ở sạch: Thường xuyên lau sạch các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hàng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường.
Bàn tay sạch: Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch; đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi cho trẻ ăn, trước khi bế ẵm trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ./.