Thái Bình triển khai truyền thông chính sách: Đổi mới để tạo đồng thuận xã hội, nâng cao hiệu lực pháp luật
Ngày 15/04/2025, Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) tỉnh Thái Bình đã ban hành Văn bản số 03/HĐPH ngày 15/4/2025 chỉ đạo thực hiện Đề án “Tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) giai đoạn 2022–2027” năm 2025, theo Quyết định số 407/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Kế hoạch số 07/KH-UBND của UBND tỉnh Thái Bình ban hành ngày 13/01/2025 về phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở, chuẩn tiếp cận pháp luật năm 2025. Đây là bước triển khai trọng tâm nhằm nâng cao hiệu quả công tác truyền thông chính sách, góp phần xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa vững mạnh.
Trong những năm gần đây, yêu cầu hoàn thiện hệ thống pháp luật ngày càng cấp thiết, đòi hỏi sự tham gia thực chất của người dân và các tổ chức trong xã hội. Truyền thông chính sách, vì thế, không chỉ là nhiệm vụ truyền tải thông tin mà trở thành công cụ chiến lược để nâng cao tính dân chủ, công khai, minh bạch trong quy trình xây dựng pháp luật.
Theo chỉ đạo của Hội đồng PBGDPL tỉnh, năm 2025 sẽ tập trung truyền thông hai nhóm nội dung lớn:
(1) Các Luật đã được ban hành trong năm 2024–2025 như: Luật Đất đai năm 2024; Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ năm 2024; Luật Đường bộ năm 2024; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ năm 2024; Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) năm 2024; Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2024; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản năm 2024; Luật Đầu tư công năm 2024; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế, Luật Thuế thu nhập cá nhân, Luật Dự trữ quốc gia, Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2024; Luật tổ chức Chính quyền địa phương năm 2025; Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2025; Luật Tổ chức Chính phủ 2025; Luật Tổ chức Quốc hội sửa đổi năm 2025…
(2) Các dự thảo chính sách có tác động lớn đến xã hội trong năm 2025 như dự thảo Hiến pháp; Bộ Luật Hình sự; Luật Điện lực; Luật Chuyển đổi giới tính; Luật Công nghiệp công nghệ số; Luật Nhà giáo; Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp; Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi); Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi); Luật Việc làm (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật; Luật Cấp, thoát nước; Luật Chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù; Luật Dẫn độ; Luật Đường sắt (sửa đổi); Luật Quản lý phát triển đô thị; Luật Tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc; Luật Thi hành án dân sự (sửa đổi); Luật Tương trợ tư pháp về dân sự; Luật Tương trợ tư pháp về hình sự; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa; Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam và cấm đi khỏi nơi cư trú; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án hình sự…
Điểm nhấn quan trọng trong triển khai Đề án năm 2025 là yêu cầu đổi mới mạnh mẽ cách làm truyền thông chính sách. Theo đó, các sở, ngành, địa phương cần chủ động phối hợp với cơ quan báo chí, truyền thông để lan tỏa nội dung chính sách tới người dân qua nhiều hình thức: từ các hội nghị, tọa đàm, đối thoại, truyền thông đại chúng, hệ thống phát thanh cơ sở đến mạng xã hội và các nền tảng số.
Việc truyền thông sẽ tập trung vào giai đoạn lấy ý kiến, góp ý và phản biện xã hội đối với các dự thảo chính sách – thay vì chỉ phổ biến sau khi văn bản đã được ban hành. Đây là bước chuyển từ truyền thông “một chiều” sang truyền thông “hai chiều”, bảo đảm tinh thần “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng văn bản pháp luật và tăng cường sự đồng thuận xã hội.
Các cơ quan, đơn vị chủ trì soạn thảo văn bản QPPL được yêu cầu lựa chọn hình thức truyền thông phù hợp với từng nhóm đối tượng và nội dung chính sách, bảo đảm tính hiệu quả và sát thực tiễn. Đội ngũ cán bộ truyền thông, báo cáo viên pháp luật, chuyên gia pháp lý cũng cần được tập huấn, bồi dưỡng để nâng cao năng lực, bắt kịp yêu cầu truyền thông trong bối cảnh chuyển đổi số.
Hội đồng PBGDPL tỉnh cũng đề nghị các sở, ngành quản lý lĩnh vực có luật mới ban hành cần chủ động triển khai kế hoạch tuyên truyền, phổ biến, bảo đảm người dân hiểu và thực thi đúng quy định pháp luật. Các cơ quan báo chí, phát thanh – truyền hình địa phương được kỳ vọng là lực lượng nòng cốt trong việc kết nối chính sách với nhân dân./.