PHÒNG, CHỐNG BỆNH CÚM A MÙA HÈ
Trong tuần 19 năm 2025, tại tỉnh Thái Bình, số ca mắc Hội chứng Cúm vẫn tiếp tục tăng cao, toàn tỉnh ghi nhận 655 trường hợp mắc Cúm, chủ yếu là do Cúm B và Cúm A. Từ đầu năm đến nay có 10.202 trường hợp mắc Hội chứng Cúm, không ghi nhận các chủng Cúm A có độc lực cao như H5N1, H7N9.
Cúm A là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus Influenza A gây ra, lây lan qua đường hô hấp, có thể bùng phát thành dịch. Mùa hè thời tiết nóng ẩm là điều kiện thuận lợi để vi rút phát triển, gây nguy cơ lây nhiễm cao.
Biểu hiện của bệnh Cúm A: Sốt cao đột ngột (trên 38°C), có thể ớn lạnh, rét run; chảy nước mũi, ho, đau họng; đau đầu, đau cơ, mệt mỏi; một số trường hợp nặng có thể biến chứng viêm phổi, suy hô hấp.
Đường lây truyền của bệnh Cúm A: Bệnh Cúm A lây truyền theo hình thái sau đây:
- Qua giọt bắn khi người bệnh mắc Cúm A ho, hắt hơi, nói chuyện với người bình thường.
- Tiếp xúc với đồ vật nhiễm vi rút Cúm A (đồ chơi, tay nắm cửa, điện thoại…).
- Môi trường tập trung đông người (trường học, công sở, khu vui chơi, giải trí, chợ...).
Một số thực phẩm, người mắc Cúm A nên dùng:
- Thực phẩm có chứa nhiều vitamin C và chất chống oxy hóa giúp các tế bào miễn dịch hoạt động hiệu quả hơn, giúp cải thiện triệu chứng bệnh nhanh chóng, phòng ngừa biến chứng bệnh. Một số thực phẩm có chứa nhiều vitamin C như ổi, dâu tây, nho, cam, quýt, chuối, lê, táo, ớt chuông, rau cải xanh,…
- Thực phẩm có chứa nhiều vitamin và khoáng chất giúp cơ thể tăng cường sức đề kháng. Có thể kể đến một số thực phẩm như rau củ và trái cây có màu xanh đậm, bao gồm rau cải xoăn, rau ngót, bông cải xanh, cà rốt, bí đỏ, gấc, cà chua,…
- Thực phẩm có chứa nhiều kẽm: Kẽm có tác dụng tăng cường hệ miễn dịch, chống nhiễm trùng hiệu quả. Những thực phẩm có chứa nhiều kẽm mà bệnh nhân mắc cúm A nên bổ sung là các loại thịt nạc, hàu, tôm, cua, cá, trứng, sữa,…
- Một số loại gia vị: Một số loại gia vị tốt cho các trường hợp đang mắc Cúm A như sau:
+ Tỏi là gia vị chứa Allicin và 1 số chất rất tốt cho việc kháng khuẩn, tiêu viêm. Khi ăn tỏi, các triệu chứng ho và nghẹt mũi ở bệnh nhân bị Cúm A sẽ được cải thiện đáng kể.
+ Gừng là một loại gia vị, là một vị thuốc để chữa rất nhiều bệnh khác nhau. Có thể kết hợp gừng với các món cháo gà, canh gà hoặc có thể sử dụng trà gừng để hỗ trợ chữa bệnh Cúm.
+ Mật ong là loại thực phẩm có lợi đối với bệnh nhân Cúm A vì mật ong vừa kháng khuẩn vừa tăng cường sức đề kháng. Có thể làm trà gừng mật ong hoặc mật ong chanh tươi cùng nước ấm để giảm ho và giảm đau họng.
Biện pháp phòng bệnh Cúm A
- Vệ sinh cá nhân: Rửa tay thường xuyên bằng nước sạch, xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn; Che miệng khi ho/hắt hơi bằng khăn giấy và sau khi lau vứt khăn giấy vào thùng rác; Tránh dụi mắt, sờ tay lên mắt, mũi, miệng.
- Đeo khẩu trang khi đến nơi công cộng hoặc tiếp xúc với người có triệu chứng Cúm.
- Tăng cường sức đề kháng bằng cách: Ăn uống đủ chất, bổ sung vitamin tổng hợp và vitamin C; Uống đủ nước, tập thể dục đều đặn, phù hợp (ít nhất 30 phút/ngày, 5 ngày/tuần); Ngủ đủ giấc, giữ cho tinh thần thoải mái.
- Tiêm phòng vắc-xin: Tiêm vắc-xin Cúm hàng năm, đặc biệt trẻ em, người già, người có bệnh nền, phụ nữ trước khi mang thai.
- Vệ sinh môi trường: Lau chùi bề mặt thường xuyên bằng dung dịch khử khuẩn; Nhà cửa đảm bảo thông thoáng, hạn chế dùng điều hòa quá lạnh.
Lưu ý: Người mắc Cúm A cần đến bệnh viện ngay khi:
+ Sốt cao liên tục trên 38,5 °C sau 3-5 ngày, dùng thuốc hạ sốt vẫn không hạ.
+ Khó thở, tím tái, mệt mỏi, lờ đờ, ăn uống kém.
+ Các biểu hiện bệnh sau 3 ngày không thuyên giảm.
+ Không tự ý dùng thuốc, nhất là thuốc kháng vi rút (Tamiflu), thuốc kháng sinh... khi chưa có chỉ định của bác sĩ ./.