PHÒNG CHỐNG BỆNH DO LIÊN CẦU LỢN
1. Bệnh liên cầu lợn là bệnh truyền nhiễm do vi khuẩn Streptococcus suis gây ra, lây từ lợn sang người. Bệnh có thể gây viêm màng não, xuất huyết, nhiễm trùng huyết, viêm phổi, viêm cơ tim, viêm khớp, thậm chí tử vong nếu không điều trị kịp thời. Liên cầu khuẩn có tên là Streptococcus suis (S.suis) là vi khuẩn gram dương, hình cầu hay hình ô van, kỵ khí tùy tiện. S. suis chủ yếu sống ở lợn nhà nhưng đôi khi cũng tìm thấy ở các loài lợn rừng, ngựa, chó, mèo và chim. S.suis có thể tồn tại lâu trong phân, nước, rác. S.suis dễ bị tiêu diệt bởi các chất sát khuẩn và tẩy rửa, có thể điều trị hiệu quả bằng kháng sinh.
2. Đường lây truyền bệnh liên cầu lợn
- Do tiếp xúc trực tiếp với chất thải, máu, dịch tiết của lợn bệnh.
- Ăn thịt lợn, tiết canh, nem chua, lòng lợn chưa nấu chín.
- Người có vết thương hở tiếp xúc với vi khuẩn từ lợn bệnh.
3. Đối tượng nguy cơ cao mắc bệnh liên cầu lợn
- Người giết mổ, chăn nuôi lợn.
- Người ăn tiết canh, thịt lợn tái/sống.
- Người có vết thương hở, tiếp xúc với lợn bệnh.
4. Biểu hiện của bệnh liên cầu lợn
- Sốt cao đột ngột 39–40°C, người mệt mỏi, ớn lạnh.
- Đau đầu dữ dội, buồn nôn, cứng cổ, cứng gáy (dấu hiệu của viêm màng não).
- Xuất huyết dưới da, hoại tử da (dấu hiệu của nhiễm trùng huyết).
- Ù tai, điếc là biến chứng sau viêm màng não.
5. Biện pháp phòng bệnh liên cầu lợn
5.1. Người tiếp xúc với lợn (chăn nuôi, giết mổ)cần thực hiện các biện pháp sau để phòng bệnh:
- Đeo găng tay, ủng, khẩu trang khi giết mổ, chế biến.
- Rửa tay bằng xà phòng sau khi tiếp xúc lợn.
- Không ăn uống, hút thuốc trong chuồng lợn hay khu vực giết mổ lợn.
- Xử lý chất thải lợn đúng cách (đốt, chôn, rắc vôi bột, chất khử trùng).
5.2.Với cộng đồng, để phòng bệnh cần:
- Không ăn tiết canh, thịt lợn tái, nem chua sống. Nấu chín kỹ thịt lợn trước khi ăn.
- Rửa tay sạch trước khi ăn và sau khi chế biến thịt lợn.
- Bảo quản thịt sống riêng, đồ ăn chín riêng.
- Vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, thực hiện an toàn thực phẩm.
5.3. Người có vết thương hở, để phòng bệnh cần:
- Tránh tiếp xúc với lợn, thịt sống.
- Rửa ngay bằng nước sạch và sát khuẩn nếu bị dính dịch, máu, thịt lợn.
5.4. Xử trí khi có người nghi nhiễm bệnh liên cầu lợn
- Cần đến ngay cơ sở y tế nếu có sốt cao + đau đầu + có tiền sử tiếp xúc với lợn để được chẩn đoán, điều trị kịp thời.
- Cần báo ngay cho bác sĩ về tiền sử ăn tiết canh hoặc giết mổ lợn.
- Không tự ý dùng thuốc, nhất là kháng sinh tại nhà khi chưa có chỉ định.
KHÔNG ĂN TIẾT CANH, THỊT LỢN TÁI ĐỂ BẢO VỆ SỨC KHỎE, TÍNH MẠNG
CỦA BẠN VÀ GIA ĐÌNH!