• :
  • :
Trung tâm kiểm soát bệnh tật Thái Bình: Chuyên nghiệp - Tận tâm - Vì cộng đồng
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Một số bệnh mùa hè hay gặp

Mùa hè là khoảng thời gian nhiều người mong đợi để nghỉ ngơi, du lịch, vui chơi sau những tháng ngày học tập, lao động căng thẳng. Tuy nhiên, đây cũng là thời điểm thuận lợi cho nhiều loại bệnh, nhất là bệnh truyền nhiễm phát triển, đặc biệt ảnh hưởng đến trẻ nhỏ, phụ nữ, người cao tuổi và người có sức đề kháng kém.

Một số bệnh thường gặp trong mùa hè

1.Bệnh tiêu chảy: Người bị tiêu chảy với các biểu hiện tiêu chảy (đi ngoài phân lỏng nhiều nước hay toàn nước trên 03 lần/ngày), nôn, mất nước, rối loạn điện giải, nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến tử vong. Nguyên nhân do ăn uống tại hàng quán không hợp vệ sinh, sử dụng thực phẩm bị nhiễm bẩn, ăn tiết canh, gỏi cá... hoặc dùng nước chưa đun sôi, nước đá...

2.Bệnh sốt xuất huyết Dengue: Do muỗi vằn đốt truyền vi rút Dengue từ người bệnh sang người lành, nếu không phát hiện sớm, bệnh có thể diễn biến nặng, có thể gây tử vong.

3.Bệnh tay chân miệng: Do virus đường ruột gây ra với các biểu hiện phỏng nước  ở vùng da, niêm mạc bị tổn thương, tập trung chủ yếu tại miệng, lòng bàn tay, bàn chân. Đường lây nhiễm chính của tay chân miệng qua hệ tiêu hóa từ tuyến nước bọt hay phân của trẻ nhiễm bệnh. Vì vậy, những nơi có nguy cơ lây nhiễm cao và phát triển thành ổ dịch như là mẫu giáo, nhà trẻ,... 

4.Say nắng:  Thường gặp ở người làm việc hoặc vui chơi ngoài trời trong điều kiện nắng nóng kéo dài làm cho nhiệt độ cơ thể tăng cao (thường >40 độ C) đi kèm theo đó là tình trạng mất nước, dẫn đến sự mất kiểm soát của hệ thống điều hòa nhiệt cơ thể, gây nên rối loạn các hệ hô hấp, tuần hoàn, thần kinh.

5.Bệnh viêm đường hô hấp: Xuất hiện khi thay đổi nhiệt độ đột ngột, sử dụng điều hòa quá lạnh.

6.Một số bệnh ngoài da:

Rôm sảy: Tình trạng da có những nốt mẩn đỏ, có mụn nước trong hoặc mụn mủ xen lẫn. Rôm sảy thường xuất hiện ở các vị trí là các vùng da bài tiết nhiều mồ hôi như ngực, lưng, trán, mặt và cổ,...

Viêm da, nấm da: Là các loại bệnh nhiễm trùng da thường  do khí hậu nóng ẩm hay vệ sinh da kém.

Viêm nang lông: Là tình trạng viêm nhiễm ở phần nông của nang lông, gây ra triệu chứng khó chịu cho người bệnh như: vùng da viêm bị ngứa, xuất hiện sẩn, mụn mủ, vết trợt do gãi. Diễn biến viêm nang lông thường dai dẳng, hay tái phát do những yếu tố thuận lợi như môi trường ô nhiễm, nóng và ẩm. do mồ hôi ra nhiều, vệ sinh không đảm bảo.

  Để chủ động phòng tránh bệnh mùa hè, ngành Y tế khuyến cáo người dân thực hiện các biện pháp sau:

 1.Giữ gìn vệ sinh cá nhân và môi trường sống: Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, vệ sinh sạch sẽ các vật dụng sinh hoạt hàng ngày, cách ly kịp thời những người mắc bệnh truyền nhiễm theo quy định. Ngủ màn, diệt muỗi, lăng quăng/bọ gậy, thường xuyên vệ sinh các dụng cụ chứa nước quanh nhà. không dùng chung khăn mặt, đồ dùng cá nhân để phòng bệnh ngoài da.

2.Đảm bảo chế độ dinh dưỡng, uống đủ nước: Ăn uống đầy đủ chất để tăng cường đề kháng. Uống đủ nước lọc hoặc nước ép trái cây tự nhiên, hạn chế sử dụng nước đá, đồ uống có gas.

3.Bảo đảm an toàn thực phẩm: Ăn chín, uống sôi, không ăn đồ ăn không rõ nguồn gốc, không sử dụng thực phẩm ôi thiu, để lâu ngoài môi trường

4.Phòng tránh tác hại của nắng nóng: Mặc quần áo thoáng mát, đội mũ rộng vành khi ra ngoài, tránh đi lại dưới trời nắng gắt từ 10h – 16h. Hạn chế để trẻ nhỏ, người già trong xe ô tô đóng kín.

5.Sử dụng máy điều hòa hợp lý: Duy trì nhiệt độ phòng từ 26–28°C, tránh chênh lệch quá lớn với nhiệt độ ngoài trời, không ra vào đột ngột giữa môi trường nóng và lạnh.

           6. Khi có các biểu hiện nghi ngờ mắc bệnh, người dân cần nhanh chóng đến cơ sở y tế gần nhất để được khám, chẩn đoán và điều trị kịp thời.


Tác giả: Đoàn Huê
Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết