Phòng chống bệnh Đái tháo đường, thiếu hụt Iốt
Nhằm nâng cao nhận thức của người dân về phòng chống bệnh Đái tháo đường và các bệnh do rối loạn thiếu i-ốt gây ra, góp phần chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khoẻ cộng đồng, hưởng ứng ngày Thế giới phòng chống bệnh Đái tháo đường(14/11) và ngày toàn dân sử dụng muối I ốt (02/11), thực hiện Công văn số 1086/BVNTTW ngày 27/8/2024 của Bệnh viện Nội tiết Trung Ương về việc tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày toàn dân sử dụng muối I ốt (02/11) và Ngày Thế giới phòng chống Đái tháo đường (14/11), Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh ban hành Công văn đề nghị các đề nghị triển khai các hoạt động thiết thực để nhắc nhở người dân nâng cao ý thức rèn luyện thói quen trong ăn uống sinh hoạt hàng ngày để bảo vệ sức khoẻ cho bản thân gia đình và cộng động.
Cụ thể xây dựng kế hoạch tổ chức các hoạt động hưởng ứng với các hoạt động tuyên truyền, giáo dục sức khoẻ, vận động các ban ngành, đoàn thể, đơn vị và nhân dân hưởng ứng, thực hiện các biện pháp dự phòng các rối loạn do thiếu Iốt, phát hiện, điều trị sớm bệnh Đái tháo đường tại địa phương. Đồng thời chỉ đạo các Trạm Y tế xã, phường, thị trấn căn cứ tình hình thực tế, điều kiện nguồn lực tại các đơn vị, lựa chọn các hình thức hoạt động hiệu quả và phù hợp bao gồm: Hoạt động truyền thông tập trung truyền thông bằng nhiều hình thức trên các phương tiện thông tin đại chúng như loa, đài phát thanh,… của đơn vị, địa phương; truyền thông lưu động tại cộng đồng; truyền thông trực tiếp: nói chuyện chuyên đề; lồng ghép trong cuộc họp, hội nghị tại đơn vị, tại các buổi sinh hoạt của các tổ chức đoàn thể, hội tại thôn xóm, cộng đồng như Hội người cao tuổi. Hội Cựu chiến binh, Hội phụ nữ, đoàn thanh niên,…nội dung về dự phòng các rối loạn do thiếu hụt Iốt, dự phòng đái tháo đường và các yếu tố nguy cơ như: hút thuốc lá, lạm dụng rượu bia; dinh dưỡng không hợp lý, ít vận động thể lực; Hướng dẫn vận động hợp lý, khám sức khoẻ định kỳ, kiểm tra đường máu, …để phát hiện sớm bệnh tật và các trường hợp bị bệnh đái tháo đường, điều trị kịp thời, hiệu quả. Lồng ghép truyền thông trong các hoạt động khám chữa bệnh, thăm hộ gia đình và các hoạt động tại cộng đồng của cán bộ y tế. Củng cố, tăng cường hoạt động, hỗ trợ tài liệu truyền thông cho các Câu lạc bộ phòng chống bệnh không lây nhiễm ở các xã, phường, thị trấn, nhận rộng mô hình Câu lạc bộ tới các địa phương khác. Treo băng rol, khẩu hiệu thông điệp bảo vệ sức khoẻ tại các cơ sở y tế, sở ban ngành đoàn thể, tại các trục đường chính của xã, phường, thị trấn tại nơi đông dân qua lại như: chợ, nhà văn hoá, khu dân cư, trường học,…)
Các cơ sở y tế tổ chức khám sàng lọc đánh giá nguy cơ mắc Đái tháo đường, xét nghiệm đường máu cho người dân tại cộng đồng theo chiến dịch. Ưu tiên các đối tượng có nguy cơ cao như người trên 40 tuổi, người thừa cân béo phì hoặc khám cơ hội khi người dân đến sử dụng dịch vụ y tế tại đơn vị; đồng thời lập hồ sơ quản lý người bệnh nguy cơ cao, người tiền đái tháo đường, người mắc Đái tháo đường ngay từ Trạm y tế xã theo quy định. Khám, tư vấn, hướng dẫn người bệnh Đái tháo đường, người có yếu tố nguy cơ về việc dinh dưỡng hợp lý, tăng cường hoạt động thể lực phù hợp, tuân thủ điều trị.
Thông điệp Ngày Thế giới phòng chống Đái tháo đường năm 2024:
1. Nhiệt liệt hưởng ứng Ngày Thế giới phòng, chống bệnh Đái tháo đường 14/11.
2. Toàn thế giới quan tâm và chung tay phòng, chống bệnh Đái tháo đường thai kỳ cho phụ nữ vì một sức khoẻ và tương lai hạnh phúc.
3. Mọi người cần nhận biết nguy cơ của chính mình để biết cách ứng phó với bệnh Đái tháo đường.
4. Xét nghiệm đường máu là cách duy nhất phát hiện bệnh Đái tháo đường và điều trị sớm, ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm.
5. Bệnh Đái tháo đường hoàn toàn có thể phòng, chống được nếu tìm hiểu và biết cách thực hành dinh dưỡng, hoạt động thể lực hợp lý.
6. Mọi người đừng quên làm xét nghiệm đường máu định kỳ hằng năm để phát hiện sớm bệnh Đái tháo đường.
7. Bệnh Đái tháo đường ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khoẻ, kinh tế của cả quốc gia và của mỗi gia đình.
8. Hãy duy trì hoạt động thể lực hằng ngày, chế độ ăn uống hợp lý để phòng chống bệnh Đái tháo đường.
Nội dung thông điệp phòng chống Rối loạn thiếu I ốt.
1. Nhiệt liệt hưởng ứng Ngày toàn dân mua và sử dụng muối I ốt 02/11.
2. Mọi gia đình, mọi người cần thường xuyên sử dụng muối, các gia vị mặn có I ốt hàng ngày để phòng bệnh, nâng cao sức khoẻ.
3. Vi chất I ốt trong muối và các gia vị mặn có bổ sung I ốt rất cần thiết trong sự phát triển trí tuệ, thể chất và hoạt động của tất cả chúng ta.
4. I ốt là vi chất dinh dưỡng hết sức cần thiết cho mọi người, mọi lứa tuối, đặc biệt là phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ và thai nhi, trẻ nhỏ.
5. Vì tương lai giống nòi, toàn thể cộng đồng hãy sử dụng muối I ốt, các gia vị mặn có I ốt trong bữa ăn hàng ngày.
Mọi người cần nhận biết nguy cơ về bệnh Đái tháo đường và những rối loạn thiếu Iốt của mình để biết cách ứng phó./.