Hơn 30% bệnh nhân HIV/AIDS đồng nhiễm Lao/HIV
Theo Tổ chức Y tế thế giới, bệnh Lao vẫn đang là vấn đề khẩn cấp toàn cầu. Ước tính mỗi năm có thêm gần 10 triệu người mắc Lao và khoảng 3 triệu người tử vong do bệnh Lao.
Lao là bệnh nhiễm trùng do trực khuẩn Lao (Mycobacteria) gây ra, đặc biệt là ở người bị suy giảm sức đề kháng thì nguy cơ mắc bệnh Lao càng cao. Người nhiễm HIV gây suy giảm miễn dịch khiến cơ thể mất sức đề kháng nên dễ mắc các bệnh nhiễm trùng cơ hội, trong đó hay gặp nhất là bệnh Lao.
Năm 2023, trong hơn 40 triệu người bị nhiễm HIV trên thế giới đang còn sống thì có tới hơn 30% đồng nhiễm Lao. Chỉ tính riêng ở người nhiễm HIV, hằng năm đã tăng thêm khoảng 1,5 triệu bệnh nhân Lao. Điều đáng nói là, tỉ lệ tử vong do Lao chiếm hơn 30% số tử vong ở bệnh nhân HIV/AIDS.
Việt Nam là quốc gia đứng thứ 16 trong 30 nước có số người bệnh Lao cao nhất trên toàn cầu. Nguy hiểm là tình trạng bệnh Lao đa kháng thuốc đứng thứ 13 trong số 30 nước cao nhất thế giới. Đây là một gánh nặng không chỉ cho người bệnh mà cho cả ngành y tế và cho toàn xã hội...
Biện pháp phát hiện bệnh nhân HIV đồng nhiễm Lao
Do bệnh Lao ở người nhiễm HIV diễn tiến rất nhanh, tốt nhất là tất cả bệnh nhân nhiễm HIV đều cần được thực hiện xét nghiệm Lao ngay khi vừa phát hiện bị HIV. Mỗi lần tái khám, bệnh nhân HIV đều cần phải làm xét nghiệm sàng lọc bệnh Lao.
Hầu hết khi bệnh nhân mắc Lao tiềm ẩn thường sẽ không bộc lộ các triệu chứng của bệnh. Tuy nhiên khi Lao tiềm ẩn phát triển thành thể lao thực sự, các dấu hiệu của bệnh Lao sẽ xuất hiện, gồm:
Ho kéo dài, ho có thể khạc ra đờm và lẫn máu, đau tức ngực.
Cơ thể uể oải, mệt mỏi, đổ mồ hôi nhiều vào ban đêm.
Ăn không ngon, sụt cân không rõ lý do.
Sốt nhẹ, đặc biệt thường sốt vào buổi chiều...
Nếu xuất hiện những dấu hiệu bất thường này, người bệnh cần nghi ngờ nhiễm Lao và phải đến cơ sở y tế để được chụp X-quang phổi, lấy mẫu đờm xét nghiệm sàng lọc để tìm vi khuẩn Lao. Trường hợp người mắc HIV cần xét nghiệm sàng lọc Lao để được phát hiện Lao sớm, nếu đồng nhiễm Lao/HIV có phương án điều trị kịp thời, hiệu quả.
Nếu bệnh nhân không có đủ 4 dấu hiệu như: Sụt cân, ho, sốt nhẹ về chiều, ra mồ hôi trộm thì có thể loại trừ khả năng đã mắc thể lao tiến triển, nhưng nếu xuất hiện ít nhất 1 trong 4 biểu hiện trên thì bệnh nhân cần ngay lập tức đi xét nghiệm để phát hiện lao tiềm ẩn.
Nguyên tắc cần nhớ trong điều trị Lao:
Đủ thuốc, đủ liều, đủ thời gian và liên tục.
Tuyệt đối không được ngắt quãng dù chỉ 1 ngày, vì đó là khoảng thời gian mà vi khuẩn Lao hồi phục và tấn công trở lại.
Điều trị Lao thường chia làm 2 đợt: Đợt tấn công, gồm 4 loại thuốc và đợt duy trì, gồm 2 loại thuốc.
Người nhiễm HIV mắc Lao (đồng nhiễm Lao/HIV) cần được ưu tiên điều trị bằng thuốc ARV ngay sau khi bắt đầu điều trị Lao./.