• :
  • :
Trung tâm kiểm soát bệnh tật Thái Bình: Chuyên nghiệp - Tận tâm - Vì cộng đồng
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Phòng một số bệnh lây qua đường máu

Bệnh lây qua đường máu là bệnh có thể truyền nhiễm từ người này sang người khác thông qua tiếp xúc trực tiếp với máu hoặc các chất dịch cơ thể khác có chứa virus hoặc vi khuẩn gây bệnh. Những bệnh này có đặc điểm chung là khả năng lây lan nghiêm trọng, đặc biệt là trong các cộng đồng không tuân thủ các biện pháp phòng ngừa và vệ sinh an toàn. Các bệnh lây qua đường máu không chỉ đe dọa sức khỏe cá nhân mà còn gây ra những thách thức lớn cho hệ thống y tế công cộng. Việc hiểu rõ về các bệnh này và cách chúng lây truyền là bước đầu tiên quan trọng trong việc phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh trong cộng đồng.

Các chuyên gia cho biết, các loại vi-rút đóng vai trò chủ yếu của các bệnh lây truyền qua đường máu hiện nay bao gồm: Vi-rút gây hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV), vi-rút gây viêm gan B, C, bệnh giang mai,...

HIV tên viết tắt của virus gây suy giảm miễn dịch ở người. HIV lây nhiễm và tấn công các tế bào trong hệ thống miễn dịch như đại thực bào, tế bào lympho T khiến cơ thể bị suy giảm miễn dịch, không thể chống lại các bệnh cơ hội khác. HIV lây truyền qua đường máu, tình dục và từ mẹ sang con.

Viêm gan virus B là bệnh lý viêm ở gan do virus viêm gan B gây ra. Viêm gan virus là bệnh lý viêm ở gan do virus viêm gan C gây ra. Virus viêm gan B và C đều có thể gây bệnh lý cấp tính và mạn tính. Nếu không được điều trị sớm và đúng cách, viêm gan B và C sẽ tiến triển đến xơ gan, suy gan, ung thư gan và tử vong.

Giang mai là một bệnh nhiễm khuẩn do xoắn khuẩn Treponema pallidum gây ra. Vi khuẩn giang mai xâm nhập trực tiếp vào cơ thể khi quan hệ không được bảo vệ (đường âm đạo, hậu môn hay miệng), qua các vết xước trên da và niêm mạc khi tiếp xúc với dịch tiết từ các tổn thương giang mai. Xoắn khuẩn giang mai còn có thể lây truyền từ mẹ sang con trong thời kỳ bào thai từ tháng thứ 4 trở đi, do xoắn khuẩn này xâm nhập máu thai nhi qua dây rốn. Bệnh giang mai ở nữ giới nếu không điều trị kịp thời rất có thể gây nên những tổn thương tại tất cả các bộ phận trong cơ thể như viêm loét bộ phận sinh dục, phát ban ngoài da, đau nhức cơ xương và có thể gây ảnh hưởng đến nội tạng.

          Cách phòng ngừa các bệnh lây qua đường máu như sau:

1. Sử dụng biện pháp bảo vệ trong quan hệ tình dục: Sử dụng bao cao su đúng cách mỗi khi quan hệ tình dục là biện pháp hiệu quả nhất để ngăn ngừa các bệnh lây qua đường máu lây truyền qua hoạt động tình dục. Bao cao su không chỉ giúp phòng tránh HIV mà còn các bệnh lây nhiễm khác như Giang mai và Chlamydia.

2. Không sử dụng chung kim tiêm và các vật dụng sắc nhọn: Đối với những người sử dụng thuốc tiêm, việc không bao giờ dùng chung kim tiêm là rất quan trọng. Sử dụng kim tiêm riêng và đảm bảo rằng mọi dụng cụ tiêm tĩnh mạch được tiệt trùng trước khi sử dụng.

3. Cẩn thận khi tiếp xúc với máu: Trong trường hợp cần phải tiếp xúc với máu hoặc dịch cơ thể, nhất là trong các môi trường y tế, cần phải đeo găng tay và sử dụng các trang phục bảo hộ phù hợp. Điều này giúp giảm thiểu nguy cơ nhiễm trùng khi tiếp xúc trực tiếp với máu hoặc các chất dịch cơ thể.

4. Kiểm tra sức khỏe định kỳ để sàng lọc, phát hiện bệnh sớm: Việc kiểm tra sức khỏe định kỳ và tiến hành các xét nghiệm sàng lọc cho các bệnh lây qua đường máu có thể giúp phát hiện sớm bệnh và ngăn chặn sự lây lan. Điều này đặc biệt quan trọng đối với những người có nguy cơ cao như nhân viên y tế, người nghiện ma túy và những người có hoạt động tình dục không được bảo vệ.

5. Tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về phòng bệnh: Phổ biến kiến thức về các bệnh lây qua đường máu sẽ giúp mọi người chủ động áp dụng các biện pháp phòng tránh,  bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình.

6. Thực hiện các biện pháp an toàn trong y tế: Các cơ sở y tế cần tuân thủ nghiêm ngặt các quy định an toàn về vô khuẩn, khử khuẩn trong chuyên môn, từ truyền máu đến thủ thuật, phẫu thuật... để tránh lây nhiễm chéo.

7. Tiêm vắc-xin: Tiêm vắc-xin là biện pháp quan trọng để bảo vệ bản thân khỏi các bệnh lây qua đường máu, đặc biệt là đối với các bệnh đã có vắc xin như viêm gan virus B. Việc tiêm phòng vắc-xin không chỉ giúp giảm nguy cơ mắc bệnh mà còn góp phần tạo nên miễn dịch cộng đồng, bảo vệ những người chưa được tiêm chủng hoặc có hệ miễn dịch yếu.


Tác giả: Thanh Tâm
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết