Toàn tỉnh Thái Bình ghi nhận 738 ca Sốt xuất huyết Dengue
Tháng 9/2024, toàn tỉnh ghi nhận 738 ca Sốt xuất huyết Dengue(tăng 411 trường hợp so với cùng kỳ năm 2023), trong đó 467 ca nội sinh, không ghi nhận sốt xuất huyết nặng và tử vong; 563 ca Tay chân miệng (tăng 89 ca so với cùng kỳ năm 2023); 04 ca Ho gà; 553 ca Thủy đậu (tăng 89 ca so với cùng kỳ năm 2023); 21.405 ca nghi Hội chứng Cúm (giảm 367 ca so với cùng kỳ năm 2023); 09 tháng đầu năm không ghi nhận ca bệnh truyền nhiễm như Cúm A/H5N1, H7N9...; 174 trường hợp nhiễm Covid-19 mới. Hiện tại, tỉnh Thái Bình đã hoàn thành chiến dịch tiêm vắc xin phòng Covid-19 đợt 62 đối với 72 liều vắc xin Pfizer cho người từ 12 tuổi trở lên.
Dịch bệnh truyền nhiễm trên thế giới và tại Việt Nam dự báo vẫn diễn biến khó lường trong thời gian tới và tiếp tục có nguy cơ xuất hiện và lây lan các biến thể mới, các dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mới nổi. Việt Nam nằm trong khu vực nhiệt đới gió mùa, nóng ẩm, mưa nhiều, cùng với bối cảnh toàn cầu hoá, nhu cầu giao thương, du lịch ngày càng tăng cao, diễn biến thời tiết thay đổi bất thường là các điều kiện thuận lợi làm tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh (từ các bệnh dịch lưu hành như sốt xuất huyết, tay chân miệng, sởi...; các bệnh dự phòng bằng vắc xin như bạch hầu, ho gà, uốn ván... đến các bệnh nguy hiểm mới nổi xâm nhập từ nước ngoài như đậu mùa khỉ...).
Ngay từ đầu năm Bộ Y tế đã có Quyết định số 266/QĐ-BYT ban hành Kế hoạch phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm năm 2024, nhằm giảm tối đa tỷ lệ mắc và tử vong do các bệnh truyền nhiễm đảm bảo kiểm soát kịp thời, hiệu quả, bền vững các dịch bệnh truyền nhiễm, hạn chế nguy cơ bùng phát và chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với các đại dịch hoặc các tình huống khẩn cấp về dịch bệnh trong tương lai để bảo vệ sức khỏe nhân dân và tạo điều kiện phát triển kinh tế, xã hội.
Tại Kế hoạch, phần công tác dự phòng, Bộ Y tế yêu cầu các địa phương cần theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh; thường xuyên phân tích, đánh giá, dự báo tình hình dịch; chuẩn bị sẵn sàng các phương án với một tình huống có thể xảy ra của dịch bệnh; rà soát, cập nhật, xây dựng, sửa đổi và bổ sung các hướng dẫn chuyên môn về giám sát, phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm. Chủ động công tác giám sát thường xuyên và dựa vào sự kiện để phát hiện sớm các ca bệnh ngay tại cửa khẩu, trong cộng đồng, tại các cơ sở y tế thực hiện mục tiêu ngăn chặn nguồn lây xâm nhập từ bên ngoài và khoanh vùng, dập dịch từ bên trong để xử lý kịp thời, kiểm soát sự lây lan, hạn chế trường hợp bệnh nặng, tử vong. Tiếp tục thực hiện giám sát trọng điểm, giải trình tự gen để phát hiện sớm các tác nhân gây các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mới nổi, nhất là các tác nhân lây truyền qua đường hô hấp. Thực hiện sớm, kịp thời các hoạt động đáp ứng với bệnh, dịch bệnh truyền nhiễm theo Thông tư số 17/2019/TT-BYT ngày 17/7/2019 của Bộ Y tế về hướng dẫn giám sát và đáp ứng với bệnh, dịch bệnh truyền nhiễm (sau đây gọi là Thông tư 17/2019/TT-BYT) và thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, đảm bảo chất lượng chế độ báo cáo bệnh truyền nhiễm theo Thông tư số 54/2015/TT-BYT. Đẩy mạnh hoạt động của Trung tâm đáp ứng khẩn cấp với sự kiện Y tế công cộng Việt Nam (PHEOC) tại Bộ Y tế và các Văn phòng đáp ứng khẩn cấp với sự kiện Y tế công cộng tại các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur để hỗ trợ công tác giám sát, cảnh báo và đề xuất các biện pháp đáp ứng kịp thời, phù hợp với các tình huống xảy ra của dịch bệnh.
Công tác kiểm dịch y tế tổ chức triển khai hiệu quả Nghị định số 89/2018/NĐ-CP ngày 25/6/2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm về kiểm dịch y tế biên giới (sau đây gọi là Nghị định 89/2018/NĐ-CP). Tiếp tục đẩy mạnh công tác giám sát, khai báo phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm tại các cửa khẩu và thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, đảm bảo chất lượng báo cáo hoạt động kiểm dịch y tế theo Thông tư số 28/2019/TT-BYT ngày 28/10/2019 về hướng dẫn việc thông tin, báo cáo hoạt động kiểm dịch y tế biên giới (sau đây gọi là Thông tư 28/2019/TT-BYT); Đẩy mạnh phối hợp liên ngành tại các cửa khẩu; tham gia các đoàn công tác liên ngành đánh giá, nâng cấp các cửa khẩu và việc triển khai thực hiện các hoạt động phối hợp liên ngành tại cửa khẩu. Rà soát, cập nhật các hướng dẫn chuyên môn về quy trình kiểm dịch tại các cửa khẩu phù hợp với các văn bản quy phạm pháp luật; rà soát, cập nhật các thông điệp truyền thông phòng, chống dịch bệnh tại cửa khẩu, tổ chức cấp thẻ cho kiểm dịch viên y tế tại các địa phương.
Công tác tiêm chủng cần xây dựng, đề xuất sửa đổi, bổ sung danh mục bệnh truyền nhiễm phải sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế bắt buộc theo quy định của pháp luật; thường xuyên cập nhật các hướng dẫn chuyên môn về tiêm chủng theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới. Xây dựng kế hoạch tiêm chủng mở rộng căn cứ trên nhu cầu đề xuất từ các tỉnh, thành phố trên địa bàn cả nước; triển khai tiêm chủng cho các đối tượng trong chương trình tiêm chủng mở rộng, thường xuyên rà soát đối tượng và tổ chức tiêm vét các loại vắc xin trong tiêm chủng mở rộng, đặc biệt tại các xã, phường vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, các khu vực miền núi, biên giới, hải đảo, vùng có dân tộc thiểu số sinh sống, các trung tâm bảo trợ xã hội, các cơ sở chăm sóc tập trung tự nguyện bảo đảm tỷ lệ tiêm chủng các loại vắc xin trong tiêm chủng mở rộng; tăng cường kiểm tra giám sát, nâng cao tỷ lệ tiêm chủng. Triển khai rà soát, đăng ký tiếp nhận vắc xin và tổ chức tiêm bổ sung vắc xin phòng Covid-19 cho các nhóm đối tượng, đặc biệt là nhóm nguy cơ cao như người cao tuổi, người mắc bệnh lý nền, phụ nữ mang thai... Tăng cường chất lượng công tác quản lý thông tin tiêm chủng; theo dõi, giám sát, tổng hợp, thực hiện việc chia sẻ thông tin, phân tích các trường hợp tai biến nặng sau tiêm theo quy định của hệ thống quản lý quốc gia về vắc xin của Việt Nam./.