Phòng, chống tác hại của rượu, bia dịp tết Giáp Thìn 2024
Hiện nay, tình trạng uống rượu, bia quá mức độ gây nguy hại đang rất phổ biến ở người trưởng thành. Việt Nam xếp thứ Hai trong các nước khu vực Đông Nam Á, xếp thứ Ba châu Á về mức tiêu thụ bình quân rượu bia/người.
Ngày 14 tháng 6 năm 2019, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ban hành Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia số 44/2019/QH14, hiệu lực thi hành từ 01/01/2020.
Ngày 24/8/2022, UBND tỉnh Thái Bình ban hành Kế hoạch số 115/KH-UBND về Phòng, chống tác hại của rượu, bia trên địa bàn tỉnh Thái Bình giai đoạn 2022 - 2025.
Để đảm bảo đón một cái Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 vui tươi, đầm ấm, an toàn, mỗi tổ chức, cá nhân, gia đình hãy thực hiện nghiêm Luật Phòng chống tác hại của rượu bia và Kế hoạch của UBND tỉnh Thái Bình để bảo vệ sức khỏe bản thân, gia đình, cộng đồng và góp phần bảo đảm trật tự an toàn giao thông, an ninh trật tự cho xã hội.
Sau đây là một số quy định của Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia:
Điều 21, Luật PCTH của rượu, bia qui định Phòng ngừa tai nạn giao thông liên quan đến sử dụng rượu, bia như sau:
1. Người điều khiển phương tiện giao thông không uống rượu, bia trước và trong khi tham gia giao thông.
2. Người đứng đầu cơ sở kinh doanh vận tải, chủ phương tiện giao thông vận tải có trách nhiệm chủ động thực hiện biện pháp phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn người điều khiển phương tiện vận tải uống rượu, bia ngay trước và trong khi tham gia giao thông.
3. Cơ quan, người có thẩm quyền có trách nhiệm kiểm tra nồng độ cồn trong máu, hơi thở của người điều khiển phương tiện giao thông đang tham gia giao thông hoặc gây ra tai nạn giao thông.
4. Bộ Giao thông vận tải có trách nhiệm xây dựng nội dung và tổ chức việc đào tạo về phòng, chống tác hại của rượu, bia trong chương trình đào tạo cấp bằng, chứng chỉ, giấy phép điều khiển phương tiện giao thông thuộc phạm vi quản lý.
Điều 22, Luật PCTH của rượu bia qui định Phòng ngừa, can thiệp và giảm tác hại của việc uống rượu, bia đối với sức khỏe như sau:
1. Các biện pháp phòng ngừa, can thiệp và giảm tác hại của việc uống rượu, bia đối với sức khỏe bao gồm:
a) Tư vấn về phòng, chống tác hại của rượu, bia cho người đến khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở y tế;
b) Sàng lọc, phát hiện sớm yếu tố nguy cơ đối với sức khỏe của người uống rượu, bia; người mắc bệnh, rối loạn chức năng do uống rượu, bia; người nghiện rượu, bia;
c) Can thiệp giảm tác hại cho người có yếu tố nguy cơ đối với sức khỏe, phụ nữ mang thai có hội chứng hoặc nguy cơ ngộ độc rượu ở thai nhi; phòng, chống nghiện và tái nghiện rượu, bia;
d) Chẩn đoán, điều trị, phục hồi chức năng cho người mắc bệnh, rối loạn chức năng có liên quan đến uống rượu, bia.
2. Cơ sở y tế thực hiện các biện pháp quy định tại khoản 1 Điều này theo hướng dẫn chuyên môn, kỹ thuật của Bộ Y tế.
Điều 24, Luật PCTH rượu bia qui định Biện pháp phòng ngừa tác hại của rượu, bia tại cộng đồng như sau:
1. Tuyên truyền, vận động các gia đình, thành viên thuộc tổ chức, cộng đồng tham gia tuyên truyền và thực hiện quy định của pháp luật về phòng, chống tác hại của rượu, bia.
2. Lồng ghép hoạt động phòng, chống tác hại của rượu, bia vào các phong trào, hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, xây dựng đời sống văn hóa và hoạt động khác tại cộng đồng.
3. Vận động, khuyến khích quy định trong hương ước, quy ước việc hạn chế hoặc không uống rượu, bia tại đám cưới, đám tang, lễ hội trên địa bàn dân cư.
4. Vận động cá nhân, tổ chức không sử dụng sản phẩm rượu, bia không rõ nguồn gốc, xuất xứ, chưa được kiểm nghiệm an toàn thực phẩm.
5. Phát hiện, phản ánh người say rượu, bia, người nghiện rượu, bia để cảnh báo, phòng ngừa, xử lý hành vi gây ảnh hưởng đến trật tự, an toàn xã hội.