Thái Bình: Tiếp tục triển khai thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn
Với sự phát triển nhanh của xã hội hiện nay, chất thải được sinh ra nhiều hơn. Điều này có nghĩa là một lượng lớn rác thải được tạo ra mỗi năm và sự tăng lên của nó là không được mong đợi. Phân loại và tái chế là điều cần thiết để giảm nguồn chất thải.
Hầu hết các loại chất thải được tạo ra có thể được phân loại ngay tại nhà. Phân loại rác thải tại nguồn có vai trò quan trọng trong cuộc sống hiện nay. Tuy vậy, việc phân loại rác thải hiện nay chưa được các cá nhân, gia đình quan tâm đúng mức. Tâm lý người dân cho rằng, việc phân loại rác là do đơn vị quản lý rác thải thực hiện. Thế nhưng, với số lượng rác thải khổng lồ thu gom hàng ngày thì việc phân loại càng khó khăn hơn, gây quá tải cho các bãi rác. Nếu chỉ chôn lấp thông thường sẽ gây rất nhiều lãng phí như: tốn diện tích lớn cho việc xây dựng, chi phí vận hành các bãi chôn lấp, nguy cơ gây ô nhiễm môi trường...
Nhằm tăng cường công tác quản lý chất thải rắn, xây dựng môi trường và nếp sống văn hóa - văn minh đô thị, ngày 03/01/2024, Sở Y tế Thái Bình ban hành công văn số 10/SYT-NVY trên cơ sở công văn số 4034/STNMT-CCBVMT của Sở Tài nguyên và Môi trường về việc triển khai thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn. Sở Y tế yêu cầu Thủ trưởng các đơn vị y tế trong tỉnh chỉ đạo, triển khai, thực hiện các nội dung sau:
Các cơ sở y tế: Tiếp tục thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn theo Thông tư số 20/2021/TT-BYT ngày 26/11/2021 về Quy định về quản lý chất thải y tế trong phạm vi khuôn viên cơ sở y tế.
Trung tâm kiểm soát bệnh tật; Trung tâm Y tế các huyện, thành phố: căn cứ chức năng nhiệm vụ được giao, nghiên cứu Công văn số 9368/BTNMT-KSONMT ngày 02/11/2023 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về hướng dẫn kỹ thuật về phân loại chất thải rắn sinh hoạt để tuyên truyền, phổ biến cho người dân thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn bảo đảm phù hợp với các quy định tại Luật Bảo vệ môi trường và các Văn bản hướng dẫn.
Việc tổ chức phân loại rác thải tại nguồn là nhiệm vụ rất khó khăn và lâu dài và cần có sự vào cuộc của mọi người, mọi tổ chức cá nhân. Thực hiện được việc phân loại rác thải tại nguồn là hành động xây dựng nếp sống văn hóa - văn minh, là thể hiện tình yêu quê hương một cách thiết thực, là thể hiện trách nhiệm của thế hệ hôm nay đối với mai sau. Các cấp, ngành, đơn vị, địa phương, tổ chức, cá nhân cần nghiêm túc thực hiện thu gom, phân loại và xử lý rác thải theo quy định, góp phần xây dựng Môi trường xanh-sạch-đẹp, không bị ô nhiễm, vì sức khoẻ và hạnh phúc của nhân dân!