Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình ban hành Kế hoạch Cải cách hành chính năm 2024
Thực hiện Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 15/7/2021 của Chính phủ về ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính (CCHC) nhà nước giai đoạn 2021-2030; Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 02/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh thực hiện Chương trình tổng thể CCHC Nhà nước giai đoạn 2021-2030; Quyết định số 3486/QĐ-UBND ngày 31/12/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc phê duyệt Kế hoạch CCHC tỉnh Thái Bình giai đoạn 2022-2025.
Ngày 29/12/2023, Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình ban hành Kế hoạch số 175/KH-UBND về Cải cách hành chính năm 2024 với mục đích: Triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 15/7/2021 của Chính phủ về ban hành Chương trình tổng thể CCHC nhà nước giai đoạn 2021-2030; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thái Bình lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020-2025 và Kế hoạch CCHC tỉnh giai đoạn 2022-2025; Tiếp tục xây dựng chính quyền phục vụ Nhân dân, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, chuyên nghiệp; nâng cao chất lượng cung ứng dịch vụ hành chính công theo hướng hiện đại, nhanh chóng, thuận tiện; Nâng cao Chỉ số CCHC của tỉnh (PAR Index), cải thiện chỉ số hài lòng của người dân và tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà tỉnh Thái Bình (SIPAS), Chỉ số Quản trị hành chính công (PAPI), Chỉ số năng lực canh tranh cấp tỉnh (PCI), Chỉ số ứng dụng công nghệ thông tin (ICT Index).
Theo đó, Kế hoạch sẽ tập trung các giải pháp thực hiện sau:
Giám đốc các Sở, ban, ngành; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị chịu trách nhiệm trực tiếp chỉ đạo tính thống nhất việc thực hiện Kế hoạch trong phạm vi quản lý của mình; xây dựng kế hoạch thực hiện cụ thể trong từng thời gian, từng lĩnh vực; phân công rõ trách nhiệm của từng cơ quan, tổ chức và cán bộ, công chức, viên chức; tăng cường kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện kế hoạch. Gắn việc đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ CCHC cuối năm với đánh giá trách nhiệm, năng lực lãnh đạo, quản lý của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương. Chú trọng công tác thi đua, khen thưởng trong CCHC.
Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, công chức, người dân, doanh nghiệp và xã hội. Tăng cường sự tham gia của Ủy ban Mặt trận Tô quốc Việt Nam các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội, người dân, doanh nghiệp trong việc giám sát, phản biện xã hội đối với hoạt động của các cơ quan hành chính, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi công vụ.
Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng cho đội ngũ công chức trực tiếp tham mưu nhiệm vụ CCHC của các cơ quan, đơn vị, địa phương, ưu tiên bố trí đủ nguồn lực tài chính để triển khai thực
hiện các nhiệm vụ CCHC.
Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, đạo đức công vụ trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đi liền với các chính sách đãi ngộ, động viên, khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức hoàn thành tốt nhiệm vụ và có cơ chế loại bỏ, bãi nhiệm những người không hoàn thành nhiệm vụ, vi phạm kỷ luật, mất uy tín với Nhân dân.
Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác tổ chức đánh giá, xác định Chỉ số CCHC hằng năm của các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, Ủy ban nhân dân các các xã, phường, thị trấn theo hướng toàn diện, đa chiều, công khai, minh bạch, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, truyền thông trong đánh giá.
Đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ, nhất là công nghệ thông tin, truyền thông, công nghệ số trong hoạt động của cơ quan hành chính nhằm nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động, chất lượng phục vụ của các cơ quan hành chính./.