• :
  • :
Trung tâm kiểm soát bệnh tật Thái Bình: Chuyên nghiệp - Tận tâm - Vì cộng đồng
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

PHÒNG TRÁNH MỘT SỐ BỆNH HAY GẶP MÙA THU ĐÔNG

Thời tiết thay đổi là môi trường thuận lợi để vi khuẩn, virus có hại phát triển và gây bệnh. Cơ thể chúng ta cũng chưa kịp thích nghi, dẫn tới đề kháng bị giảm mạnh và đó là nguyên nhân dễ mắc các bệnh giao mùa thu đông, nhất là trong thời điềm thời tiết đang chuyển mùa như hiện nay, nhiệt độ có sự giao động, nhiều đợt mưa xen kẽ, công tác vệ sinh môi trường ở cộng đồng còn hạn chế, kèm theo các hoạt động kinh tế - xã hội gia tăng, học sinh, sinh viên bắt đầu trở lại trường học sẽ gia tăng yếu tố nguy cơ cho một số dịch bệnh truyễn nhiễm bùng phát thành dịch như: Sốt xuất huyết Dengue, Tay chân miệng, bệnh đường tiêu hóa, bệnh trong tiêm chủng mở rộng, Cúm...; Bệnh xâm nhập như Đậu mùa khỉ, Sốt rét ngoại lai... Tại Thái Bình, tháng 8/2024 toàn tỉnh ghi nhận ghi nhận số mắc một số bệnh truyền nhiễm như: Sốt xuất huyết Dengue (105 trường hợp, trong đó 76 trường hợp nội sinh), hội chứng Cúm (1.821 trường hợp), Tay chân miệng (26 trường hợp) cùng một số bệnh truyền nhiễm khác.

     1. Đối tượng dễ mắc bệnh giao mùa thu đông

Bệnh giao mùa thu đông có thể gặp ở mọi đối tượng và lứa tuổi, tuy nhiên một số đối tượng sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn như:

Trẻ em

      Ở trẻ em, hệ miễn dịch còn non yếu, chưa hoàn thiện nên rất dễ bị các yếu tố tác nhân bên ngoài tấn công vào thời điểm giao mùa. Cha mẹ cần chú ý giữ gìn sức khỏe cho trẻ em vì khi mắc bệnh, trẻ sẽ gặp những diễn biến nguy hiểm hơn nhiều so với người lớn.

Người cao tuổi

Người cao tuổi là đối tượng nằm thứ 2 trong danh sách những người dễ mắc bệnh giao mùa thu đông, thường có các bệnh nền mạn tính như huyết áp cao, tiểu đường, tim mạch, suy gan, suy thận… khiến cho hệ miễn dịch suy yếu.

Khi người cao tuổi mắc thêm các bệnh giao mùa thu đông, tình trạng bệnh cũng rất nguy hiểm, tăng nguy cơ làm khởi phát các bệnh có sẵn dẫn tới “bệnh chồng bệnh”, khiến việc điều trị khó khăn hơn rất nhiều.

Phụ nữ có thai

Phụ nữ mang thai thường yếu hơn so với người bình thường, khi nhiễm bệnh, phụ nữ mang thai không được sử dụng thuốc nên lâu khỏi, ngoài ra dễ gặp các biến chứng ảnh hưởng tới thai nhi như dị tật bẩm sinh, sảy thai, sinh non....

 

 

       2. Khi giao mùa, cơ thể thường mắc các bệnh gì?

Bệnh giao mùa thu đông rất phổ biến và bất cứ đối tượng nào cũng có thể mắc, dưới đây là tổng hợp những bệnh mà chúng ta hay gặp khi thời tiết thay đổi.

 Cảm cúm

Thời tiết thay đổi, nóng lạnh đan xen, nắng mưa thất thường liên tục, kèm theo miễn dịch cơ thể không kịp thích nghi với môi trường khiến chúng ta dễ mắc bệnh hơn.

Các biểu hiện như ho, hắt hơi, chảy mũi, sốt, ớn lạnh…là dấu hiệu cho biết bạn đã bị cảm cúm và cần được nghỉ ngơi, chăm sóc.

Viêm phổi, viêm phế quản

Thời tiết thu đông thường hanh khô khiến hệ hô hấp đặc biệt là phổi có thể bị ảnh hưởng. Người bệnh bị viêm phổi thường có các triệu chứng như sổ mũi, đau tức ngực, ho khan, ho có đờm (đờm màu trắng đục, màu vàng xanh hoặc đỏ), ho ra máu,…

Nếu tình trạng này kéo dài, không điều trị sớm và đúng cách, bệnh nhân dễ bị nhiễm trùng lan rộng và tấn công sâu hơn vào các phế nang, phế quản phổi và nhu mô phổi rất nguy hiểm, thậm chí có thể tử vong.

 Dị ứng

Rất nhiều người có làn da nhạy cảm thường bị dị ứng khi thời tiết giao mùa gây bong tróc nứt nẻ da, nổi mẩn đỏ mề đay, ngứa ngáy sưng phù… trên khắp cơ thể khiến người bệnh cảm thấy khó chịu, bất tiện và ảnh hưởng đến thẩm mỹ.

Nguyên nhân bắt nguồn từ sự thay đổi nhiệt độ thất thường của môi trường, cơ thể không kịp thích nghi nên thân nhiệt mất ổn định, cơ thể cũng vì đó mà dễ mắc bệnh hơn.

   Viêm xoang

Thời tiết khô hanh khiến niêm mạc mũi khô và bong tróc gây  viêm xoang. Những người mắc bệnh xoang thường có cảm giác phiền toái và rất khó chịu bởi liên tục hắt hơi, sổ mũi, đau đầu, đau tai…

   Đau nhức xương khớp

Thời tiết thay đổi khiến cho cơ thể bạn mệt mỏi, đau nhức cho mỗi người, kể cả tuổi trẻ. Bệnh này xuất hiện mỗi khi trời trở lạnh, các triệu chứng thường xuất hiện vào sáng sớm và có thể kéo dài sau đó.

Triệu chứng ban đầu có thể chỉ là sốt, đau họng, viêm họng đỏ cấp tính. Tuy nhiên sau khoảng 7-10 ngày, diễn biến bệnh có thể nghiêm trọng hơn. Cơ thể xanh xao, các khớp như vai, háng… bị sưng đỏ, nóng gây đau đớn khó hoạt động, di chuyển. Bệnh thấp khớp cần điều trị dứt điểm kịp thời để tránh tái phát và gây tổn thương đến tim mạch.

 Sốt xuất huyết

Giao mùa là lúc các vi khuẩn, virus sinh sôi và bùng phát mạnh mẽ, trong đó có virus gây sốt xuất huyết. Bệnh sốt xuất huyết gây nguy hiểm cho tất cả các đối tượng, đặc biệt là trẻ em và những người có bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Người bệnh gặp các dấu hiệu như sốt cao, mệt mỏi, buồn nôn, đau mỏi người,… thường lầm tưởng bệnh cũ tái phát dẫn tới chủ quan không đi khám và điều trị. Khi bệnh trở nặng, diễn biến bệnh đã nguy hiểm hơn mới phát hiện và đến bệnh viện, khiến  nhiều trường hợp bệnh nặng lên và có thể tử vong do sốt xuất huyết.

Suy tim

  Người bệnh có tiền sử bệnh tim mạch nên chú ý hơn tới sức khỏe của mình vào thời điểm này. Thời tiết thay đổi đột ngột khiến cơ thể phải thích ứng với biến đổi khí hậu, hệ thống tim mạch cần phải làm việc nhiều hơn dẫn đến quá tải, ảnh hưởng đến vùng tim, có thể gây suy tim.

3. Chủ động phòng tránh bệnh giao mùa thu đông thế nào?

Bệnh giao mùa thu đông rất phổ biến và có tác động đến tất cả các đối tượng không ngoại trừ tuổi tác, giới tính. Chính vì vậy chúng ta cần tìm hiểu rõ về nguyên nhân và cách phòng tránh để cơ thể luôn khỏe mạnh.

Tăng cường sức đề kháng

Cách tốt nhất để tăng cường đề kháng là chúng ta cần cung cấp đầy đủ dinh dưỡng, hợp lý, khoa học, giúp chúng ta có một hệ miễn dịch khỏe mạnh. 

Tăng cường bổ sung vitamin trong các loại rau, củ, quả và uống nhiều nước. Nên sử dụng thêm các loại nước ép bổ sung vitamin C như nước cam, nước ổi…

Rèn luyện thể dục, thể thao

Việc rèn luyện thể dục thể thao giúp hệ miễn dịch hoạt động hiệu quả hơn. Khi cơ thể bị virus xâm nhập, một hệ miễn dịch khỏe mạnh sẽ tấn công nhanh hơn và tiêu diệt các loại virus gây hại đó. Theo khuyến cáo từ các chuyên gia y tế, mỗi ngày, mỗi người cần vận động thể dục thể thao từ 30 phút - 1 tiếng để đạt hiệu quả tốt nhất. 

Vệ sinh cơ thể sạch sẽ, tạo môi trường sinh hoạt thông thoáng

       Vệ sinh cơ thể sạch sẽ, đặc biệt là vệ sinh, sát khuẩn vùng họng, răng miệng bằng nước muối loãng hoặc các dung dịch súc miệng khác sẽ giúp loại bỏ và hạn chế sự sinh sôi phát triển của các vi khuẩn có hại.

Ngoài ra, cần tạo môi trường sống sạch sẽ, thông thoáng và hạn chế tập trung chỗ đông người, đặc biệt hạn chế trò chuyện với người mắc bệnh Cúm và các bệnh đường hô hấp.

Giữ ấm cơ thể

Giữ ấm cơ thể giúp thân nhiệt luôn được ổn định, mặc đủ ấm vào buổi sáng và buổi tối, đội mũ nón khi đi ra ngoài trời. Cần có một chế độ sinh hoạt làm việc và nghỉ ngơi hợp lý, không nên thức quá khuya.

Để bảo vệ sức khỏe của bản thân và cộng đồng mỗi người dân hãy tự ý thức giữ gìn vệ sinh chung, thực hiện đúng khuyến cáo về phòng bệnh của ngành y tế góp phần khống chế, ngăn chặn, đẩy lùi bệnh tật, bảo vệ và nâng cao sức khoẻ./.


Tác giả: Thanh Tâm
Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá
Click để đánh giá bài viết