Rối loạn tiêu hóa ở người cao tuổi
Cùng với các bệnh lý khác, rối loạn tiêu hóa (RLTH) là tình trạng gặp ở mọi lứa tuổi nhưng hay gặp ở người cao tuổi và gây nên những phiền toái cho người bệnh.
Rối loạn tiêu hóa là tình trạng xảy ra do sự co thắt bất thường của các cơ vòng của hệ tiêu hóa gây đau bụng cho cơ thể và những thay đổi về đại tiện. Rối loạn tiêu hóa không nguy hiểm đến mức gây tử vong nhưng gây ra những phiền toái khó chịu cho người bệnh, nếu không được điều trị sớm bệnh cũng sẽ gây ra một số biến chứng nguy hiểm.
Các biểu hiện của rối loạn tiêu hoá ở người cao tuổi
- Tình trạng mệt mỏi, chán ăn, đôi khi dẫn đến bỏ bữa. Nguy hiểm hơn là nhiều người cao tuổi mắc chứng rối loạn tiêu hóa đến mức mất hẳn cảm giác thèm ăn và đói.
- Dạng thứ hai của rối loạn tiêu hóa ở người cao tuổi là tình trạng đầy bụng, đầy hơi, chướng bụng, phân lỏng hoặc không thành khuôn khi đi ngoài khi ăn những thức ăn nhiều đạm hay dầu mỡ. Chính điều này gây ra tâm lý ngại ăn các loại thức ăn giàu dinh dưỡng như thịt, cá, sữa...
- Ngoài ra biểu hiện rối loạn tiêu hóa ở người cao tuổi cũng có thể là táo bón thường xuyên, tình trạng này xảy ra do thói quen và chế độ ăn uống chưa hợp lý (ăn ít rau quả, ít uống nước,...).
- Mệt mỏi là một trong những dạng điển hình của rối loạn tiêu hóa ở người cao tuổi.
Nguyên nhân người cao tuổi hay bị rối loạn tiêu hóa
Rối loạn tiêu hóa do hệ tiêu hóa suy thoái theo thời gian
Ở người cao tuổi, cùng với những cơ quan khác, hệ tiêu hóa dần bị suy thoái dẫn đến rối loạn tiêu hóa, biểu hiện của tình trạng này là:
- Răng yếu, thức ăn không được nhai kỹ.
- Nhu động thực quản yếu gây khó khăn khi ăn các thức ăn khô cứng do dễ bị nghẹn.
- Nhu động của ruột và dạ dày yếu làm việc nhào trộn tiêu hóa thức ăn xảy ra chậm và khó khăn hơn. Đây là nguyên nhân khiến cho những người cao tuổi mắc rối loạn tiêu hóa không cảm thấy đói và chán ăn.
- Theo thời gian, cả số lượng và chất lượng của nước bọt, dịch mật hay dịch ruột đều giảm gây rối loạn tiêu hóa ở người cao tuổi. Ngoài ra, các lớp niêm mạc trong ống tiêu hóa suy yếu theo thời gian, các mạch máu trong cơ quan tiêu hóa của người cao tuổi thường bị xơ vữa khiến cho lượng máu đến các cơ quan này giảm làm khả năng hấp thu chất dinh dưỡng của cơ thể giảm sút.
Rối loạn tiêu hóa do bệnh lý và ảnh hưởng từ một số cơ quan khác
- Các cơ quan như hệ nội tiết, hệ thần kinh, tuyến giáp có ảnh hưởng rất lớn đến tình trạng rối loạn tiêu hóa ở người cao tuổi. Ở người cao tuổi, các cơ quan đều bị suy giảm chức năng kéo theo sự ảnh hưởng đến hấp thu và nhu động ruột.
- Ngoài ra một số bệnh lý mãn tính ở người già như tim mạch, xơ gan, bệnh phổi, bệnh đại tràng, dạ dày... cũng gây ra trạng thái mệt mỏi, chán ăn, táo bón, tiêu chảy,... hay còn gọi là rối loạn tiêu hóa.
Để chủ động phòng tránh rối loạn tiêu hóa ở người cao tuổi, các chuyên gia khuyến cáo:
- Người cao tuổi nên có một chế độ ăn uống hợp lý: nên ăn các loại dầu thực vật thay vì mỡ động vật, ăn một lượng vừa phải các loại thịt đỏ khó tiêu như thịt trâu bò, thịt cừu, tăng cường ăn các loại hoa quả và rau xanh, hạn chế tối đa các chất kích thích như là rượu, bia, thuốc lá, cà phê,...
- Khi chế biến thức ăn, thức ăn cần được đun nấu đến độ chín cần thiết, không nên ăn các tái, gỏi,... để tránh chướng bụng, đầy hơi gây rối loạn tiêu hóa.
- Phân bổ thời gian ăn tránh rối loạn tiêu hóa: nên chia thành nhiều bữa nhỏ và đều đặn hằng ngày, không nên ăn quá dồn dập cùng lúc, cũng không bỏ bữa khi không muốn ăn.
- Khi ăn nên hạn chế xem tivi hoặc mải mê nói chuyện, nên tập trung để tránh bị phân tâm dễ gây sặc hoặc nghẹn.
- Đảm bảo nguồn gốc, chất lượng và an toàn thực phẩm.
- Khi thấy có các dấu hiệu của rối loạn tiêu hóa kéo dài, người nhà nên đưa cha mẹ, ông bà đến các cơ sở y tế uy tín để được khám bệnh và tư vấn điều trị.
- Ngoài ra vận động nhẹ nhàng, tập thể dục thể thao phù hợp hằng ngày là một biện pháp không chỉ giúp hạn chế rối loạn tiêu hóa mà còn giúp rèn luyện thể lực, tăng cường sức dẻo dai, hạn chế nhiều bệnh lý khác.
Một số biến chứng nguy hiểm của RLTH nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời:
Rối loạn tiêu hóa có thể gây nguy hiểm cho người bệnh nếu như không được chẩn đoán và điều trị kịp thời như:
- Bệnh cấp tính: Ngộ độc thực phẩm, viêm ruột thừa, thủng dạ dày…
- Các vấn đề nguy hiểm về đường ruột: Viêm loét đại tràng, thiếu máu cục bộ đường ruột, ung thư…
- Các rối loạn nguy hiểm và khẩn cấp: Tắc ruột, viêm ruột thừa, viêm tụy cấp…/.