• :
  • :
Trung tâm kiểm soát bệnh tật Thái Bình: Chuyên nghiệp - Tận tâm - Vì cộng đồng
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thái Bình: 10 năm thực hiện Luật PCTH của thuốc lá

Luật Phòng, chống tác hại của (PCTH) thuốc lá được Quốc hội thông qua ngày 18/6/2012 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/5/2013. Luật PCTHTL của nước ta ra đời được Thế giới đánh giá là yếu tố rất mạnh mẽ và phù hợp với Công ước khung của Tổ chức Y tế thế giới về kiểm soát thuốc lá, đồng thời là một quyết định quan trọng mang tính lịch sử trong việc bảo vệ cộng đồng.

Trong 10 năm qua, để Luật đi sâu vào cuộc sống và tác động mạnh mẽ tới ý thức của người dân, Bộ Y tế với vai trò chủ đạo đã phối hợp với các Bộ, ban ngành chỉ đạo các tỉnh thực hiện các hoạt động thiết thực để tuyên truyền vận động người dân; tăng cường thanh, kiểm tra, giám sát các hoạt động xây dựng môi trường không khói thuốc và chấp hành Luật PCTH thuốc lá. Đồng hành với các tỉnh, Thái Bình đã luôn cố gắng xây dựng mạng lưới từ tỉnh đến cơ sở và từng bước thực hiện hiệu quả các hoạt động về PCTH thuốc lá.

Trước đây là một tỉnh thuần nông, song cùng với sự phát triển của cả nước trong tiến trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá, Thái Bình đã phấn đấu và hướng tới xây dựng tỉnh có cơ cấu kinh tế công nghiệp - nông nghiệp - dịch vụ hiện đại. Sự phát triển này đã đem lại hiệu quả kinh tế to lớn và đời sống người dân được ngày một nâng cao nhưng cũng mang theo những khó khăn về công tác PCTH thuốc lá khi các sản phẩm thuốc lá ngày càng đa dạng từ thuốc lá điếu cho đến thuốc lá điện tử đang len lỏi vào cuộc sống của người dân, nhất là giới trẻ. Tại Thái Bình, những năm vừa qua ngành nông nghiệp trồng trọt đóng vai trò then chốt trong sự phát triển kinh tế. Ngoài thâm canh lúa nước của những vụ thu hoạch chính bà con nông dân đã gối vụ trồng các loại hoa màu và cây công nghiệp; đặc biệt thổ nhưỡng tại một số huyện ở Thái Bình như Tiền Hải, Quỳnh Phụ, Thái Thuỵ, Kiến Xương rất hợp với trồng cây thuốc lá, thuốc lào mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân, hoạt động PCTH thuốc lá càng khó khăn hơn khi có nguồn cung ứng sản phẩm thuốc lá tận gốc từ người dân. Chính vì vậy, các hoạt động phòng, chống tác hại thuốc lá tại Thái Bình đòi hỏi sự quan tâm sâu sắc, vào cuộc nghiêm túc của các ban ngành đoàn thể, chính quyền địa phương.

 Năm 2014, Thái Bình đã thành lập Ban chỉ đạo PCTH thuốc lá của tỉnh phân công đồng chí Phó chủ tịch phụ trách Văn hóa xã hội là Trưởng ban, đồng chí Giám đốc Sở Y tế là Phó trưởng ban thường trực, các thành viên là các Lãnh đạo sở ban ngành, tổ chức chính trị xã hội; Hàng năm, Ban chỉ đạo PCTH thuốc lá từ tỉnh đến huyện, xã, phường, thị trấn đều được kiện toàn và bổ sung cùng với việc triển khai các hoạt động tuyên truyền về tác hại thuốc lá, Luật PCTHTL và các văn bản hướng dẫn.

Trong 10 năm, mặc dù có nhiều biến cố do thiên tai, dịch bệnh đặc biệt là dịch bệnh COVID-19 kéo dài nhưng các cấp, các ngành, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã có nhiều cố gắng, nỗ lực trong việc triển khai, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ về PCTH thuốc lá. Từ khi Luật PCTH thuốc lá có hiệu lực, UBND tỉnh đã xây dựng Kế hoạch, chỉ thị chỉ đạo xuống các huyện, Thành phố. Tuy nhiên, công tác PCTH của thuốc lá giai đoạn 2013-2014 cũng chỉ dừng lại ở việc triển khai các hội nghị và một số hoạt động nghiên cứu. Từ năm 2015 được sự hỗ trợ kỹ thuật và kinh phí của Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá – Bộ Y tế, công tác PCTH thuốc lá đã được triển khai tương đối đồng bộ và hiệu quả: Hàng năm UBND tỉnh ban hành Kế hoạch PCTH thuốc lá với những mục tiêu và hoạt động cụ thể. Căn cứ vào kế hoạch của tỉnh, các sở, ban ngành, chính quyền địa phương của 8/8 huyện, Thành phố xây dựng kế hoạch hoạt động PCTH thuốc lá phù hợp với tình hình thực tế của từng cơ quan, đơn vị, địa phương. Các hoạt động thông tin truyền thông qua nhiều kênh truyền thông đa dạng như:  phát thanh, truyền hình, báo in, báo điện tử, mạng xã hội, trang thông tin điện tử, loa phát thanh xã/phường, pa-nô, áp phích, sách hướng dẫn,…Truyền thông trực tiếp qua các hội nghị, hội thảo chia sẻ kinh nghiệm, nói chuyện chuyên đề, truyền thông lưu động…; hình thức truyền thông ngày càng đa dạng bằng các hình thức ca kịch, dân vũ thể thao, lễ hội không khói thuốc, tổ chức các cuộc thi tuyên truyền viên ngành y tế, Tìm hiểu kiến thức PCTH thuốc lá liên ngành y tế giáo dục…đã được các cấp, ngành và đông đảo người dân trong tỉnh tham gia hưởng ứng.

Đến nay, Thái Bình đã xây dựng được mạng lưới PCTH thuốc lá tương đối hoàn thiện ở các tuyến. Khi văn bản của tỉnh ban hành, các sở, ban ngành đều có văn bản chỉ đạo trong ngành và 8/8 huyện đều có văn bản chỉ đạo tuyến xã, phường, thị trấn; Căn cứ vào kế hoạch và các văn bản hướng dẫn cụ thể nên nâng cao được tính đồng bộ và hiệu quả của các hoạt động PCTH thuốc lá trên địa bàn.

Để nâng cao chất lượng của hoạt động PCTH của thuốc lá thì việc tập huấn  nâng cao nghiệp vụ cho cán bộ tuyến tỉnh, huyện, xã, phường, thị trấn rất quan trọng;  Hàng năm, hoạt động này được tổ chức cho các nhóm đối tượng đích: Đoàn Thanh niên, Hội LHPN, Hội nông dân, Hội Người cao tuổi…Cộng tác viên của mạng lưới  được tập huấn nâng cao năng lực, kỹ năng truyền thông PCTH thuốc lá. Đội ngũ thanh tra, công an, thành viên các Đoàn kiểm tra, giám sát liên ngành được tập huấn về nghiệp vụ kiểm tra, giám sát thực thi Luật PCTH thuốc lá;  Ngoài ra còn tập huấn cho giáo viên về xây dựng trường học không khói thuốc, tập huấn cho y tế cơ sở về tư vấn cai nghiện thuốc lá, tập huấn cho nông dân một số xã trọng điểm về chuyển đổi cơ cấu cây trồng…

Để thành công trong công tác PCTH của thuốc lá thì sự phối hợp chặt chẽ của liên ngành là không thể thiếu, điều đó đóng một vai trò vô cùng quan trọng. Tại Thái Bình, dưới sự chỉ đạo của UBND tỉnh, sự tham mưu, hướng dẫn và tổ chức các hoạt động PCTH thuốc lá thường xuyên của ngành Y tế, các ban ngành đoàn thể đã từng bước phối hợp đồng bộ cả về hình thức và nội dung: với các hoạt động đa dạng, phong phú nhất là việc tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, người dân. Phối hợp với các sở ban ngành, địa phương chỉ đạo đưa các tiêu chí thực hiện Luật PCTH của thuốc lá vào Kế hoạch, nội quy, quy chế của cơ quan, đơn vị; hương ước, quy ước của thôn xóm, tổ dân phố; tổ chức ký cam kết về việc xây dựng môi trường không khói thuốc tại nơi làm việc, đưa qui định cấm hút thuốc vào tiêu chí thi đua khen thưởng của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động.

Công tác thanh tra kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật PCTH thuốc lá là nhiệm vụ quan trọng đối với công tác PCTH thuốc lá. Nếu hoạt động này không đủ mạnh thì hiệu quả của công tác PCTH thuốc lá sẽ không cao do ý thức tuân thủ pháp luật của một bộ phận người dân chưa cao. Nếu không tăng cường phối hợp liên ngành trong kiểm tra, giám sát thực hiện Luật phòng chống tác hại thuốc lá thì ngành y tế và xã hội vẫn phải đối mặt với những gánh nặng về sức khỏe, bệnh tật và hệ lụy do thuốc lá gây ra.

Từ năm 2015, Thái Bình đã thành lập Tổ Kiểm tra, giám sát và năm 2020 kiện toàn thành Đoàn Kiểm tra, giám sát liên ngành, hàng năm định kỳ triển khai kiểm tra, giám sát tại 05 khối: Y tế, Giao thông, Giáo dục, Nhà hàng, khách sạn và UNBD huyện/thành phố/xã/phường/thị trấn, mỗi năm triển khai kiểm tra, giám sát trên 100 cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh. Việc xây dựng Kế hoạch thanh kiểm tra, giám sát do ngành Y tế chủ trì (cơ quan đầu mối là Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh) phối hợp với các sở, ngành, tổ chức chính trị xã hội; Đoàn KT, GS gồm có các đại diện Sở: Tư pháp, Công An, Giáo dục & Đào tạo, Kế hoạch & Đầu tư, Văn hoá - Thể Thao & Du Lịch, Công thương, Quản lý thị trường, Tài Chính, Thông tin & Truyền thông, Hội LHPN tỉnh, Ban Tuyên giáo, Mặt trận Tổ quốc, Đoàn Thanh niên và đầu mối công tác PCTH thuốc lá của 08 huyện, thành phố.

     Trong 10 năm qua, từ khi Luật PCTH của thuốc lá có hiệu lực, với sự chung tay vào cuộc của các cấp, các ngành cũng như Ban Chỉ đạo PCTH của thuốc lá tỉnh, việc giám sát, kiểm tra, đánh giá đã từng bước dần hoàn thiện. Kết quả thanh, kiểm tra, giám sát tuy chưa được thường xuyên nhưng phần nào phản ánh được thực trạng việc thực thi Luật PCTH của thuốc lá và công tác xây dựng cơ quan, đơn vị không khói thuốc trên địa bàn tỉnh; từ đó có những đề xuất các biện pháp thực hiện hiệu quả gắn, góp phần nâng cao hơn nữa việc thực thi Luật PCTH thuốc lá trong thời gian tới.

Để đánh giá hiệu quả của công tác PCTH thuốc lá trên địa bàn tỉnh, hoạt động nghiên cứu khoa học đã được tổ chức 02 đợt vào năm 2015, 2018, theo kế hoạch thì năm 2024 Thái Bình lại tiếp tục triển khai hoạt động này. Theo kết quả nghiên cứu năm 2015 tỷ lệ hút thuốc nam giới là 47,2% đến năm 2018 tỷ lệ này là giảm xuống còn 45,3%. Giai đoạn đầu, nhận thức của nhân dân và các cấp, ngành còn hạn chế về tác hại của thuốc lá và Luật PCTH thuốc lá. Đến nay, đa số cán bộ đến người dân đều nhận thức được tác hại của thuốc lá ảnh hưởng đến bản thân và gia đình, đã hình thành nhận thức mới trong cộng đồng, lan toả sâu rộng trong xã hội. Thực tế tại các đợt giám sát hàng năm số cơ quan, đơn vị, bệnh viện, trường học, cơ sở kinh doanh, nhà hàng khách sạn... tỷ lệ hút thuốc lá tại các điểm cấm hút thuốc hầu như không có. Hiện nay, tại các xe chở khách trên các tuyến của Thái Bình không có hiện tượng hút thuốc trên xe, các công sở, đơn vị y tế, trường học hiện tượng hút thuốc công khai rất hiếm gặp...Đặc biệt, đối với một số xã có truyền thống trồng cây thuốc lào trên địa bàn huyện Quỳnh Phụ, Tiền Hải và Thái Thuỵ, người dân đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng, trồng thay thế bằng các các cây hoa màu khác đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn.

Đạt được kết quả như trên thì sự hỗ trợ về kinh phí và kỹ thuật của Quỹ PCTH thuốc lá – Bộ Y tế có ý nghĩa rất thiết thực và sâu sắc đối với người dân Thái Bình. Các hoạt động PCTH thuốc lá đã được triển khai tại địa phương trong những năm qua đã góp phần nâng cao nhận thức, giảm tỉ lệ mắc những căn bệnh nguy hiểm do thuốc lá gây ra, góp phần nâng cao chất lượng sức khoẻ của người dân trong cộng đồng và xã hội, góp phần vào sự nghiệp CSSKND và sự nghiệp phát triển kinh tế , xã hội của tỉnh./.


Tác giả: BSCKII Lưu Thị Ánh Tuyết - PGĐ TT KSBT
Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá
Click để đánh giá bài viết