• :
  • :
Trung tâm kiểm soát bệnh tật Thái Bình: Chuyên nghiệp - Tận tâm - Vì cộng đồng
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tiếp tục tăng cường công tác phòng chống dịch

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Thái Bình, trong tuần 16 năm 2025 (từ ngày 14/4 đến ngày 20/4/2025), toàn tỉnh ghi nhận 31 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng. Như vậy, từ đầu năm đến nay, Thái Bình đã có tổng cộng 125 trường hợp mắc, không ghi nhận trường hợp tử vong.

Bệnh tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm phổ biến ở trẻ nhỏ, lây lan chủ yếu qua đường tiêu hóa và tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết từ mũi, miệng, phân của người nhiễm bệnh. Độ tuổi bị tay chân miệng chủ yếu là ở trẻ em dưới 10 tuổi, nhưng thường gặp nhất là trẻ em dưới 5 tuổi, đặc biệt trẻ < 3 tuổi. Các trẻ càng nhỏ thì biến chứng càng dễ diễn biến nặng.Hầu hết người lớn đã được miễn dịch, tuy nhiên vẫn có trường hợp mắc bệnh ở thanh thiếu niên và người lớn. Bệnh thường gặp vào thời điểm giao mùa, đặc biệt là từ tháng 3 đến tháng 5 và từ tháng 9 đến tháng 11 hằng năm. Dù hầu hết các ca bệnh đều ở thể nhẹ, có thể tự khỏi sau 7 – 10 ngày nhưng vẫn một số ít trường hợp có thể diễn tiến nặng nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.

 

Trước diễn biến của dịch bệnh, Ngành Y tế Thái Bình đã và đang tích cực triển khai các biện pháp giám sát, phòng chống dịch tại cộng đồng, trường học và cơ sở giáo dục mầm non. Các hoạt động truyền thông được tăng cường nhằm nâng cao nhận thức của người dân về phòng bệnh, như:

  • Làm sạch môi trường và các vật dụng dễ bị ô nhiễm (bao gồm đồ chơi, bàn ghế, tay nắm cửa,...) bằng nước và xà phòng, sau đó khử trùng bằng các chất tẩy rửa thông thường và rửa lại một lần nữa bằng nước sạch;
  • Tránh các hành vi tiếp xúc gần như ôm, hôn, dùng chung đồ dùng với các bệnh nhi khác cũng là một cách để phòng bệnh tay chân miệng;
  • Khi đã mắc bệnh, tạm thời không cho trẻ đi mẫu giáo, nhà trẻ, trường học hoặc những nơi đông người cho tới khi các triệu chứng bệnh tay chân miệng ở trẻ em đã lui hẳn;
  • Theo dõi chặt chẽ tình trạng bệnh và đưa trẻ đến bệnh viện để được chăm sóc y tế kịp thời nếu nhận thấy triệu chứng sốt cao, li bì, mất tỉnh táo;
  • Chú ý che miệng và mũi khi hắt hơi và ho, sau đó vệ sinh tay bằng nước và xà phòng;
  • Xử lý khăn giấy và tã lót đã sử dụng bằng việc thải bỏ rác đúng cách, tránh thải bừa bãi ra môi trường chung;
  • Thường xuyên vệ sinh nhà cửa, sân vườn, nơi vui chơi của trẻ sạch sẽ.

 Ngành Y tế cũng chỉ đạo các đơn vị y tế cơ sở duy trì chế độ trực dịch, sẵn sàng thu dung, xử trí các ca bệnh, không để dịch lây lan rộng. Người dân cần chủ động phối hợp với Ngành Y tế trong việc phát hiện sớm và phòng ngừa bệnh tay chân miệng, bảo vệ sức khỏe cho trẻ em và cộng đồng.


Tác giả: Ths Hồng Nhung
Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết