Viêm màng não mô cầu: những biến chứng nguy hiểm và cách phòng ngừa
Bệnh do não mô cầu là một bệnh nhiễm khuẩn cấp tính, lây truyền theo đường hô hấp, do vi khuẩn Neisseria meningitidis gây ra. Bệnh thường gặp ở lứa tuổi trẻ và có khả năng gây thành dịch. Bệnh này ảnh hưởng chủ yếu đến màng não (màng bao quanh não và tủy sống) và có thể gây nhiễm khuẩn huyết, rất dễ dẫn đến tử vong nếu không được điều trị kịp thời và hay để lại các di chứng ảnh hưởng đến thần kinh, trí tuệ, vận động...
Ổ chứa của vi khuẩn não mô cầu trong tự nhiên là người.
Thời gian ủ bệnh từ 2 - 10 ngày, thông thường từ 3 - 4 ngày.
Thời kỳ lây truyền của bệnh tùy thuộc vào thời gian tồn tại của vi khuẩn não mô cầu ở mũi, họng của người nhiễm khuẩn.
Các triệu chứng thường gặp của bệnh viêm màng não mô cầu
- Biểu hiện nhiễm trùng: Sốt cao đột ngột, có thể có rét run, ho, đau họng, mệt mỏi, nhức đầu.
- Dấu hiệu màng não - não:
+ Đau đầu dữ dội, buồn nôn, nôn, táo bón, gáy cứng, (trẻ nhỏ có thể có tiêu chảy, thóp phồng và gáy mềm).
+ Rối loạn ý thức, li bì, kích thích vật vã, có thể có co giật, hôn mê.
- Ban xuất huyết hoại tử hình sao, xuất hiện sớm và lan nhanh, thường gặp ở hai chi dưới.
- Ở trẻ nhỏ: quấy khóc, bỏ bú, ngủ li bì, thóp phồng, kén ăn, bỏ bú, chán chơi, phát ban…
Các biến chứng nguy hiểm của bệnh viêm màng não mô cầu
Viêm màng não mô cầu do vi khuẩn Neisseria meningitidis gây ra có thể dẫn đến nhiều biến chứng nghiêm trọng, đặc biệt nếu không được điều trị kịp thời. Dưới đây là các biến chứng thường gặp:
Biến chứng thần kinh:
- Tổn thương não: Có thể dẫn đến suy giảm trí nhớ, thay đổi hành vi, hoặc khó khăn trong học tập.
- Động kinh (co giật): Do tổn thương mô não.
- Giảm thính lực hoặc điếc vĩnh viễn: Do vi khuẩn gây tổn thương dây thần kinh thính giác.
- Tăng áp lực nội sọ: Gây đau đầu, buồn nôn, thay đổi ý thức.
Biến chứng toàn thân:
- Nhiễm trùng huyết (nhiễm trùng máu): có thể dẫn đến sốc nhiễm trùng – một tình trạng đe dọa tính mạng.
- DIC (rối loạn đông máu lan tỏa): gây chảy máu nhiều nơi trong cơ thể.
- Hoại tử da và các chi: máu không đến được tay chân dẫn đến hoại tử, đôi khi phải cắt cụt chi.
Biến chứng hô hấp và tim mạch:
- Suy hô hấp cấp tính.
- Suy tim hoặc rối loạn nhịp tim do ảnh hưởng toàn thân của vi khuẩn và độc tố.
Biến chứng lâu dài khác:
- Khó khăn về vận động: Do tổn thương thần kinh hoặc hậu quả của hoại tử chi.
- Chậm phát triển ở trẻ nhỏ.
- Các vấn đề về tâm thần, rối loạn cảm xúc.
Theo các chuyên gia y tế, viêm màng não mô cầu là một trong 10 bệnh truyền nhiễm, có tỷ lệ tử vong cao nhất ở Việt Nam, với các ca mắc bệnh được ghi nhận mỗi năm. Đây là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính, với khoảng 50% ca bệnh ở dạng viêm màng não, 38% biểu hiện nhiễm khuẩn huyết và 9% là viêm phổi do vi khuẩn. Để phòng bệnh viêm màng não mô cầu, người dân thực hiện tốt vệ sinh cá nhân và nơi ở; đeo khẩu trang khi tiếp xúc hoặc chăm sóc người bệnh và dự phòng bằng thuốc.
Tiêm vắc-xin phòng bệnh Não mô cầu là một trong những biện pháp phòng bệnh đặc hiệu và hiệu quả cao. Hiện nay có hai loại vắc-xin hiện tại đang được dùng để phòng bệnh: Vaccine phòng ngừa viêm màng não mô cầu tuýp B, C dành cho trẻ từ 6 tháng trở lên và người lớn dưới 45 tuổi và vaccine ngừa viêm màng não mô cầu 4 tuýp A, C, Y, W-135 (Đối với vắc-xin này lịch tiêm chủng phụ thuộc vào từng độ tuổi, người dân cần đến cac cơ sở tiêm chủng để được khám và tư vấn tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch).
Theo hướng dẫn của Cục Phòng bệnh - Bộ Y tế, để phòng ngừa bệnh viêm màng não mô cầu ở người lớn và trẻ em cần:
- Tuyên truyền cho cộng đồng, đặc biệt tại những vùng có dịch lưu hành, nơi có ổ dịch cũ về bệnh do não mô cầu và các biện pháp phòng chống:
- Thực hiện tốt việc vệ sinh cá nhân: rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, súc miệng, họng bằng các dung dịch sát khuẩn mũi họng thông thường.
- Ăn uống đủ chất dinh dưỡng, luyện tập, nâng cao thể trạng.
- Thực hiện tốt vệ sinh, thông khí nơi ở, nơi làm việc.
- Chủ động tiêm vắc xin phòng bệnh tại các cơ sở y tế.
- Khi phát hiện dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh cần đi khám hoặc thông báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất.