Vai trò của các nhóm đồng đẳng trong hoạt động kết nối, chuyển gửi khách hàng tham gia chương trình điều trị PrEP
Chương trình điều trị dự phòng trước phơi nhiễm với HIV hiện tại đang được triển khai tại 31 tỉnh thành trên toàn quốc trong đó tỉnh Thái Bình đã bắt đầu triển khai chương trình từ năm 2020. Đến nay toàn tỉnh đang điều trị cho hơn 500 khách hàng nguy cơ cao lây nhiễm với HIV. Để đạt được kết quả này, có sự góp sức rất nhiều của thành viên các nhóm đồng đẳng và các tiếp cận viên trong chương trình phòng chống HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh. Các nhóm đồng đẳng viên đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối các nhóm đối tượng đích với các dịch vụ trong chương trình phòng chống HIV/AIDS như xét nghiệm HIV, điều trị ARV và điều trị dự phòng trước phơi nhiễm với HIV (PrEP). Họ giúp cung cấp thông tin về nhu cầu, mong muốn của những người trong cộng đồng giúp những nhà làm chương trình, những người cung cấp dịch vụ biết được cộng đồng cần gì, thích gì, muốn gì hay địa điểm tiếp cận, cung cấp dịch vụ cho khách hàng ở đâu, cách thức cung cấp dịch vụ như thế nào? …để xây dựng những mô hình dịch vụ, chương trình phù hợp với các nhóm khách hàng. Họ còn chính là những cánh tay nối dài giúp khách hàng, người có nhu cầu sử dụng dịch vụ có thể tìm kiếm, tiếp cận dịch vụ một cách nhanh chóng, dễ dàng hơn. Chính những nhóm đồng đẳng viên, tiếp cận viên này sẽ góp phần giúp nâng cao kiến thức, cung cấp thông tin cho cộng đồng, giúp họ tăng sự tự tin, giảm tự kỳ thị để cộng đồng có thể tự tin chủ động tìm kiếm và tham gia các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, đặc biệt là các dịch vụ liên quan tới HIV/AIDS. Ngoài ra, rất nhiều nhóm cộng đồng là các cá nhân hoặc tổ chức thực hiện cung cấp một số dịch vụ rất hiệu quả như hoạt động cấp phát các vật phẩm giảm hại (BCS, CBT, BKT), tài liệu truyền thông, hay hỗ trợ tư vấn xét nghiệm HIV tại cộng đồng sau đó chuyển gửi khách hàng đến với các dịch vụ phù hợp như điều trị PrEP, PEP, ARV. Thậm chí, chính những nhóm đồng đẳng viên đã đứng ra thành lập các doanh nghiệp và trực tiếp thực hiện cung cấp các dịch vụ cho cộng đồng giúp khách hàng tiếp cận các dịch vụ thuận tiện, dễ dàng, thoải mái hơn rất nhiều.
Tại Thái Bình hiện đang triển khai điều trị PrEP tại 2 phòng khám đặt tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thái Bình và Phòng khám Y khoa Hồng Đức. Từ đầu năm 2024 đến nay, các nhóm đồng đẳng viên đã giới thiệu hơn 500 khách hàng mới tham gia điều trị PrEP với tỷ lệ duy trì điều trị hơn 60%. Để đạt được được kết quả trên là nhờ có sự phối hợp rất chặt chẽ giữa các tổ chức cộng đồng, các đồng đẳng viên và các cơ sở điều trị PrEP từ đó nâng cao hiệu quả chương trình điều trị PrEP, giúp giảm nguy cơ lây truyền HIV trong cộng đồng tại tỉnh Thái Bình.
Hồng Vân