• :
  • :
Trung tâm kiểm soát bệnh tật Thái Bình: Chuyên nghiệp - Tận tâm - Vì cộng đồng
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

VIÊM TỦY RĂNG: DẤU HIỆU, NGUYÊN NHÂN VÀ CÁCH PHÒNG TRÁNH

 Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) ước tính, có khoảng 1 trong 4 người trưởng thành từ 20 – 64 tuổi ở nước này bị sâu răng. Những người bị sâu răng hoặc các vấn đề răng miệng khác không được điều trị có thể dẫn đến viêm tủy răng.

Viêm tủy răng là tình trạng tủy răng bị viêm khiến vi khuẩn xâm nhập vào răng qua lỗ sâu hoặc vết nứt. Viêm tủy răng khi điều trị sớm có thể hồi phục, càng để lâu tình trạng này sẽ nghiêm trọng hơn.

Răng có 3 lớp: lớp men bên ngoài, ngà nâng đỡ men răng và tủy răng ở phần trong cùng. Tủy răng được tạo thành từ mô liên kết, dây thần kinh và mạch máu, đây là thành phần quan trọng trong cấu trúc của răng.

Dấu hiệu viêm tủy răng

Răng nhạy cảm, đau là những triệu chứng chính của viêm tủy. Tùy thuộc vào giai đoạn viêm, cơn đau có thể đột ngột, dữ dội hoặc âm ỉ.

Các dấu hiệu của viêm tủy có thể hồi phục gồm:

  • Không cảm thấy đau khi bác sĩ gõ nhẹ vào răng.
  • Không nhạy cảm với nhiệt độ.
  • Nhạy cảm với lạnh hoặc đồ ngọt nhưng sẽ biến mất nhanh chóng.
  • Đau nhói vùng chân răng.
  • Với tình trạng viêm tủy không hồi phục, người bệnh có thể gặp phải tình trạng:
  • Đau khi bác sĩ gõ nhẹ vào răng.
  • Nhạy cảm với nhiệt, lạnh hoặc đồ ngọt, tình trạng thường kéo dài hơn 30 giây.
  • Sưng quanh răng và nướu.
  • Sốt.
  • Hơi thở hôi.

Khi tình trạng viêm tích tụ trong răng kéo dài quá lâu, tủy răng có thể hoại tử. Điều này thường xảy ra với tình trạng viêm tủy không hồi phục. Lúc này, người bệnh sẽ không còn nhạy cảm với nóng hoặc lạnh nhưng vẫn có thể đau khi nha sĩ gõ nhẹ vào răng.Tình trạng viêm tích tụ kéo dài quá lâu sẽ gây hoại tử tủy răng.

Nguyên nhân gây viêm tủy răng

Men răng giúp bảo vệ tủy răng. Men răng tổn thương có thể dẫn đến viêm tủy. Các nguyên nhân gây viêm tủy răng:

  • Sâu răng: vi khuẩn trong miệng sản sinh axit có thể ăn mòn men răng và tạo ra các lỗ thủng (sâu răng). Sâu răng thường do đánh răng không đúng cách hoặc tiêu thụ quá nhiều chất bột đường. Sâu răng có thể lan sâu vào răng, ảnh hưởng đến tủy và chân răng.
  • Vết nứt: những vết nứt nhỏ có thể xảy ra do nhai thức ăn cứng hoặc chấn thương ở miệng hoặc răng. Vết nứt trên răng có thể làm lộ ngà và tủy răng dẫn đến viêm tủy và đau.
  • Do làm thủ thuật nha khoa: Người bệnh có thể bị viêm tủy sau khi trám răng, bọc răng hoặc thực hiện các thủ thuật nha khoa khác. Răng không được trám đúng cách có thể khiến lớp trám rò rỉ gây viêm tủy.
  • Men răng bị mòn: nghiến răng hoặc đánh răng quá mạnh có thể làm mòn men răng dễ gây viêm hơn.
  • Bệnh nha chu: viêm nha chu là tình trạng nhiễm trùng nướu. Không điều trị sớm, viêm nha chu có thể làm mất xương, dẫn đến nhiễm trùng ngược dòng qua lỗ chóp chân răng gây viêm tủy.

Các yếu tố làm tăng nguy cơ gây bệnh viêm tủy răng

      Các yếu tố rủi ro làm tăng nguy cơ phát triển bệnh viêm tủy răng:

  • Các bệnh làm suy giảm hệ thống miễn dịch, chẳng hạn như tiểu đường.
  • Chấn thương răng từ tập luyện thể thao cũng có thể tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập vào tủy răng.
  • Chế độ ăn uống tiêu thụ sản phẩm có lượng đường và carbohydrate tinh chế cao sẽ gây tích tụ mảng bám, tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển gây mòn men răng, làm hư hỏng ngà răng, dễ dẫn đến viêm tủy răng.
  • Chế độ chăm sóc sức khỏe răng miệng không đầy đủ cũng có thể gây sâu răng và viêm tủy răng.

Bị viêm tủy răng có nguy hiểm không?

          Nếu không được điều trị, viêm tủy răng có thể lan rộng dẫn đến nhiễm trùng hoặc áp xe. Tình trạng này gây: Đau; Sốt; Sưng các tuyến ở cổ, nhiễm trùng có thể lan đến xương hàm (viêm tủy xương) và các mô mềm ở đầu, cổ, ngực. Nếu không được điều trị, nhiễm trùng có thể đe dọa tính mạng.Ngoài ra, viêm tủy răng có thể gây các biến chứng như:

  • Viêm quanh chóp.
  • Áp xe quanh chóp.
  • Viêm mô tế bào và đôi khi gây viêm tủy xương hàm (hiếm gặp).
  • Nhiễm trùng lây lan từ răng hàm trên có thể gây viêm xoang có mủ, viêm màng não, áp xe não, viêm mô tế bào hốc mắt và huyết khối xoang hang.
  • Nhiễm trùng lây lan từ răng hàm dưới có thể gây đau thắt ngực, áp xe cạnh họng, viêm trung thất, viêm màng ngoài tim, viêm màng phổi, viêm tĩnh mạch cổ…

Viêm tủy răng có tự khỏi không?

            Viêm tủy răng không thể tự khỏi mà cần có sự can thiệp từ bác sĩ chuyên khoa răng hàm mặt. Tình trạng viêm nếu không được điều trị, nhiễm khuẩn lan rộng sẽ tiến triển thành các ổ viêm ở chân răng. Điều trị viêm ở giai đoạn này thường tiên lượng kém. Do đó, ngay khi xuất hiện những dấu hiệu cho thấy viêm tủy, người bệnh cần nhanh chóng đến gặp bác sĩ răng hàm mặt để khám, điều trị kịp thời, hạn chế biến chứng không mong muốn.

Cách phòng tránh bệnh viêm tủy răng

         Vệ sinh răng miệng tốt là cách tốt nhất để ngừa viêm tủy. Các biện pháp chăm sóc và bảo vệ răng miệng gồm:

  • Đánh răng 2 lần/ngày.
  • Làm sạch thức ăn bám trên răng bằng chỉ nha khoa mỗi ngày.
  • Kiểm tra răng định kỳ 6 tháng/lần
  • Đeo miếng bảo vệ nếu bạn nghiến răng vào ban đêm.
  • Hạn chế thực phẩm chứa nhiều chất bột đường.

Khám chuyên khoa răng

Người bị bệnh răng miệng sau đây cần đến cơ sở y tế: bị đau răng; răng nhạy cảm với thức ăn ngọt hoặc đồ uống nóng, lạnh… Việc khám và điều trị sớm sẽ ngăn viêm tủy tiến triển nặng, từ đó cải thiện chất lượng cuộc sống. Viêm tủy răng không thể tự khỏi, người mắc bệnh răng miệng cần đến các cơ sở y tế, chuyên khoa răng hàm mặt để bác sĩ khám, điều trị kịp thời, hiệu quả.


Tác giả: Trần Tài
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
CHUYÊN MỤC
LIÊN KẾT WEB