WHO đưa ra hướng dẫn đầu tiên về chẩn đoán, điều trị và chăm sóc bệnh viêm màng não
Ngày 10/4/2025, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã công bố hướng dẫn toàn cầu đầu tiên về chẩn đoán, điều trị và chăm sóc bệnh viêm màng não, nhằm mục đích đẩy nhanh quá trình phát hiện, đảm bảo điều trị kịp thời và cải thiện việc chăm sóc dài hạn cho những người bị ảnh hưởng nhằm giảm tử vong và tàn tật do căn bệnh này gây ra. Mặc dù có các biện pháp điều trị và vắc-xin hiệu quả chống lại một số dạng viêm màng não, căn bệnh này vẫn là mối đe dọa đáng kể đối với sức khỏe toàn cầu.
Viêm màng não là tình trạng viêm của màng não (màng bao quanh não và tủy sống) thường do nhiễm trùng (vi khuẩn, virus, nấm hoặc ký sinh trùng) hoặc các nguyên nhân khác như ung thư, dùng thuốc hoặc bệnh tự miễn, gây nhiều biến chứng nguy hiểm và có thể gây tử vong.
1. Triệu chứng chung (thường gặp ở người lớn và trẻ lớn)
- Sốt cao đột ngột (có thể kèm ớn lạnh hoặc run).
- Đau đầu dữ dội, liên tục, không giảm khi dùng thuốc giảm đau thông thường.
- Cứng gáy: Không thể cúi đầu chạm cằm vào ngực do cứng cơ vùng cổ.
- Buồn nôn hoặc nôn (không liên quan đến ăn uống, có thể nôn vọt).
- Sợ ánh sáng (photophobia): Đau mắt hoặc khó chịu khi tiếp xúc với ánh sáng.
- Lú lẫn, rối loạn ý thức: Mất định hướng, ngủ gà, thậm chí hôn mê.
- Co giật (trong trường hợp nặng).
- Phát ban (đặc biệt trong viêm màng não do não mô cầu): Các nốt xuất huyết màu tím/đỏ, không mất đi khi ấn (dấu hiệu nguy hiểm).
2. Triệu chứng ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ
- Sốt hoặc hạ thân nhiệt (da lạnh).
- Bỏ bú, biếng ăn.
- Quấy khóc bất thường, khóc thét (tiếng khóc "não").
- Thóp phồng (nếu trẻ còn thóp).
- Ngủ li bì, khó đánh thức.
- Co giật hoặc cử động bất thường.
- Da xanh tái, nổi ban.
3. Dấu hiệu nguy hiểm cần cấp cứu ngay
- Hôn mê, không đáp ứng với kích thích.
- Suy hô hấp, thở nhanh hoặc ngừng thở.
- Sốc nhiễm khuẩn: Da lạnh, tím tái, mạch nhanh, huyết áp tụt.
- Ban xuất huyết hoại tử (dấu hiệu của nhiễm não mô cầu).
4.Nguyên nhân gây Viêm màng não
- Vi khuẩn: Não mô cầu, phế cầu, Hib, lao...
- Virus: Enterovirus, HSV, quai bị...
- Nấm hoặc ký sinh trùng thường gặp ở người suy giảm miễn dịch.
5.Chẩn đoán và điều trị
- Xét nghiệm dịch não tủy (chọc dò tủy sống) là tiêu chuẩn vàng.
- Điều trị khẩn cấp: Kháng sinh đường tĩnh mạch (nếu do vi khuẩn), hỗ trợ hô hấp, chống phù não.
Nếu nghi ngờ viêm màng não cần đến bệnh viện ngay vì bệnh có thể diễn tiến nhanh, đe dọa tính mạng hoặc để lại di chứng (điếc, tổn thương não, liệt...).
6.Khuyến cáo về việc quản lý lâm sàng bệnh viêm màng não ở trẻ em và người lớn
Cải thiện việc quản lý lâm sàng bệnh viêm màng não là điều cần thiết để giảm tỷ lệ tử vong và bệnh tật nhằm giảm thiểu các biến chứng và khuyết tật lâu dài, đồng thời cải thiện chất lượng cuộc sống cho các cá nhân và cộng đồng bị ảnh hưởng.
Hướng dẫn mới đưa ra các khuyến nghị dựa trên bằng chứng về việc quản lý lâm sàng cho trẻ em trên một tháng tuổi, thanh thiếu niên và người lớn bị viêm màng não cấp tính mắc phải trong cộng đồng bao gồm chẩn đoán, liệu pháp kháng sinh, điều trị bổ sung, chăm sóc hỗ trợ và quản lý các tác động lâu dài. Do có sự tương đồng về biểu hiện lâm sàng, chẩn đoán và phương pháp quản lý giữa các dạng viêm màng não cấp tính mắc phải trong cộng đồng khác nhau, các hướng dẫn này đề cập đến cả nguyên nhân do vi khuẩn và vi-rút.
Các hướng dẫn đưa ra khuyến nghị cho cả bối cảnh không có dịch và có dịch, trong đó bối cảnh có dịch thay thế các hướng dẫn trước đây của WHO năm 2014, trong đó đề cập đến phản ứng bùng phát bệnh viêm màng não. Do những nơi có nguồn lực hạn chế phải gánh chịu gánh nặng viêm màng não cao nhất nên các hướng dẫn này được xây dựng cụ thể để cung cấp hướng dẫn kỹ thuật phù hợp để triển khai ở các nước có thu nhập thấp và trung bình.
Các hướng dẫn này dành cho các cán bộ, chuyên gia chăm sóc sức khỏe tại các cơ sở y tế bao gồm các dịch vụ cấp cứu, nội trú và ngoại trú, các nhà hoạch định chính sách, nhà hoạch định y tế,...
7. Mục tiêu: Đánh bại bệnh viêm màng não vào năm 2030
Lộ trình toàn cầu Đánh bại bệnh viêm màng não vào năm 2030, được các quốc gia thành viên của WHO thông qua vào năm 2020, nhằm mục đích: loại bỏ các đợt bùng phát bệnh viêm màng não do vi khuẩn, giảm 50% các trường hợp viêm màng não do vi khuẩn có thể phòng ngừa bằng vắc-xin và 70% số ca tử vong, giảm tình trạng khuyết tật và cải thiện chất lượng cuộc sống sau khi mắc bệnh viêm màng não.Để đạt được những mục tiêu này, WHO cho rằng các quốc gia cần có hành động phối hợp trên năm lĩnh vực chính:
1. Chẩn đoán và điều trị:Phát hiện nhanh hơn và quản lý lâm sàng tối ưu.
2. Phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh:Phát triển vắc-xin mới giá cả phải chăng, đạt được tỷ lệ tiêm chủng và độ bao phủ cao, đồng thời cải thiện khả năng chuẩn bị và ứng phó với dịch bệnh.
3. Giám sát dịch bệnh: Tăng cường hệ thống giám sát để hướng dẫn phòng ngừa và kiểm soát.
4. Chăm sóc và hỗ trợ cho những người bị viêm màng não: Đảm bảo phát hiện sớm, cải thiện khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc và hỗ trợ cho các bệnh nhân bị di chứng của viêm màng não.
5. Vận động và tham gia: Tăng cường cam kết chính trị và sự tham gia vào các kế hoạch quốc gia, nâng cao hiểu biết của công chúng về bệnh viêm màng não và nâng cao nhận thức về quyền được phòng ngừa, chăm sóc và các dịch vụ chăm sóc sau đó./.