WHO khởi động Kế hoạch ứng phó với bệnh Đậu mùa khỉ (Mpox)
Hiện nay, một biến thể nguy hiểm của virus Đậu mùa khỉ đã được phát hiện ở ít nhất 06 quốc gia châu Phi, khiến Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng như các cơ quan y tế lục địa phải tuyên bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe, đồng thời khuyến cáo các quốc gia khác cần tiếp tục cảnh giác và phối hợp chặt chẽ để đối phó với tình trạng khẩn cấp này.
Theo Bộ trưởng Y tế Cộng hòa dân chủ Congo Roger Kamba, tính đến ngày 27/8/2024 đã có hơn 17.800 ca nghi mắc bệnh, trong đó có 610 trường hợp tử vong trong đợt bùng phát bệnh Đậu mùa khỉ (Mpox) vừa qua. Hiện Mpox đang lây lan ở Cộng hòa dân chủ Congo và các nước láng giềng với chủng đặc hữu Clade 1 và một biến thể mới được gọi là Clade 1b gây quan ngại toàn cầu do có khả năng dễ lây lan hơn qua tiếp xúc gần. Ngày 14/8/2024, WHO đã ban bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng trên toàn cầu do bệnh Mpox bùng phát ở các nước châu Phi.Mpox là bệnh do virus lây lan qua tiếp xúc gần và thường biểu hiện nhẹ nhưng có thể gây tử vong.
Ngày 26/8/2024, WHO khởi động một chiến dịch toàn cầu mang tên “Kế hoạch Chuẩn bị và Ứng phó Chiến lược toàn cầu” nhằm ngăn chặn các đợt bùng phát lây truyền Mpox từ người sang người thông qua các nỗ lực phối hợp toàn cầu, khu vực và quốc gia.Kế hoạch này sẽ được thực hiện từ tháng 9 năm 2024 đến tháng 2 năm 2025. Bằng những nỗ lực toàn cầu và sự phối hợp các các khu vực và các quốc gia trên thế giới, kế hoạch nhằm tăng cường giám sát và phản ứng chiến lược, đảm bảo mọi người dân trên thế giới được tiếp cận công bằng với chẩn đoán và tiêm vaccine phòng bệnh, giảm lây truyền bệnh từ động vật sang người và tăng cường năng lực kiểm soát dịch bệnh trong cộng đồng.
Kế hoạch sẽ tập trung vào việc thực hiện các chiến lược giám sát, phòng ngừa, sẵn sàng và ứng phó toàn diện; thúc đẩy nghiên cứu và tiếp cận công bằng các biện pháp đối phó y tế như xét nghiệm chẩn đoán và vắc-xin; giảm thiểu lây truyền từ động vật sang người; trao quyền cho cộng đồng để tích cực tham gia vào công tác phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh.
Theo Tiến sĩ Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng giám đốc WHO cho biết: "Các đợt bùng phát bệnh Mpox ở Cộng hòa Dân chủ Congo và các nước láng giềng có thể được kiểm soát và có thể ngăn chặn". "Để làm được như vậy, cần có một kế hoạch hành động toàn diện và phối hợp giữa các cơ quan quốc tế và các đối tác quốc gia và địa phương, xã hội dân sự, các nhà nghiên cứu và nhà sản xuất và các quốc gia thành viên, dựa trên các nguyên tắc về công bằng, đoàn kết toàn cầu, trao quyền cho cộng đồng, nhân quyền và phối hợp giữa các lĩnh vực".