Bệnh Thủy đậu tại Thái Bình giảm mạnh so với cùng kỳ 2021
6 tháng đầu năm 2022, các địa phương trên địa bàn tỉnh Thái Bình ghi nhận 226 ca bệnh Thủy đậu, số ca mắc giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2021. Bệnh xảy ra phần nhiều ở trẻ em, nhưng cũng không ít người lớn mắc bệnh này.
Thủy đậu được coi là bệnh lành tính, tuy nhiên nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời, đúng cách có thể gây nên những biến chứng rất nghiêm trọng (bội nhiễm thứ phát: nhiễm trùng tại những nốt mụn nước, lở loét, tại mủ, có thể để lại sẹo; viêm phổi thủy đậu; viêm màng não, viêm não; viêm cầu thận cấp;...).
Các biện pháp phòng, chống bệnh thủy đậu như sau:
- Bảo vệ cho những người nguy cơ cao nhưng không thể tiêm chủng như: trẻ sơ sinh không có miễn dịch, người suy giảm miễn dịch tránh bị phơi nhiễm bằng cách tiêm chủng. Tiêm chủng bằng vắc xin thủy đậu sống giảm độc lực:
+ Trẻ 12 tháng đến 12 tuổi tiêm 1 liều 0,5ml dưới da;
+ Trẻ 13 tuổi trở lên tiêm 2 liều cách nhau 4-8 tuần.
- Đối với trẻ mắc thủy đậu thì cách ly trong nhà trong vòng 7 ngày. Trẻ tiếp xúc với người bị thủy đậu thì cách ly 11-21 ngày kể từ ngày tiếp xúc. Người lớn mắc bệnh không được đi làm, tránh tiếp xúc với người khác. Sát khuẩn, tẩy uế đồ vật bị nhiễm dịch tiết mũi họng.
- Người mắc thủy đậu cần được điều trị đúng, kịp thời.
Các bác sỹ khuyến cáo, cùng với việc hạn chế tiếp xúc với người bị bệnh Thủy đậu; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, sử dụng các đồ dùng sinh hoạt riêng, vệ sinh mũi họng hàng ngày bằng nước muối sinh lý; vệ sinh nhà cửa, trường học, vật dụng sinh hoạt thì việc tiêm vắc xin phòng, chống bệnh Thủy đậu là biện pháp hữu hiệu, có hiệu quả cao và lâu dài, giúp cơ thể tạo kháng thể chống lại virus Thủy đậu./.