Thực hiện lời kêu gọi “Vệ sinh yêu nước” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 19/6/2012, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 730/QĐ-TTg về việc lấy ngày 02/7 hàng năm là “Ngày vệ sinh yêu nước, nâng cao sức khỏe nhân dân”
Đối với lĩnh vực y tế, Bác Hồ kính yêu đã có nhiều bài nói, bài viết, nhất là về vấn đề vệ sinh phòng bệnh. Bác coi đây là một trong những công việc quan trọng nhất trong sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân, đưa vấn đề vệ sinh phòng bệnh vào Phong trào “Vệ sinh yêu nước”. Ngày 02/7/1958, Bác Hồ đã có bài viết về “Vệ sinh yêu nước” đăng trên báo Nhân dân số 1572, kêu gọi toàn thể người dân tích cực tham gia các hoạt động vệ sinh phòng bệnh. Phong trào này nhằm huy động các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và toàn thể nhân dân hưởng ứng Lời kêu gọi của Bác, tích cực làm tốt hơn nữa công tác vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân,...nhằm bảo vệ sức khoẻ nhân dân.
Thực hiện tư tưởng, quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh và sự chỉ đạo của Đảng, Nhà nước ta về Phong trào “Vệ sinh yêu nước”, những năm qua, ngành Y tế cùng các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và toàn thể nhân dân các tỉnh, thành trong cả nước đã triển khai sâu rộng công tác vệ sinh phòng bệnh đến cộng đồng.
Thực hiện lời kêu gọi “Vệ sinh yêu nước” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 02/7 hàng năm, các cấp, ngành và cộng đồng hãy chung tay thực hiện các nội dung sau: Vệ sinh cá nhân; Vệ sinh môi trường cộng đồng; Vệ sinh an toàn thực phẩm và Vệ sinh trong lao động...
Đối với việc Vệ sinh cá nhân, Vệ sinh môi trường cộng đồng, cần nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi cá nhân của từng người dân có lợi cho sức khoẻ như: Thực hiện tốt và thường xuyên vệ sinh cá nhân, ăn sạch, uống sạch, ở sạch, ăn uống hợp lý, thể dục thể thao và rèn luyện sức khoẻ. Đẩy mạnh thực hiện nội dung “3 sạch”, cụ thể là: Sạch ngõ gắn với vệ sinh môi trường; Sạch nhà gắn với vệ sinh thân thể; Sạch bếp gắn với vệ sinh an toàn thực phẩm. Cải thiện môi trường, thực hiện tốt vệ sinh công cộng, trên các phương tiện phục vụ giao thông công cộng, nơi làm việc, bệnh viện, trường học. Mỗi hộ gia đình phấn đấu xây dựng nhà tắm, nhà tiêu hợp vệ sinh, không tiểu tiện bừa bãi; xây dựng chuồng trại hợp vệ sinh, thu gom, loại bỏ dụng cụ phế thải, xoá bỏ nơi sinh sản của muỗi, vì: Muỗi vằn là trung gian truyền bệnh Sốt xuất huyết và Muỗi Anophen (muỗi đòn sóc )là trung gian truyền bệnh Sốt rét. Mỗi người dân thực hiện xử lý nước thải, thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt, không vứt rác bừa bãi, giữ gìn vệ sinh, cảnh quan môi trường, định kỳ hàng tháng tổ chức tổng vệ sinh đường làng, ngõ xóm, cơ quan, trường học..., tạo thói quen chủ động thực hiện vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh trong nhân dân. Chính quyền địa phương, cơ quan, đơn vị phát động phong trào trồng và chăm sóc cây xanh nơi công cộng, đường làng, trong từng hộ gia đình, tại cơ quan, đơn vị, tạo môi trường xanh, sạch đẹp.
Hiện nay, trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh mùa Hè: Sốt xuất huyết, Tay Chân miệng, Đậu mùa khỉ, Viêm gan lạ và dịch COVID-19 …, mỗi người dân và toàn cộng đồng xã hội chúng ta hãy thường xuyên thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, nhất là Thông điệp V+ 2K để phòng, chống dịch COVID-19 là: Vắc xin +Khẩu Trang + Khử Khuẩn. Tổ chức các hoạt động hưởng ứng phong trào "Vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe nhân dân" nhân ngày 02/7 hàng năm nhằm bảo vệ, nâng cao sức khỏe cho nhân dân.
Thực hiện Lời kêu gọi về Phong trào "Vệ sinh yêu nước" của Bác Hồ là việc làm ý nghĩa hưởng ứng Cuộc vận động "Học tập và làm theo tư tưởng,đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" và phong trào xây dựng nông thôn mới. Mỗi cá nhân hãy là một thành viên tích cực của Phong trào "Vệ sinh yêu nước". Mỗi gia đình, tập thể, cơ quan, đơn vị, địa phương hãy đưa Phong trào "Vệ sinh yêu nước" vào nội dung và tiêu chí các Phong trào thi đua hàng năm một cách thiết thực, hiệu quả ./.