• :
  • :
Trung tâm kiểm soát bệnh tật Thái Bình: Chuyên nghiệp - Tận tâm - Vì cộng đồng
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Điểm báo ngày 13/3/2020

Tập trung triển khai các biện pháp ngăn chặn dịch Covid-19; Kiểm soát chặt chẽ người nhập cảnh Việt Nam; Thủ tướng chỉ thị đẩy mạnh phòng, chống dịch trong tình hình mới;

Tập trung triển khai các biện pháp ngăn chặn dịch Covid-19

Ngày 12-3, Bộ Y tế thông báo xác nhận thêm sáu trường hợp nhiễm Covid-19. Người bệnh thứ 39 là nam, 25 tuổi, cư trú tại phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, làm hướng dẫn viên du lịch có tiếp xúc với người bệnh đã được xác định dương tính Covid-19 thứ 24, hiện đang cách ly, điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư cơ sở 2. Ðây là người bệnh Covid-19 thứ năm của thành phố Hà Nội.

Ngay sau khi xác nhận ca bệnh, Bộ Y tế đề nghị TP Hà Nội chỉ đạo triển khai điều tra người tiếp xúc, xử lý ổ dịch, xử lý khử khuẩn môi trường trong khu vực người bệnh cư trú, cách ly triệt để và theo dõi sát tình hình sức khỏe của tất cả những người tiếp xúc gần với trường hợp bệnh. Truyền thông tại khu vực ổ dịch về các biện pháp chủ động phòng bệnh, các khuyến cáo của ngành y tế và các biện pháp phòng, chống dịch của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch của thành phố...

Trong khi đó, kết quả xét nghiệm của Viện Pa-xtơ Nha Trang đối với 56 mẫu bệnh phẩm do Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Bình Thuận lấy đã có năm mẫu của năm người dương tính với vi-rút SARS-CoV-2.

Theo đó, có ba người bệnh đã tiếp xúc gần với người bệnh thứ 34: người bệnh thứ 40 là nữ, 2 tuổi, quê quán TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận; người bệnh thứ 41 là nam, 59 tuổi, quê quán TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận; người bệnh thứ 42 là nam, 28 tuổi, quê quán TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận; người bệnh thứ 43 là nữ, 47 tuổi, quê quán TP Phan Thiết, Bình Thuận tiếp xúc gần với người bệnh thứ 38 (người bệnh thứ 38 là con dâu của người bệnh thứ 34); người bệnh thứ 44 là nam, 13 tuổi, quê quán huyện HàmThuận Bắc, tỉnh Bình Thuận, tiếp xúc gần với người bệnh thứ 37 (người bệnh thứ 37 là nhân viên của người bệnh thứ 34).

* Nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19, trong ngày 12-2 các ngành, địa phương tập trung triển khai nhiều biện pháp cấp bách. Theo đó, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Ðức Chung có công văn yêu cầu thủ trưởng các đơn vị hạn chế tổ chức các cuộc họp, sự kiện và hoạt động tập trung đông người; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong chỉ đạo điều hành, học tập, khai báo điện tử, kiểm soát dịch bệnh; hướng dẫn, khuyến khích người dân tăng cường sử dụng dịch vụ công trực tuyến; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân không thực hiện nghiêm túc chức trách, nhiệm vụ trong phòng, chống dịch. Sở Y tế khẩn trương chuẩn bị thêm các cơ sở cách ly, ngoài cơ sở cách ly của quân đội, công an; bảo đảm đáp ứng đủ các trang thiết bị, vật tư y tế cho các cơ sở y tế và tại các cơ sở cách ly tập trung. Hướng dẫn các địa phương xây dựng phương án cách ly một tổ dân phố, thôn xóm, xã, phường. UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo chính quyền cơ sở tập trung rà soát phát hiện nhanh nhất các trường hợp nghi nhiễm bệnh để có biện pháp xử lý phù hợp...

* Ngay sau khi xác định người nhiễm Covid-19 thứ 39, sáng 12-3, lực lượng chức năng quận Cầu Giấy đã tiến hành khử khuẩn và theo dõi chặt chẽ diễn biến sức khỏe của người dân sinh sống quanh khu vực; cử người trực 24 giờ trong ngày tại chốt chặn. Hiện phường Dịch Vọng đã cách ly hai hộ gia đình với tổng số năm người và đang theo dõi chặt chẽ diễn biến sức khỏe của người dân sinh sống quanh khu vực. Quận Cầu Giấy đã xác định 20 trường hợp tiếp xúc gần (F1) ca bệnh, 79 người tiếp xúc với người tiếp xúc (F2). Sáng 12-3, người dân sinh sống trong khu vực ngõ 165 phố Cầu Giấy được tiếp nhận đồ ăn sáng và cho biết sẽ chấp hành nghiêm việc cách ly.

* TP Hải Phòng đã quyết định chi hơn 126 tỷ đồng mua sắm ngay trang thiết bị, phương tiện bảo hộ, vật tư tiêu hao, hóa chất, khẩu trang phục vụ cho công tác phòng, chống dịch Covid-19. Ðây là số kinh phí nằm trong tổng số hơn 1.000 tỷ đồng được thành phố dành cho công tác phòng, chống và ứng phó với tình huống có 1.000 người nhiễm Covid-19 trên địa bàn.

* Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Ðiện Biên cho biết, tính đến ngày 12-3, toàn tỉnh Ðiện Biên có 42 người có biểu hiện sốt, ho có liên quan đến yếu tố dịch tễ đi, đến vùng có dịch bệnh. Kết quả xét nghiệm có 35 trường hợp âm tính với vi-rút SARS-CoV-2, bảy trường hợp đang được cách ly, theo dõi. Tỉnh đã thành lập, duy trì 14 đội phản ứng nhanh, 12 đội cấp cứu lưu động phòng, chống dịch bệnh tại các tuyến; tổ chức vệ sinh môi trường, tiêu độc khử trùng tại các trường học, các khu nguy cơ cao, tập trung đông người, khu vực cửa khẩu…

* UBND tỉnh Lạng Sơn vừa có văn bản chỉ đạo tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 qua hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa tại các cửa khẩu. Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai thực hiện tốt các chỉ đạo của trung ương, của tỉnh về công tác phòng, chống dịch Covid-19; chủ động, tích cực tìm các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động xuất, nhập khẩu, nâng cao năng lực thông quan hàng hóa. Ngày 12-3, CDC Lạng Sơn tổ chức tiếp nhận 20 nghìn chiếc khẩu trang kháng khuẩn do Quỹ Thiện Tâm, Tập đoàn Vingroup trao tặng và bàn giao ngay cho phòng giáo dục và đào tạo các huyện Tràng Ðịnh, Văn Lãng, Cao Lộc, Lộc Bình và Ðình Lập, để cấp phát cho học sinh tại các xã khu vực biên giới.

* Sở Y tế Thanh Hóa cho biết, trong tỉnh hiện có ba người bệnh nghi nhiễm vi-rút SARS-CoV-2 đang được điều trị tại các cơ sở y tế và cơ quan chuyên môn theo dõi, hướng dẫn phòng, chống dịch bệnh cho 44 người tiếp xúc với người nghi nghiễm Covid-19. Trong ngày 12-3, có 1.701 người nhập cảnh qua cửa khẩu trên bộ, cảng biển, cảng hàng không ở Thanh Hóa. Ngoài năm người đang được cách ly theo dõi tại bốn bệnh viện tuyến huyện, còn có 1.183 người Thanh Hóa, 80 người nước ngoài được cách ly tại nhà, nơi cư trú và 455 người cách ly tập trung tại hai cơ sở trong tỉnh.

* Rạng sáng 12-3, tám người trên chuyến xe khách từ Hà Nội về Vinh đã được đưa vào khu cách ly tập trung. Ðây là chiếc xe khách có người đàn ông trở về từ vùng dịch Nhật Bản, có triệu chứng của dịch Covid-19. Tính đến ngày 12-3, toàn tỉnh Nghệ An đang có gần 800 người được cách ly, theo dõi, trong đó có 777 trường hợp đang được cách ly tại nhà, nơi cư trú.

* UBND tỉnh Quảng Bình quyết định cho học sinh toàn tỉnh nghỉ học đến hết ngày 22-3 để phòng tránh dịch Covid-19. Theo đó, sau gần hai tuần đến trường thì từ hôm nay, 13-3, hơn 32 nghìn học sinh THPT và học viên giáo dục thường xuyên sẽ nghỉ học đến ngày 22-3. Còn học sinh từ cấp học mầm non, tiểu học, THCS tiếp tục nghỉ học đến hết ngày 22-3.

* CDC tỉnh Quảng Ngãi cho biết, theo kết quả xét nghiệm của Viện Pa-xtơ Nha Trang, ba trường hợp vừa được lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm đều âm tính với Covid-19. Như vậy, cả bảy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm của Quảng Ngãi đều âm tính với Covid-19. Tỉnh đang thực hiện cách ly 14 ngày đối với 73 trường hợp có yếu tố dịch tễ đi, đến vùng có dịch.

* Kết quả xét nghiệm bốn trường hợp nghi nhiễm vi-rút SARS-CoV-2 tại Phú Yên đều âm tính. Sở Y tế Phú Yên đang giám sát chặt chẽ người nước ngoài đến tỉnh và những người có yếu tố nguy cơ nhiễm vi-rút gây bệnh Covid-19. Tỉnh Phú Yên cũng thông báo cho tất cả học sinh tiếp tục nghỉ học.

* Trong ngày 12-3, CDC Bình Thuận phối hợp cùng các địa phương đã rà soát và lập danh sách được 58 người tiếp xúc gần (F1) với những người được xác định mắc Covid-19 thứ 36, 37, 38 và đã đưa vào khu cách ly tập trung tại Trung đoàn 812 tại thị xã La Gi. Tổ chức phun thuốc khử khuẩn, xử lý môi trường tại nhà, cơ quan, khu vực chung quanh nơi cư trú của những trường hợp này. Các cơ quan chức năng phối hợp các địa phương rà soát lập danh sách được hơn 100 trường hợp (F2) tiếp xúc gần với các trường hợp F1 để giám sát hướng dẫn tự cách ly tại nhà.

Cùng ngày, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận ký quyết định cách ly hai tuyến đường thuộc khu phố 2, phường Ðức Thắng, TP Phan Thiết từ 0 giờ hôm nay 13-3 đến hết ngày 3-4 để phòng, chống dịch Covid-19; giao UBND thành phố Phan Thiết tổ chức thực hiện cách ly và các biện pháp giám sát, phòng, chống dịch.

* Sở Y tế Bình Dương cho biết, Viện Pa-xtơ TP Hồ Chí Minh đã có thông báo kết quả xét nghiệm ông B.M., người nước ngoài, ngụ tại TP Thủ Dầu Một (tỉnh Bình Dương), đi từ Ðô-ha (Ca-ta) đến Việt Nam trên cùng chuyến bay với người bệnh thứ 34 ở Bình Thuận, có kết quả xét nghiệm âm tính với Covid-19.

* Sở Y tế tỉnh Vĩnh Long cho biết kết quả xét nghiệm đối với hai trường hợp được cách ly ngày 11-3 do tiếp xúc gần với du khách người Anh đã có kết quả âm tính. Ngày 12-3, Bệnh viện Ða khoa Vĩnh Long tiếp nhận cách ly thêm hai người, trong đó có một người tiếp xúc gần với du khách người Anh đi trên chuyến bay VN0054 dương tính với Covid-19. Ngành y tế tỉnh Vĩnh Long tiến hành phun hóa chất khử khuẩn tại hộ gia đình; truyền thông phòng, chống dịch bệnh cho người thân trong gia đình; giao Trung tâm Y tế TP Vĩnh Long theo dõi, giám sát lấy nhiệt độ của những người tiếp xúc gần với với du khách người Anh và đang cách ly.

* Chủ tịch UBND tỉnh Ðồng Nai ban hành văn bản về việc hỗ trợ tiền ăn cho người bị yêu cầu cách ly và kinh phí cho người tham gia trực tại các chốt, trạm cách ly. Theo đó, hỗ trợ tiền ăn cho người bị cách ly tại cơ sở điều trị, cơ sở cách ly tập trung; người thường trú, tạm trú tại địa phương có dịch bệnh bị kiểm soát ra vào theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền với mức 60 nghìn đồng/người/ngày. Hỗ trợ kinh phí cho người tham gia trực tại các chốt, trạm kiểm dịch ở các đầu mối giao thông ra vào vùng có dịch trên địa bàn tỉnh Ðồng Nai với mức 200 nghìn đồng/người/ngày làm việc thường và 400 nghìn đồng/người/ngày vào các ngày nghỉ, lễ, Tết. Trước đó, UBND tỉnh Ðồng Nai phê duyệt tổng kinh phí hơn 149 tỷ đồng để mua sắm trang thiết bị y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19.

* UBND tỉnh Ðồng Tháp thống nhất cho học sinh tại các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học, THCS, THPT, giáo dục thường xuyên và học viên, sinh viên của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn nghỉ học từ ngày 13 đến 29-3.

* Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam cho biết: Thời gian qua, 43 tổ chức tôn giáo ở Việt Nam và các tổ chức tôn giáo trực thuộc tích cực tham gia phòng, chống dịch Covid-19, với nhiều hoạt động thiết thực ở các cộng đồng và cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng. Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam có công văn yêu cầu Ban Trị sự Giáo hội phật giáo Việt Nam các tỉnh, thành phố tăng cường tuyên truyền đến các chùa, tăng, ni, phật tử và nhân dân về mức độ nguy hiểm, nguy cơ lây nhiễm, bùng phát của dịch bệnh. Các chùa tạm dừng các lễ hội, các khóa tu tập trung đông người đến từ nhiều vùng, nhiều địa phương khác nhau, chỉ tổ chức các khóa lễ cầu nguyện quốc thái dân an thường nhật tại chùa. Nhiều tổ chức tôn giáo khác đã tích cực hỗ trợ vùng dịch Covid-19 khẩu trang, nước rửa tay và Vitamin C; tham gia tuyên truyền về việc phòng, chống lây lan dịch Covid-19; kêu gọi các tín đồ không phát tán trên mạng các thông tin không chính thống về dịch bệnh...

* Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) vừa có chỉ thị về việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách nhằm ứng phó với tác động kép của dịch bệnh Covid-19 và giá dầu sụt giảm. Theo đó, yêu cầu toàn bộ Tập đoàn và các đơn vị thành viên chủ động nắm bắt, cập nhật thông tin thị trường về cung cầu, biến động giá của dầu thô, sản phẩm dầu khí, từ đó xây dựng phương án, kịch bản điều hành cụ thể để ứng phó. Ðối với việc giảm mạnh, sâu của giá dầu từ ngày 9-3 vừa qua, chuẩn bị phương án cho cú sốc ngắn hạn và cho tình huống giá thấp kéo dài. Cần có biện pháp thích hợp, chặt chẽ nhằm giữ gìn và bảo đảm an toàn, tránh tác động lây nhiễm dịch Covid-19 đến các khu vực hoạt động khai thác, các nhà máy vận hành sản xuất để duy trì hoạt động sản xuất liên tục, hiệu quả cao.. (Nhân dân, trang 8).

 

Kiểm soát chặt chẽ người nhập cảnh Việt Nam

Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 thống nhất phải kiểm soát chặt chẽ người nhập cảnh Việt Nam. Theo đó, tất cả các trường hợp người nhập cảnh Việt Nam (kể cả người Việt Nam và người nước ngoài) đều phải khai báo y tế bắt buộc. Nếu khai báo gian dối sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Đối với người nước ngoài, đại diện Bộ Ngoại giao nhấn mạnh công dân nước ngoài nhập cảnh Việt Nam vừa phải tuân thủ quy định của luật pháp quốc tế, vừa phải tuân thủ pháp luật Việt Nam. Do đó, nếu người nước ngoài vào Việt Nam mà khai báo y tế bắt buộc không đúng, theo quy định của Việt Nam về kiểm soát dịch bệnh thì sẽ phải chịu các hình thức xử phạt hành chính, thậm chí trường hợp gây hậu quả lây nhiễm trong cộng đồng sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự.

Về giao thông, để ngăn chặn dịch bệnh từ đường hàng không, các đại biểu cũng thống nhất đối với các hãng hàng không của Việt Nam quy định bắt buộc hành khách phải đeo khẩu trang từ khi ngồi trên máy bay cho đến khi đã vào Việt Nam và làm thủ tục nhập cảnh phải đeo khẩu trang.

Còn đối với các hãng hàng không nước ngoài thì chúng ta phải có khuyến nghị mạnh mẽ. Khi hành khách đã vào cảng hàng không làm thủ tục nhập cảnh thì bắt buộc phải đeo khẩu trang. Các cảng hàng không sẽ phát khẩu trang miễn phí cho hành khách.

Các đại biểu cũng đề xuất các giải pháp quản lý chặt chẽ khách quá cảnh (transit) tại Việt Nam, yêu cầu các cảng hàng không quốc tế bố trí khu riêng phục vụ cho khách quá cảnh (nghỉ ngơi, mua sắm đồ lưu niệm). Trong thời gian chờ bay, hành khách nếu thuộc diện nghi ngờ, tuổi cao có bệnh nền, người có triệu chứng dịch tễ... thì tuyệt đối không được nhập cảnh. Các trường hợp còn lại muốn nhập cảnh thì phải khai báo y tế bắt buộc...

Bên cạnh đó, Bộ Giao thông Vận tải khuyến nghị lái xe các phương tiện giao thông công cộng (đặc biệt là lái xe taxi) phải đeo khẩu trang, yêu cầu hành khách cũng phải đeo khẩu trang... (Sức khỏe & Đời sống, trang 3).

 

Thủ tướng chỉ thị đẩy mạnh phòng, chống dịch trong tình hình mới

Trước diễn biến mới của dịch bệnh, để giảm thiểu tối đa lây lan, sẵn sàng, chủ động ngăn chặn, ứng phó với dịch bệnh trên diện rộng, bảo vệ tốt nhất cho sức khỏe, tính mạng của nhân dân, Thủ tướng Chính phủ chỉ thị các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm, quyết liệt các chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng tại Công văn số 79-CV/TW ngày 30/1/2020, Điện của Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng ngày 7/3/2020, các Chỉ thị số 05, 06, 10, 11 của Thủ tướng Chính phủ và các Công điện số 121, 156 và các văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; chuẩn bị tốt nhất, sẵn sàng cho mọi tình huống; tiếp tục quán triệt tinh thần “chống dịch như chống giặc”, sẵn sàng hy sinh lợi ích kinh tế để bảo vệ tốt nhất sức khỏe và tính mạng của nhân dân. (Sức khỏe & Đời sống, trang 2).

 

Bác thông tin "giảm kiểm soát để virus lan truyền tự nhiên nhằm tạo miễn dịch nhanh trong cộng đồng"

Thứ trưởng thường trực Nguyễn Thanh Long là người đại diện ngành y tế tham gia hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai nhiệm vụ tăng cường công tác phòng chống dịch Covid-19 tại Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam chiều 11/3.

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long chính thức bác bỏ thông tin rộ lên vài ngày qua về việc giảm can thiệp, kiểm soát để virus lan truyền tự nhiên nhằm tạo miễn dịch nhanh trong cộng đồng. Việt Nam không thể làm như thế vì tiềm lực không đủ để ứng phó khi số người nhiễm bệnh tăng cao. Đặc biệt, với nhóm người sức khỏe yếu, người cao tuổi cũng không thể đủ sức chống đỡ khi Việt Nam không có nhiều viện dưỡng lão, gia đình nào cũng có người già, người trẻ cùng chung sống. (Sức khỏe & Đời sống, trang 3).

 

Thêm 5 ca nhiễm Covid-19, bệnh nhân số 34 đã lây cho 6 người

Trong 5 bệnh nhân nhiễm Covid-19 vừa được Bộ Y tế công bố chiều nay, có 1 cháu bé mới 2 tuổi, tất cả đều có liên quan tới bệnh nhân số 34 ở Bình Thuận.

17h50 chiều ngày 12-3, Bộ Y tế công bố có thêm 5 bệnh nhân nhiễm Covid-19, nâng tổng số ca mắc tại Việt Nam lên 44 trường hợp.

Cụ thể, trong ngày 12-3, Viện Pasteur Nha Trang nhận 56 mẫu bệnh phẩm do Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Bình Thuận thu tập từ 56 trường hợp tiếp xúc gần với các trường hợp tiếp xúc gần đối với những bệnh nhân mắc Covid-19 tại tỉnh này (đã được công bố trong các ngày 10 và 11-3).

Kết quả xét nghiệm cho thấy có 5 mẫu của bệnh nhân dương tính với SARS-CoV-2 (virus gây bệnh Covid-19). Đây cũng là các bệnh nhân số 40, 41, 42, 43 và 44 ở nước ta.

Bệnh nhân thứ 40 là một bé gái 2 tuổi, ở thành phố Phan Thiết (tỉnh Bình Thuận), có tiếp gần với bệnh nhân số bệnh nhân số 34.

Bệnh nhân số 41 là nam, 59 tuổi, ở thành phố Phan Thiết (tỉnh Bình Thuận), có tiếp xúc gần với bệnh nhân số 34.

Bệnh nhân số 42 là nam, 28 tuổi, ở thành phố Phan Thiết (tỉnh Bình Thuận), có tiếp xúc gần với bệnh nhân số 34.

Bệnh nhân số 43 là nữ, 47 tuổi, ở thành phố Phan Thiết (tỉnh Bình Thuận), có tiếp xúc gần với bệnh nhân số 38 - tức ca bệnh là con dâu của bệnh nhân 34.

Bệnh nhân số 44 là nam, 13 tuổi, ở huyện Hàm Thuận Bắc (tỉnh Bình Thuận), tiếp xúc gần với bệnh nhân số 37 – tức ca bệnh là nhân viên của bệnh nhân số 34.

Như Báo ANTĐ đã đưa tin trước đó, chiều 10-3, Bộ Y tế công bố bệnh nhân thứ 34 nhiễm Covid-19 tại Việt Nam. Trường hợp này là một phụ nữ 51 tuổi, ở Bình Thuận, bay từ Việt Nam sang New York (Mỹ) hôm 22-2, quá cảnh tại sân bay Incheon (Hàn Quốc).

Ngày 29-2, người này bay từ Washington (Mỹ) về Việt Nam, quá cảnh tại sân bay quốc tế Doha (Quatar), nhập cảnh tại sân bay Tân Sơn Nhất sáng 2-3.

Chỉ 1 ngày sau, đã có 3 người tiếp xúc với bệnh nhân số 34 này gồm con dâu, người giúp việc và nhân viên của bệnh nhân được xác định nhiễm Covid-19.

Như vậy, đến thời điểm này tại Bình Thuận đã có 9 bệnh nhân nhiễm Covid-19, tất cả đều có liên quan đến ca bệnh số 34, trong đó 6 người có tiếp xúc gần với bệnh nhân số 34. (An ninh thủ đô, trang 6; Tuổi trẻ, trang 4).

 

Chống COVID-19: Kiên quyết truy tìm và thực hiện cách ly

Sáng 11-3, Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh COVID-19 đã họp triển khai các biện pháp phòng, chống dịch. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban chỉ đạo, chủ trì cuộc họp.

Bắt buộc hành khách phải đeo khẩu trang từ đầu chuyến bay 

Tại cuộc họp này, các thành viên thống nhất phải kiểm soát chặt chẽ người nhập cảnh vào Việt Nam (VN). Theo đó, mọi trường hợp nhập cảnh vào VN, bao gồm cả người VN từ nước ngoài trở về đều phải khai báo y tế bắt buộc. Nếu khai báo gian dối sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Đại diện Bộ Ngoại giao nhấn mạnh công dân nước ngoài nhập cảnh vào VN vừa phải tuân thủ quy định của luật pháp quốc tế, vừa phải tuân thủ pháp luật VN. Do đó, nếu người nước ngoài vào VN mà không tuân thủ yêu cầu khai báo y tế thì theo quy định của VN về kiểm soát dịch bệnh, họ sẽ phải chịu các hình thức xử phạt, kể cả hình sự.

Để ngăn chặn dịch bệnh từ đường hàng không, các hãng hàng không Việt cần quy định bắt buộc hành khách phải đeo khẩu trang ngay từ đầu, trong suốt quá trình bay. Khi làm thủ tục nhập cảnh ở các cảng hàng không, khách bay cũng phải đeo khẩu trang.

Đối với các hãng hàng không nước ngoài, VN cần có khuyến nghị mạnh mẽ. Khi hành khách đã vào cảng hàng không làm thủ tục nhập cảnh thì bắt buộc phải đeo khẩu trang. Các cảng hàng không sẽ phát khẩu trang miễn phí cho hành khách.

Các thành viên ban chỉ đạo cũng đề xuất các giải pháp quản lý chặt chẽ khách quá cảnh, yêu cầu các cảng hàng không quốc tế bố trí khu riêng phục vụ cho đối tượng này trong thời gian nghỉ ngơi, mua sắm đồ lưu niệm. Trong lúc chờ bay thì không cho nhập cảnh với khách nếu thuộc diện nghi ngờ, tuổi cao có bệnh nền, người có triệu chứng dịch tễ… Các trường hợp còn lại muốn nhập cảnh thì phải khai báo y tế bắt buộc…

Ngoài ra, Bộ GTVT khuyến nghị tài xế các phương tiện giao thông công cộng, đặc biệt là tài xế taxi, phải đeo khẩu trang và yêu cầu hành khách đeo khẩu trang…

Kiên quyết thực hiện cách ly tập trung

Ban chỉ đạo thống nhất tiếp tục kiên định thực hiện cách ly tập trung 14 ngày và đề nghị cơ quan chức năng hướng dẫn, tập huấn cụ thể cho các địa phương về giảm mật độ cách ly, công tác tổ chức cách ly tại cộng đồng.

Đến nay, Bộ Y tế đã có văn bản hướng dẫn về giảm mật độ cách ly. Theo đó, người đang cách ly tập trung, sau ba ngày mà xét nghiệm âm tính thì có thể chuyển về cách ly tại cộng đồng, giám sát chặt chẽ, đồng thời tiến hành lập hồ sơ sức khỏe điện tử. Cấp ủy, chính quyền địa phương có trách nhiệm chỉ đạo kiểm tra, giám sát...

Tại Hậu Giang, hàng loạt cán bộ đang phải cách ly ở nhà vì COVID-19. Cụ thể, bà ĐTBP (một lãnh đạo Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam tỉnh Hậu Giang) đang cách ly tại nhà vì người này đi dự một hội nghị ở Hà Nội về. Cùng đó, một phó chủ tịch UBND tỉnh và phó giám đốc Sở KH&ĐT tỉnh này cùng 12 người khác cũng đang cách ly tại nhà.

Chiều cùng ngày, lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Long An cho biết Khoa nhiễm BV đa khoa tỉnh Long An vừa cách ly tập trung một thanh niên 23 tuổi từ Nhật Bản trở về. Người được cách ly là anh BQT (23 tuổi, ngụ huyện Tân Thạnh, Long An, nghề nghiệp là công nhân). Trước đó, vào ngày 6-3, anh T. nhập cảnh bằng đường hàng không trên chuyến bay VN321 từ Osaka Kansai (Nhật Bản) xuống sân bay Tân Sơn Nhất, TP.HCM.

Cũng trong chiều 11-3, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM ra thông báo tìm khẩn cấp hành khách người Anh có tiếp xúc gần với ca dương tính COVID-19 trên chuyến bay VN0054.

Tối cùng ngày, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật và Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế TP.HCM xác nhận hành khách này đã về nước.

Tạm dừng miễn thị thực đối với công dân tám nước châu Âu

Trước những diễn biến ngày càng phức tạp, lây lan nhanh và trên diện rộng của dịch COVID-19 trên toàn thế giới, để tăng cường phòng, chống không để dịch bệnh lan rộng trong cộng đồng, chính phủ VN quyết định tạm dừng thực hiện chính sách miễn thị thực đơn phương đối với công dân các nước Đan Mạch, Na Uy, Phần Lan, Thụy Điển, Anh, Đức, Pháp và Tây Ban Nha, áp dụng từ 0 giờ 0 phút  ngày 12-3.

VN đã thông báo quyết định này cho các quốc gia nói trên và sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các nước, các tổ chức và đối tác quốc tế trong việc phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh.

Trước đó, từ 0 giờ ngày 3-3, VN đã tạm ngừng miễn thị thực cho công dân Ý và tạm dừng việc đơn phương miễn thị thực đối với công dân Hàn Quốc bắt đầu từ 0 giờ ngày 29-2. Đây là những biện pháp tạm thời nhằm phòng, chống, ngăn chặn sự bùng phát, lây lan dịch bệnh trong cộng đồng, bảo đảm an toàn, sức khỏe cho người dân. (Pháp luật TP.HCM ngày 12.3, trang 12).

 

Thêm ứng dụng khai báo y tế toàn dân

Hôm qua (12/3), ứng dụng khai báo y tế toàn dân NCOVI do VNPT phát triển đã xuất hiện trên chợ ứng dụng Google Play, dành cho những người dùng điện thoại hệ điều hành Android. Ứng dụng cũng được gửi lên App Store cho người dùng iPhone và sẽ sớm được phê duyệt.

Theo đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông, sau 48 giờ đưa lên hai chợ ứng dụng lớn nhất là Google Play và App Store, ứng dụng sẽ được phê duyệt. Bộ cũng làm việc trực tiếp với hai chợ ứng dụng để đẩy nhanh việc phê duyệt nhằm đáp ứng nhu cầu phòng dịch cấp bách.

Theo tìm hiểu đến sáng nay, ứng dụng NCOVI do VNPT phát triển đã có trên Google Play. Người dùng có thể tải về ở đường links sau: https://play.google.com/store/apps/details?id=com.vnptit.innovation.ncovi](https://l.messenger.com/l.php?u=https%3A%2F%2Fplay.google.com%2Fstore%2Fapps%2Fdetails%3Fid%3Dcom.vnptit.innovation.ncovi&h=AT3_Bp3Mj10NSkcK3KY5lzSRoa-VTkYGWbaO_blZ65EM1QimvqvI20nClZX2znyaeYA3ZhHJSZANmG6QpWCXgVJZMnZpqPBE_yNrP9XEElpgI_nmF3JFm0F8nCnRMnb0hw).

Ứng dụng cũng được đưa lên App Store từ hôm qua, đang chờ chợ ứng dụng này phê duyệt.

Ngoài ra ứng dụng dành cho khách nhập cảnh vào Việt Nam đã được đưa lên cả hai chợ ứng dụng là App Store và Google Play.

Ứng dụng NCOVI gồm nhiều chức năng như khai báo yếu tố nguy cơ, áp dụng với những người đi từ vùng dịch, đã tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ nhiễm bệnh. Chức năng khai báo y tế toàn dân cho phép người dân đăng ký thông tin sức khỏe bản thân và người thân trong gia đình với cơ quan y tế. Thông tin này sẽ được bảo mật và quản lý chặt chẽ, chỉ được sử dụng vào mục đích hỗ trợ cộng đồng. (Tiền phong, trang 6).


Nguồn:Trung tâm TT - GDSK TW Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 2 trong 2 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
CHUYÊN MỤC
LIÊN KẾT WEB