• :
  • :
Trung tâm kiểm soát bệnh tật Thái Bình: Chuyên nghiệp - Tận tâm - Vì cộng đồng
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tuyên truyền, ngăn chặn hoạt động mua/bán tài khoản của học sinh, sinh viên và triển khai các giải pháp an toàn, bảo mật trong thanh toán trực tuyến và thanh toán thẻ ngân hàng

Hiện nay, tình hình an ninh mạng trên thế giới và tại Việt Nam diễn ra ngày càng phức tạp với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi, tội phạm sử dụng không gian mạng để lừa đảo chiếm đoạt tài sản gia tăng. Đặc biệt, thời gian vừa qua, trên địa bàn một số tỉnh, thành phố có xuất hiện tình trạng các đối tượng tội phạm dụ dỗ học sinh, sinh viên (HS, SV) mở tài khoản thanh toán sau đó chuyển lại cho các đối tượng này sử dụng vào các mục đích vi phạm pháp luật như rửa tiền, trốn thuế, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tài trợ khủng bố. Để đảm bảo việc mở, sử dụng tài khoản thanh toán đúng quy định của pháp luật, bảo đảm an toàn, nâng cao tính bảo mật trong thanh toán trực tuyến, ngày 02/7/2024, Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh tỉnh Thái Bình ban hành Công văn số 421/THB-THKT về việc phối hợp tuyên truyền, ngăn chặn hoạt động mua/bán tài khoản của học sinh, sinh viên và triển khai các giải pháp an toàn, bảo mật trong thanh toán trực tuyến và thanh toán thẻ ngân hàng. Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh tỉnh Thái Bình thông tin đến các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh một số nội dung sau: 

ĐỐI VỚI VIỆC MỞ, SỬ DỤNG TÀI KHOẢN THANH TOÁN

1. Phương thức thủ đoạn

Đối tượng tội phạm lôi kéo, dụ dỗ HS, SV đã được cấp Căn cước công dân mở tài khoản thanh toán và trả công cho người mở. Đối tượng cung cấp cho HS, SV điện thoại có sẵn sim để đăng ký mở tài khoản thanh toán và dịch vụ Internet Banking, SMS Banking. Sau đó, đối tượng yêu cầu HS, SV trả lại điện thoại, cung cấp thông tin tên, mật khẩu đăng nhập, mật khẩu xác thực (OTP). Các đối tượng này cũng thu thập dữ liệu sinh trắc học (khuôn mặt) của HS, SV (Face ID) để phục vụ xác minh danh tính của khách hàng khi có yêu cầu. Các tài khoản này sau đó thường được lợi dụng vào các mục đích vi phạm pháp luật.

2. Quy định của pháp luật hiện hành về các hành vi bị cấm trong mở và sử dụng tài khoản thanh toán

- Khoản 3,5, Điều 8, Nghị định số 52/2024/NĐ-CP ngày 15/5/2024 (Nghị định số 52) của Chính phủ quy định về thanh toán không dùng tiền mặt cụ thể:

“3. Cung cấp không trung thực thông tin có liên quan đến việc cung ứng hoặc sử dụng dịch vụ thanh toán, dịch vụ trung gian thanh toán;

5. Mở hoặc duy trì tài khoản thanh toán, ví điện tử nặc danh, mạo danh; mua, bán, thuê, cho thuê, mượn, cho mượn tài khoản thanh toán, ví điện tử; thuê, cho thuê, mua, bán, mở hộ thẻ ngân hàng (trừ trường hợp thẻ trả trước vô danh); lấy cắp, thông đồng để lấy cắp, mua, bán thông tin tài khoản thanh toán, thông tin thẻ ngân hàng, thông tin ví điện tử.”

- Điểm h, khoản ,2 Điều 5, Thông tư 23/2014/TT-NHNN ngày 19/8/2014 (Thông tư 23) của NHNN Việt Nam về hướng dẫn việc mở và sử dụng tài khoản thanh toán tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, cụ thể:

"Chủ tài khoản thanh toán không được cho thuê, cho mượn tài khoản thanh toán của mình."

3. Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong mở và sử dụng tài khoản thanh toán

Các hành vi vi phạm nêu tại mục 2 sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định tại khoản 5,6, Điều 26, Nghị định 88/2019/NĐ-CP ngày 14/11/2019 của Chính phủ (đã được sửa đổi, bổ sung bởi điểm c, khoản 15, Điều 1, Nghị định số 143/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021) quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng, cụ thể:

"5. Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây: Thuê, cho thuê, mượn, cho mượn tài khoản thanh toán, mua, bán thông tin tài khoản thanh toán với số lượng từ 01 tài khoản thanh toán đến dưới 10 tài khoản thanh toán mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

6. Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây: Thuê, cho thuê, mượn, cho mượn tài khoản thanh toán, mua, bán thông tin tài khoản thanh toán với ố lượng từ 10 tài khoản thanh toán trở lên mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự."

II. ĐỐI VỚI TRIỂN KHAI CÁC GIẢI PHÁP AN TOÀN, BẢO MẬT TRONG THANH TOÁN TRỰC TUYẾN VÀ THANH TOÁN THẺ NGÂN HÀNG

Theo Quyết định số 2345/QĐ-NHNN ngày 18/12/2023 của Thống đốc NHNN (Quyết định 2345) về triển khai các giải pháp an toàn, bảo mật trong thanh toán trực tuyến và thanh toán thẻ ngân hàng (có hiệu lực từ ngày 01/7/2024), các giao dịch điện tử của cá nhân có giá trị trên 10 triệu đồng hoặc tổng giá trị thanh toán trong ngày vượt 20 triệu đồng phải áp dụng một trong các biện pháp xác thực sinh trắc học. Mục đích ban hành Quyết định 2345 là để hướng tới bảo đảm người giao dịch ngân hàng trực tuyến là chính chủ nhằm bảo vệ khách hàng, góp phần giảm thiểu tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản của khách hàng, cũng như phòng ngừa những vụ việc cho thuê, mượn, mua bán tài khoản thanh toán, ví điện tử sử dụng cho mục đích bất hợp pháp.

Về bản chất của các giải pháp quy định tại Quyết định số 2345 là kiểm tra thông tin người mở tài khoản khớp với thông tin trên căn cước công dân (CCCD) do Bộ Công an cấp hoặc thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, loại bỏ tài khoản giả, không chính chủ, không hợp pháp. Qua đó, tổ chức tín dụng sẽ nhận biết, xác minh chính xác khách hàng trong quá trình thực hiện giao dịch thanh toán.

*Các giải pháp công nghệ chính quy định tại Quyết định 2345

Thứ nhất, từ 01/7/2024, tất cả các ngân hàng, trung gian thanh toán sẽ phải áp dụng một chính sách chung đối với khách hàng cá nhân khi giao dịch trên 10 triệu đồng hoặc tổng giao dịch trong ngày trên 20 triệu đồng là phải kiểm tra dấu hiệu sinh trắc học (khuôn mặt) của người thực hiện giao dịch đúng với khuôn mặt của chủ tài khoản đã được kiểm tra với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư hoặc trong CCCD gắn chip điện tử do Bộ Công an cấp.

Thứ hai, trước khi khách hàng cá nhân thực hiện giao dịch lần đầu bằng ứng dụng Mobile Banking hoặc trước khi thực hiện giao dịch trên thiết bị khác với thiết bị thực hiện giao dịch Mobile Banking lần gần nhất thì khách hàng bắt buộc phải xác thực lại dấu hiệu nhận dạng sinh trắc học.

* Với khách hàng chưa có CCCD gắn chíp hoặc sử dụng điện thoại không hỗ trợ NFC thì cần phải làm gì?

Đối với những khách hàng chưa có CCCD gắn chíp (có CCCD hoặc CMND còn thời hạn hiệu lực theo quy định của pháp luật) hoặc khách hàng là người nước ngoài hoặc khách hàng sử dụng điện thoại không hỗ trợ NFC, để thực hiện giao dịch trực tuyến trên 10 triệu đồng, khách hàng chỉ phải thực hiện đăng ký 01 lần duy nhất thông tin sinh trắc học tại quầy với ngân hàng, sau đó khách hàng có thể thực hiện giao dịch thông qua ứng dụng Mobile Banking/ Internet Banking, không phải ra quầy.

Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Thái Bình đề nghị Quý Cơ quan phối hợp thông tin đến các tổ chức, cá nhân, HS, SV, người chưa thành niên, phụ huynh… thuộc địa bàn, lĩnh vực quản lý về phương thức thủ đoạn của đối tượng tội phạm, các hành vi bị cấm trong mở và sử dụng tài khoản thanh toán và quy định xử phạt vi phạm hành chính, các giải pháp an toàn, bảo mật trong thanh toán và quy định xử phạt vi phạm hành chính, các giải pháp an toàn, bảo mật trong thanh toán trực tuyến và thẻ ngân hàng, để nắm bắt nâng cao nhận thức, tuân thủ pháp luật, không để bị lợi dụng cho các mục đích bất hợp pháp, cũng như bảo vệ an toàn trong thanh toán trực tuyến và thanh toán thẻ ngân hàng của chính bản thân mình.


Tác giả: Bs Trần Hương
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
CHUYÊN MỤC
LIÊN KẾT WEB