Gia tăng tỷ lệ mắc COVID-19 ở trẻ em
Thời gian qua, nhiều quốc gia tại Đông Nam Á ghi nhận hàng chục nghìn ca nhiễm COVID-19 mới mỗi ngày, tỷ lệ tử vong tiếp tục gia tăng. Điều đáng nói là số trẻ em tử vong do mắc COVID-19 tại nhiều quốc gia khá cao. Đây cũng là hồi chuông báo động để các bậc phụ huynh nâng cao cảnh giác, tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cho trẻ.
Theo thông tin từ Sở Y tế Hà Nội, số trẻ em mắc COVID-19 tại Hà Nội trong đợt dịch này cũng đang có dấu hiệu gia tăng đáng kể, có khoảng 5% tổng số ca mắc COVID-19 ở Hà Nội là trẻ từ 0-5 tuổi. Tỷ lệ này khá cao so với những đợt dịch trước ở nước ta. Hầu hết trẻ mắc đều do lây nhiễm trong hộ gia đình, tuy nhiên, cũng có thể do biến chủng Delta dễ lây nhiễm cho trẻ em. Điều may mắn là hầu hết trẻ mắc COVID-19 đều thuộc nhóm không có triệu chứng hoặc ở thể nhẹ.
Tại Thái Bình, trong 27 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 hiện đang cách ly, điều trị tại khoa Truyền nhiễm - Bệnh viện Đa khoa tỉnh có 12 trường hợp là trẻ em, trong đó có một bé trai gần 02 tháng tuổi ở huyện Tiền Hải bị lây bệnh từ bố mẹ và 06 trẻ em dưới 05 tuổi. Tất cả trở về từ Thành Phố Hồ Chí Minh cùng gia đìnhtrên chuyến xe tự phát trong những ngày đầu tháng 8 vừa qua.
Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, khó lường như hiện nay, với nhiều biến thể và tốc độ lây lan nhanh, các bác sỹ chuyên khoa nhi đưa ra 08 khuyến cáo để các gia đình bảo vệ con em mình trong mùa dịch COVID-19 như sau:
1. Theo đó, đối với những trẻ có bệnh nền, các chuyên gia khuyến cáo cha mẹ cần giữ gìn vệ sinh cá nhân cho trẻ: rửa tay thường xuyên dưới vòi nước chảy bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn ít nhất 20 giây; súc miệng, họng bằng nước súc miệng của trẻ em, tránh đưa tay lên mắt, mũi, miệng để phòng lây nhiễm bệnh, vệ sinh môi trường và tiêm phòng đầy đủ.
2. Bố mẹ và gia đình cũng cần hạn chế để trẻ tiếp xúc nơi đông người, hạn chế việc tiếp xúc trực tiếp với người có dấu hiệu viêm đường hô hấp cấp tính (sốt, ho, khó thở); Trong trường hợp phải đi đến các nơi tập trung đông người phải đeo khẩu trang y tế đúng cách, giữ khoảng cách khi tiếp xúc.
3. Bố mẹ và gia đình cần hướng dẫn trẻ cần che miệng và mũi cho trẻ khi trẻ ho hoặc hắt hơi để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp. Không khạc nhổ bừa bãi nơi công cộng.
4. Đảm bảo an toàn thực phẩm, chỉ sử dụng các thực phẩm đã được nấu chín.
5. Giữ ấm cơ thể cho trẻ, tăng cường sức khỏe bằng cho trẻ ăn uống, nghỉ ngơi, học tập phù hợp.
6. Rửa tay bằng nước sạch và xà phòng sau khi tiếp xúc động vật nuôi như chó, mèo.Hướng dẫn trẻ rửa tay bằng xà phòng dưới vòi nước sạch.
7. Tăng cường thông khí khu vực nhà ở bằng cách mở các cửa ra vào và cửa sổ, hạn chế sử dụng điều hòa. Thường xuyên lau nền nhà, tay nắm cửa và bề mặt các đồ vật trong nhà bằng xà phòng và các dung dịch khử khuẩn thông thường khác.
8. Khi trẻ có các biểu hiện sốt, ho, khó thở… gia đình cần thông báo ngay cho cơ quan y tế khi có các biểu hiện kể trên. Đồng thời thông tin về các biểu hiện và lịch trình đã di chuyển trong thời gian gần đây để có biện pháp hướng dẫn, hỗ trợ đúng, kịp thời.
Khi gia đình có trẻ gặp các vấn đề về sức khỏe, cần đến cơ sở y tế gần nhất để được cán bộ y tế khám và đưa ra hướng tư vấn, điều trị phù hợp.
Ngoài ra, theo các chuyên gia y tế, tiêm vắc xin là biện pháp quan trọng để kiểm soát đại dịch. Hiện chưa có có chỉ định tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ nhỏ nhưng tiêm vắc xin cho người lớn trong gia đình có trẻ nhỏ giúp hạn chế sự lây truyền, đồng thời giúp bảo vệ những người không đủ điều kiện tiêm chủng, đặc biệt là trẻ em. Cần đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ các loại vắc xin khác theo đúng lịch quy định của Bộ Y tế để tăng cường hệ miễn dịch cho trẻ./.