• :
  • :
Trung tâm kiểm soát bệnh tật Thái Bình: Chuyên nghiệp - Tận tâm - Vì cộng đồng
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hướng dẫn sử dụng vắc xin AstraZeneca phòng COVID-19

1.Nguồn gốc vắc xin AstraZeneca phòng COVID-19

 Vắc xin phòng COVID-19 được phát triển bởi sự cộng tác của Hãng dược AstraZeneca và Đại học Oxford (Vương quốc Anh). AstraZeneca là công ty dược phẩm sinh học toàn cầu tập trung phát minh, phát triển các loại thuốc đặc trị trong các lĩnh vực: ung thư, tim mạch, thận & chuyển hóa và hô hấp & miễn dịch. Trụ sở của AstraZeneca được đặt tại Anh, hoạt động trên 100 quốc gia. Các loại thuốc của hãng này hiện đang được sử dụng trên toàn thế giới.

Tại Việt Nam, Hãng dược AstraZeneca đã đi vào hoạt động kể từ năm 1994, với mục tiêu nâng cao sức khỏe cho người dân và hoạt động kinh doanh bền vững. Hãng dược AstraZeneca còn bào chế vắc xin ngừa SARS và MERS.

Theo hãng Reuters, Giám đốc Điều hành của hãng AstraZeneca – Pascal Soriot cho biết đã ký kết thỏa thuận cung cấp 400 triệu liều vắc xin cho châu Âu và dự kiến giao trước cuối năm 2020. Trước đó, Đức, Pháp, Ý và Hà Lan cũng đã ký hợp đồng nguyên tắc với AstraZeneca nhằm cung cấp ít nhất 300 triệu liều vắc xin ngừa COVID-19 cho các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU).

2.Hạn sử dụng của vắc xin AstraZeneca

Vắc xin phòng COVID-19 do của Hãng dược AstraZeneca và Đại học Oxford (Vương quốc Anh) sản xuất có dạng dung dịch, đóng 10 liều/lọ, thời hạn sử dụng 6 tháng kể từ ngày sản xuất.

3.Bảo quản vắc xin phòng COVID-19 của AstraZeneca

Trong quá trình sản xuất, lưu trữ và vận chuyển vắc xin, bảo quản là công đoạn đặc biệt quan trọng để đảm bảo chất lượng vắc xin khi đến tay người dùng.

Vắc xin AstraZeneca phòng COVID-19 có quy trình bảo quản ở mức nhiệt độ 2-8oC trong điều kiện bảo quản lạnh thông thường với thời gian trong vòng 6 tháng.Khi đã mở lọ, vắc xin phải được sử dụng trong vòng 6 giờ. Bảo quản tránh tiếp xúc trực tiếp dưới ánh sáng mặt trời.

4. Lịch tiêm chủng: Lịch tiêm gồm 2 mũi, mũi 2 cách mũi 1 từ 4-12 tuần.

5.Liều lượng, đường tiêm: 0,5ml, tiêm bắp.

6.Chỉ định, chống chỉ định tiêm vắc xin AstraZeneca phòng COVID-19

6.1. Chỉ định tiêm

     Vắc xin phòng COVID-19 của AstraZeneca được chỉ định tiêm cho người lớn từ 18 tuổi trở lên để tạo miễn dịch chủ động phòng bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus SARS-CoV-2 gây ra.

    6.2. Trì hoãn tiêm chủng

  • Người có tiền sử đã mắc COVID-19 trong vòng 6 tháng;
  • Người đang mắc bệnh cấp tính;
  • Phụ nữ mang thai dưới 13 tuần.

 

   6.3. Chống chỉ định tiêm

  • Tiền sử phản vệ với vắc xin phòng COVID-19 cùng loại (lần trước);
  • Có bất cứ chống chỉ định nào theo công bố của nhà sản xuất.

   7. Một số tác dụng phụ khi tiêm phòng vắc xin AstraZeneca

   Sau tiêm chủng vắc xin AstraZeneca phòng COVID-19 có thể gặp một số phản ứng phụ phổ biến như:

  • Phản ứng tại chỗ tiêm: Nổi ban đỏ, chai cứng, sưng, ngứa, đỏ, đau tại chỗ tiêm.
  • Một số phản ứng toàn thân khác: Sốt, mệt mỏi, ớn lạnh, đau đầu, đau cơ hoặc đau khớp, buồn ngủ, giảm cảm giác thèm ăn, nôn mửa, tiêu chảy.
  • Tiêm vắc xin Astrazeneca bị đông máu sau khi tiêm

     Theo nghiên cứu từ Đức và Na Uy cho biết, ở một số người có đặc điểm sinh học hiếm gặp, vắc xin AstraZeneca tạo nên kháng thể bất thường gây đông máu. Tình trạng này được các nhà khoa học gọi là hiện tượng “giảm tiểu cầu huyết khối miễn dịch do vắc xin” (VITT).Đây là kết quả nghiên cứu được xuất bản trên Tạp chí Y học New England ngày 09/4/2021, do một số người có đặc điểm sinh học cực kỳ hiếm gặp, khiến hệ thống miễn dịch tạo ra kháng thể bất thường và phản ứng ngược lại với vắc xin.Các kháng thể bất thường dẫn đến tình trạng giảm tiểu cầu huyết khối, gây nên tình trạng đông và chảy máu bất thường.

  • Tiêm vắc xin AstraZeneca bị tiêu chảy

     Không riêng vắc xin COVID-19, tất cả các loại vắc xin đều có thể gây ra một số phản ứng sau tiêm, đa số các trường hợp thường là nhẹ. Ngoài một số tác dụng phụ thường gặp sau tiêm vắc xin COVID-19 như: sưng, đau tại vị trí tiêm, sốt nhẹ, đau đầu thì hiếm gặp hơn là đau bụng, tiêu chảy, nôn,…Nếu có biểu hiện đau bụng, tiêu chảy, nôn…xảy ra ngay sau khi tiêm, người được tiêm chủng cần thông báo ngay cho cán bộ y tế để xử trí kịp thời. Có thể có trường hợp có phản ứng muộn trong 28 ngày sau tiêm, cần liên hệ ngay với cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu, điều trị.

8. Địa chỉ tiêm phòng vắc xin AstraZeneca phòng COVID-19

Tại tỉnh Thái Bình, việc thực hiện tiêm vắc xin AstraZeneca được thực hiện tại các điểm tiêm chủng trong toàn tỉnh là: Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, các Bệnh viện Đa khoa và chuyên khoa tuyến tỉnh, Bệnh viện Đa khoa huyện, thành phố, các Bệnh viện tư nhân, Trung tâm Y tế huyện, thành phố, Trạm Y tế xã, phường, thị trấn.

      9. Tra cứu thông tin về vắc xin

Thông tin về vắc xin phòng COVID-19 tại VNVC sẽ được cập nhật tại Website: vnvc.vn, Fanpage: trungtamtiemchungvnvc.

Thông tin về vắc xin phòng COVID-19 tại tỉnh Thái Bình sẽ được cập nhật tại Website: soytethaibinh.gov.vn; cdcthaibinh.vn; Fanpage: cdcthaibinh.

Nguồn: Sổ tay hướng dẫn thực hành tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 (Vắc xin AstraZeneca) của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Dự án tiêm chủng mở rộng.


Tác giả: BSCKII.Lưu Thị Ánh Tuyết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết