• :
  • :
Trung tâm kiểm soát bệnh tật Thái Bình: Chuyên nghiệp - Tận tâm - Vì cộng đồng
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hưởng ứng ngày Quốc tế Người cao tuổi 01/10/2022: Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi

Tại Việt Nam, người cao tuổi được quy định trong Luật Người cao tuổi này là công dân Việt Nam từ đủ 60 tuổi trở lên. Trong mỗi gia đình, người cao tuổi đóng vai trò là chỗ dựa tinh thần cho gia đình, con cháu. Người cao tuổi có xu hướng bị đa rối loạn mãn tính, thường mắc các bệnh tim mạch, tăng huyết áp, đái tháo đường, suy dinh dưỡng và gặp khó khăn về vấn đề nhận thức, chức năng hoặc xã hội... Do đó, việc chăm sóc sức khỏe người cao tuổi trong các gia đình là rất quan trọng.

Người cao tuổi thường cảm thấy cô đơn vì ít nhận được sự quan tâm, hỏi han từ phía con cháu. Họ dễ rơi vào trạng thái khủng hoảng tâm lý như cô đơn, lo âu, hoài cổ, nóng nảy, bi quan,...Trầm cảm, lo âu và buồn chán càng khiến người cao tuổi thấy thiếu nghị lực và mất dần niềm tin để chống chọi lại với những vấn đề sức khỏe.

Người cao tuổi phải đối mặt với những thay đổi về sinh lý và thể chất. Cơ thể không còn nhanh nhẹn, lại thêm việc lớn tuổi phải nghỉ hưu, không còn làm việc như trước nữa nên dễ khiến người già trở nên tủi thân, cảm thấy bản thân vô dụng, không được tôn trọng, dễ cáu gắt, muốn được chú ý đến.

Người cao tuổi gặp khó khăn về vấn đề ăn uống như kém ngon miệng, rối loạn tiêu hóa hoặc hấp thu kém. Ngoài ra, do một số bệnh lý về tim mạch, hô hấp, tiêu hoá, thận... càng khiến sức khỏe suy yếu, sức đề kháng kém, gầy hoặc sút cân. Vì vậy, khi chăm sóc sức khỏe người cao tuổi cần đặc biệt chú ý tới chế độ dinh dưỡng sao cho cân đối, thức ăn dễ tiêu, đầy đủ các chất dinh dưỡng.

Những lưu ý khi chăm sóc người cao tuổi

Tâm sinh lý của cũng như sức khỏe cũng yếu đi ở người cao tuổi. Do đó, cần đặc biệt lưu ý khi chăm sóc người cao tuổi tại nhà.

Không để người cao tuổi có cảm giác tủi thân

Nhiều người cao tuổi có thể không tự chăm sóc được bản thân do bệnh tật hay sức khỏe suy giảm, thay đổi thể chất cũng như tâm lý. Do đó, nhiều người cao tuổi luôn lo lắng quá mức dẫn đến dễ cáu gắt, khó chịu, luôn muốn con cái ở bên cạnh chăm sóc, luôn thấy mình như người thừa cảm thấy cô đơn. Do đó, khi chăm sóc người cao tuổi tại nhà cần chú ý luôn tạo cho họ cảm giác được chia sẻ, gần gũi khi ở bên cạnh con cháu. 

Bố trí thời gian hợp lý cho những chuyến du lịch dây đó hay về thăm quê hương cùng gia đình để người cao tuổi cảm thấy được thư giãn và yêu thương. Động viên người cao tuổi tham gia các hoạt động xã hội, gặp gỡ bạn bè cũng là giải pháp giúp người cao tuổi thêm vui khỏe.

Khi thấy người cao tuổi ăn uống kém hơn bình thường

Ở người cao tuổi, việc ăn uống cũng trở nên kém ngon hơn do khả năng tiêu hóa thức ăn cũng như vị giác bị giảm.Việc nhai nuốt cũng gặp nhiều khó khăn khi cơ xương hàm bị teo, chân răng cũng yếu hơn, nhất là ở tuổi ngoài 70. Do vậy, khi chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tại nhà cần chú ý đến chế độ dinh dưỡng, khẩu vị, chế biến các món ăn kích thích vị giác, dễ tiêu hóa giúp người già ăn được nhiều hơn.

Không để người cao tuổi cảm thấy bản thân là gánh nặng cho gia đình

Người chăm sóc người cao tuổi cần giữ sức khỏe cho bản thân thật tốt để người cao tuổi yên tâm khi thấy người thân khỏe mạnh.

Người chăm sóc nên chia sẻ công việc với mọi người, đảm bảo thời gian giải trí của bản thân, cung cấp dinh dưỡng và nước vào cơ thể đầy đủ để đảm bảo sức khỏe.

Đừng để phát bệnh mới gặp bác sĩ

Nên đưa người cao tuổi (ông bà, cha mẹ) đi khám sức khỏe định kỳ 3 đến 6 tháng 1 lần bởi  người cao tuổi luôn có các yếu tố nguy cơ mắc các bệnh: huyết áp, tim mạch, tiểu đường, đột quỵ, các bệnh về xương khớp, ung thư…do sức đề kháng bị giảm, cơ thể bắt đầu bị lão hóa.

Khi bệnh đã phát ra bên ngoài nghĩa là bệnh đã nặng, cơ thể người cao tuổi phục hồi lâu nên thời gian chữa trị cũng kéo dài hơn. Phát hiện sớm điều trị sớm sẽ giúp nâng cao hiệu quả điều trị.

Ngày Quốc tế Người cao tuổi năm 2022 với chủ đề “Khả năng phục hồi và đóng góp của phụ nữ lớn tuổi” là dấu ấn và lời nhắc nhở về vai trò quan trọng của phụ nữ cao tuổi trong việc vượt qua những thách thức toàn cầu và thể hiện khả năng phục hồi mạnh mẽ, những đóng góp của họ cho sự phát triển của xã hội. Mỗi gia đình, các cấp, ngành, tổ chức, đoàn thể hãy quan tâm đúng mức và chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, đặc biệt quan tâm đến những phụ nữ cao tuổi, những người Bà, người Mẹ yêu thương của chúng ta, để họ tiếp tục có những đóng góp cho gia đình và xã hội, góp phần xây dựng đất nước phồn vinh, phát triển.


Tác giả: Thanh Tâm
Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết