• :
  • :
Trung tâm kiểm soát bệnh tật Thái Bình: Chuyên nghiệp - Tận tâm - Vì cộng đồng
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

KHUYẾN CÁO PHÒNG BỆNH NGÀY NẮNG NÓNG

          Hiện nay, tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, nắng nóng với nhiệt độ cao, có nơi lên đến 38 độ C đến 40 độ C. Nắng nóng trên diện rộng có thể gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe con người, đặc biệt là đối với người già và trẻ em. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, hàng năm, có khoảng 150.000 người chết do các bệnh có liên quan đến biến đổi khí hậu như bệnh tim, hô hấp, tiêu chảy... do nhiệt độ tăng quá cao.

Một số bệnh thường xảy ra trong mùa nắng nóng

          Bệnh hay gặp trong mùa nắng nóng là say nắng, say nóng. Say nắng là do chiếu xạ của tia cực tím ánh nắng mặt trời hoặc đang ở trong phòng máy lạnh có nhiệt độ thấp đi ra ngoài đường hoặc tắm sông, ao hồ hoặc tắm biển lúc nắng gắt, nhiệt độ tăng cao. Khi nhiệt độ ngoài trời lên đến 380C, thậm chí cao hơn, hay gặp say nắng ở cả người lớn và trẻ em, do cơ thể mất nước nhiều vì tiết mồ hôi, rối loạn nghiêm trọng về điều hoà thân nhiệt khi bị ánh nắng mặt trời gay gắt chiếu vào người, nhất là vùng gáy.

            Một số bệnh về đường tiêu hóa thường gặp trong mùa nắng nóng như tiêu chảy cấp, nhiễm vi khuẩn tả, vi khuẩn lỵ, vi khuẩn thương hàn hoặc E.coli, có thể lây lan cho nhiều người khác tạo nên dịch bệnh.

           Khi thời tiết quá nóng, nếu mở quạt với tốc độ lớn hoặc ở trong phòng điều hòa máy lạnh nhiệt độ quá chênh lệch với môi trường bên ngoài, làm khô vùng hầu họng, các chất nhày bảo vệ đường hô hấp bị khô, tạo điều kiện thuận lợi cho vi sinh vật phát triển, nhất là vi khuẩn và vi nấm xâm nhập gây viêm nhiễm đường hô hấp, đặc biệt là gây viêm VA, viêm amidan, viêm thanh quản, phế quản cấp tính, viêm phổi. Ngoài ra, nếu ngồi trong phòng máy lạnh quá lâu, nhất là người làm văn phòng, lái xe đường dài (xe có máy lạnh)... khi ra ngoài trời nắng nóng, sự thay đổi nhiệt độ đột ngột rất dễ gây viêm mũi, họng, viêm xoang, viêm phế quản. Uống nước đá lạnh, ăn kem... cũng là nguyên nhân gây viêm họng.

          Mùa nắng nóng, bệnh thủy đậu, bệnh tay chân miệng hoặc viêm não Nhật Bản, viêm màng não do não mô cầu... rất dễ xuất hiện và lây lan thành dịch do các vi rút gây bệnh này thích hợp với thời tiết mùa hè. Mùa hè, bệnh rôm, sẩy, viêm da hay gặp ở trẻ nhỏ, nếu vệ sinh cá nhân kém, sàn nhà không đảm bảo vệ sinh, bệnh tuy nhẹ nhưng có thể nhiễm trùng trở thành bệnh nặng.

            Mùa hè, nắng nóng không có lợi cho tim. Tim phải làm việc nhiều và nhanh hơn khiến mạch đập mạnh và huyết áp tăng, đặc biệt sẽ bất lợi cho những người bệnh tim, tăng huyết áp, đái tháo đường và người có bệnh mãn tính khác..., cơ thể có thể bị thiếu ôxy, bất tỉnh, nhồi máu cơ tim hay đột quỵ.

          Để chủ động phòng bệnh mùa nắng nóng, Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện các biện pháp sau:

        - Hạn chế đi ra ngoài đường, ngoài trời nóng khi không thật cần thiết. Nếu bắt buộc phải đi ra đường, ngoài trời nóng thì phải đội mũ, mặc quần áo, đeo kính, khẩu trang… chống nóng.

        - Uống nhiều nước, đặc biệt là những người lao động ngoài trời, mất nước nhiều nên uống bổ sung nước chanh, cam... hoặc nước muối loãng, nước Oresol…, tuy nhiên, không nên uống nhiều nước đá hoặc nước lạnh dễ gây viêm họng.

        - Không để nhiệt độ điều hòa trong phòng quá thấp; không để gió quạt thổi trực tiếp vào người.

        - Thực hiện ăn chín, uống chín; đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; tăng cường dinh dưỡng, ăn thêm hoa quả để đảm bảo đủ vitamin, tăng cường sức đề kháng của cơ thể.

         - Không hút thuốc lá; không lạm dụng rượu bia.

         - Tăng cường vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay với xà phòng đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh; vệ sinh mũi, họng hàng ngày bằng nước muối.

         - Thường xuyên lau sạch các bề mặt, vật dụng tiếp xúc hằng ngày, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà, đồ chơi trẻ em, dụng cụ học tập… bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường.

        - Sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, phân, chất thải của trẻ và người bệnh phải được thu gom, đổ vào nhà tiêu hợp vệ sinh và xử lý theo quy định.

         - Người nghi ngờ bị say nắng, say nóng, tiêu chảy cấp và các bệnh hay gặp về mùa nắng nóng như trên cần chủ động liên hệ và đến cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, theo dõi, khám, điều trị kịp thời./.


Tác giả: BS Trần Thị Hương
Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết