Một số nội dung thay đổi trong khám sàng lọc trước tiêm vắc xin phòng COVID-19 của Bộ Y tế
Theo thông tin của Bộ Y tế, tính đến hết ngày 08/8/2021, tổng số liều vắc xin đã được tiêm cho người dân tại Việt Nam là 9.987.587 liều. Trong đó, tiêm 1 mũi là 8.984.300 liều, tiêm mũi 2 là 1.003.287 liều. Riêng trong ngày 08/8, có thêm 599.941 liều vắc xin phòng COVID-19 được tiêm.
Tại Thái Bình, tính đến nay, tổng số liều vắc xin phòng COVID-19 đã nhận được là 97.610 liều vắc xin trong đó: 48.260 liều vắc xin Astrazeneca; 5.850 liều vắc xin Pfizer; 42.000 liều vắc xin Moderna, 1.500 liều vắc xin Sinopharm Trung Quốc.
Tỉnh đã hoàn thành 03 đợt tiêm vắc xin phòng COVID-19, Kết quả 7.254 người đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin; 42.868 người đã tiêm 1 mũi và 715 mũi tiêm cho công dân Trung Quốc.
Dự kiến theo Kế hoạch phân bổ của Bộ Y tế, đến hết tháng 7/2021, tỉnh Thái Bình được phân bổ 164.900 liều vắc xin và từ tháng 8 đến tháng 12 năm 2021 sẽ là 2.361.549 liều vắc xin phòng COVID-19.
Về vấn đề tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19, ngày 10/8/2021, Bộ Y tế ban hành Quyết định số 3802/QĐ-BYT kèm Hướng dẫn tạm thời khám sàng lọc trước tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 thay thế những văn bản trước đó.
Theo đó, trong văn bản mới này, có nhiều nội dung cần lưu ý:
Các trường hợp đủ điều kiện tiêm chủng là người trong độ tuổi tiêm chủng theo khuyến cáo trong hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất, không quá mẫn với hoạt chất hoặc với bất kỳ tá dược nào trong thành phần vắc xin.
Bổ sung nhóm chống chỉ định tiêm vắc xin
Hướng dẫn ban hành ngày 10/8/2021, Bộ Y tế bổ sung thêm lưu ý phụ nữ mang thai và cho con bú chống chỉ định với vắc xin Sputnik V.
Ngoài ra, ở hướng dẫn mới, những người bị tiền sử phản vệ từ độ 2 trở lên (nêu rõ tác nhân dị ứng) vẫn thuộc diện chống chỉ định tiêm chủng vắc xin cùng loại.
Quyết định 3802/QĐ-BYT (ngày 10/8) | Quyết định 3445/QĐ-BYT (ngày 15/7) |
- Người bị tiền sử phản vệ từ độ 2 trở lên (nêu rõ tác nhân dị ứng) - Phụ nữ mang thai và cho con bú chống chỉ định với vắc xin Sputnik V | - Người bị tiền sử phản vệ từ độ 2 trở lên (nêu rõ tác nhân dị ứng) |
Thay đổi về nhóm trì hoãn tiêm
Theo Quyết định 3802/QĐ-BYT, Bộ Y tế yêu cầu không tiêm cho người có ít nhất một yếu tố phải trì hoãn. Ở quyết định 3445, Bộ Y tế quy định 6 trường hợp cần trì hoãn tiêm. So với hướng dẫn ban hành kèm quyết định ngày 15/7/2021, Bộ Y tế đã có sự thay đổi, giảm bớt thành phần trong nhóm này
Quyết định 3802/QĐ-BYT (ngày 10/8) | Quyết định 3445/QĐ-BYT (ngày 15/7) |
- Có tiền sử rõ ràng đã mắc COVID-19 trong vòng 6 tháng - Đang mắc bệnh cấp tính - Phụ nữ mang thai dưới 13 tuần | - Mắc COVID-19 trong vòng 06 tháng - Đã tiêm vắc xinCOVID-19 khác trong vòng 14 ngày qua - Có bệnh mạn tính đang diễn biến nặng - Đang bị suy giảm khả năng đáp ứng miễn dịch nặng, ung thư giai đoạn cuối, đã cắt lách, đang dùng thuốc ức chế miễn dịch, corticoid liều cao (tương đương hoặc hơn 2mg prednisolon/kg/ngày trong ít nhất 7 ngày) - Bị bệnh cấp tính - Đang mang thai, phụ nữ đang nuôi con bằng sữa mẹ |
Như vậy, với quyết định mới, phụ nữ đang cho con bú, mang thai từ 13 tuần trở lên vẫn có thể tiêm vắc xin COVID-19, trừ vắc xin Sputnik V.
Tương tự, các trường hợp đã tiêm vắc xin COVID-19 khác trong vòng 14 ngày đã không thuộc nhóm trì hoãn. Tuy nhiên, thời gian cách nhau giữa hai liều tiêm chủng cần đảm bảo theo chỉ định và hướng dẫn từ nhà sản xuất.
Hiện tại, khoảng cách giữa mũi 1 và mũi 2 khi tiêm vắc xin COVID-19 đã được phê duyệt tại Việt Nam gồm AstraZeneca: 8-12 tuần; Sputnik V: 3 tuần; Comirnaty (Pfizer): 3 tuần; Spikevax (Moderna): 4 tuần; Vero Cell: 3-4 tuần.
Phụ nữ mang thai ≥13 tuần thuộc nhóm thận trọng khi tiêm chủng
Trong Quyết định số 3802/QĐ-BYT (ngày 10/8), các trường hợp mang thai ≥13 tuần được xếp vào nhóm thận trọng khi tiêm chủng.
Khi khám sàng lọc, nhân viên y tế cần hỏi tuổi thai với trường hợp là phụ nữ mang thai. Nhân viên y tế cần giải thích nguy cơ/lợi ích, chỉ nên cân nhắc tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho phụ nữ mang thai ≥13 tuần khi lợi ích tiềm năng lớn hơn bất kỳ nguy cơ tiềm tàng nào đối với mẹ và thai nhi.
Đặc biệt, các trường hợp là phụ nữ mang thai ≥13 tuần và đồng ý tiêm chủng cần được chuyển đến cơ sở có cấp cứu sản khoa để tiêm.
Đây là thay đổi rõ nét nhất so với Quyết định 3445/QĐ-BYT (ngày 15/7). Bởi trong Quyết định ngày 15/7/2021, phụ nữ mang thai thuộc nhóm phải trì hoãn tiêm.
Hiện tại, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng khuyến cáo phụ nữ đang mang thai, cho con bú, có ý định mang thai đều nên tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19. Bởi vắc xin không ảnh hưởng khả năng sinh sản, chu kỳ kinh nguyệt, an toàn với cả mẹ và bé. Phụ nữ mang thai có thể được tiêm nếu lợi ích của việc tiêm chủng lớn hơn nguy cơ tiềm ẩn do vắc xin gây ra.
Đặc biệt, WHO nhấn mạnh phụ nữ mang thai có nguy cơ cao phơi nhiễm với nCoV (ví dụ nhân viên y tế) hoặc tăng nguy cơ mắc bệnh nặng (đang bị bệnh lý nền) nên tư vấn với bác sĩ để cân nhắc tiêm phòng COVID-19.
Người trên 65 tuổi không còn thuộc nhóm thận trọng khi tiêm
Ở Quyết định 3445/QĐ-BYT (ngày 15/7), Bộ Y tế yêu cầu người trên 65 tuổi phải thận trọng khi tiêm vắc xin phòng COVID-19. Những người này phải được khám sàng lọc kỹ và cần được tiêm chủng tại bệnh viện hoặc cơ sở y tế có đủ năng lực hồi sức cấp cứu ban đầu.
Tuy nhiên, tại Quyết định 3802/QĐ-BYT (ngày 10/8), Hướng dẫn đã bỏ thông tin này. Một số nhóm người khác thuộc trường hợp này cũng giữ nguyên.
Các trường hợp thận trọng khi tiêm vắc xin phòng COVID-19 theo Hướng dẫn ban hành ngày 10/8 gồm có:
Quyết định 3802/QĐ-BYT (ngày 10/8) | Quyết định 3445/QĐ-BYT (ngày 15/7) |
- Người có tiền sử dị ứng với các dị nguyên khác. - Người mất tri giác, mất năng lực hành vi. - Người có tiền sử giảm tiểu cầu và/hoặc rối loạn đông máu. - Phụ nữ mang thai ≥ 13 tuần. - Người phát hiện thấy bất thường dấu hiệu sống: + Nhiệt độ <35,5 độ C và >37,5 độ C. + Mạch: <60 lần/phút hoặc >100 lần/phút. + Huyết áp tối thiểu <60 mmHg hoặc >90 mmHg và/hoặc huyết áp tối đa <90 mmHg hoặc >140 mmHg hoặc cao hơn 30 mmHg so với huyết áp hàng ngày (ở người có tăng huyết áp đang điều trị và có hồ sơ y tế) + Nhịp thở >25 lần/phút - Đang bị suy giảm miễn dịch nặng, ung thư giai đoạn cuối đang điều trị hóa trị, xạ trị | - Người có tiền sử dị ứng với các dị nguyên khác - Người có bệnh nền, bệnh mạn tính được điều trị ổn định - Người mất tri giác, mất năng lực hành vi -Người có tiền sử giảm tiểu cầu và/hoặc rối loạn đông máu - Người trên 65 tuổi - Người có bệnh mạn tính, phát hiện thấy bất thường dấu hiệu sống - Người phát hiện thấy bất thường dấu hiệu sống: + Nhiệt độ <35,5 độ C và >37,5 độ C. + Mạch: <60 lần/phút hoặc >100 lần/phút. + Huyết áp tối thiểu <60 mmHg hoặc >90 mmHg và/hoặc huyết áp tối đa <90 mmHg hoặc >140 mmHg hoặc cao hơn 30 mmHg so với huyết áp hàng ngày (ở người có tăng huyết áp đang điều trị và có hồ sơ y tế) + Nhịp thở >25 lần/phút hoặc SpO2 <94% (nếu có) |
Bên cạnh đó, hướng dẫn mới nhất theo Quyết định 3802/QĐ-BYT (ngày 10/8)của Bộ Y tế cũng yêu cầu trường hợp có tiền sử phản vệ độ 3 với bất kỳ dị nguyên nào cần tiêm tại cơ sở y tế có đủ khả năng cấp cứu phản vệ.