• :
  • :
CHÀO MỪNG BẠN ĐẾN VỚI CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỦA TRUNG TÂM KIỂM SOÁT BỆNH TẬT TỈNH THÁI BÌNH
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thái Bình: Kế hoạch tổ chức tiêm vắc xin phòng COVID-19 đối với 2.340 liều vắc xin Pfizer, 21.000 liều Moderna và 6.000 liều Astra Zeneca năm 2021

Tổ chức tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho tất cả các ban, ngành, đoàn thể, địa phương, đơn vị theo thứ tự ưu tiên như hướng dẫn của Bộ Y tế và chỉ đạo của UBND tỉnh. Đồng thời, hoàn thành tiêm đủ 2 liều cùng 1 loại vắc xin trên cùng một đối tượng đối với vắc xin Pfizer, vắc xin Moderna; triển khai tiêm mũi 2 vắc xin Astra Zeneca đối với người đã được tiêm mũi 1 đợt 1 đảm bảo đúng đối tượng, đúng quy định, đúng tiến độ, đảm bảo an toàn tiêm chủng cho 100% các mũi tiêm. Đó là mục tiêu của kế hoạch tiêm vắc xin phòng COVID-19 đợt 3, 4 năm 2021 của Sở Y tế Thái Bình.   

Theo đó, các đối tượng được ưu tiên tiêm vắc xin phòng COVD-19 là đối tượng theo quy định tại Nghị quyết 21/NQ-CP ngày 26/02/2021 của Chính phủ, Quyết định số 3355/QĐ-BYT ngày 08/7/2021 của Bộ Y tế, Quyết định số 3338/QĐ-BYT ngày 08/7/2021 của Bộ Y tế, cụ thể như sau:

Người làm trong cơ sở y tế (ưu tiên người làm trực tiếp, thường xuyên như người khám, cách ly, điều trị người bệnh/nghi bệnh COVID-19; điều dịch tễ, truy vết; lấy mẫu, làm mẫu xét nghiệm; vệ sinh khử khuẩn...; tiêm chủng vắc xin; chốt kiểm dịch…).  

Người tham gia PCD: Thành viên Ban Chỉ đạo PCD các cấp; người làm việc ở các khu cách ly tập trung; thành viên tổ truy vết; người tham gia điều tra dịch tễ; tổ tự quản, tổ COVID-19 dựa vào cộng đồng; tình nguyện viên; phóng viên.

Lực lượng quân đội tham gia PCD.

Lực lượng công an tham gia PCD.

          Người cung cấp dịch vụ thiết yếu: vận tải (ưu tiên doanh nghiệp vận tải hàng hóa thiết yếu, doanh nghiệp xe khách, xe dịch vụ công cộng, xe đưa đón công nhân); cung cấp dịch vụ điện, nước.

Người được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cử đi công tác, học tập, lao động ở nước ngoài hoặc có nhu cầu xuất cảnh để công tác, học tập và lao động ở nước ngoài; chuyên gia nước ngoài làm việc trên địa bàn tỉnh.

Các đối tượng là người lao động, thân nhân người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp (bao gồm cả doanh nghiệp trong khu công nghiệp, khu chế xuất, doanh nghiệp kinh doanh vận tải, tín dụng, du lịch...), cơ sở kinh doanh dịch vụ thiết yếu như các cơ sở lưu trú, ăn uống, ngân hàng, chăm sóc sức khỏe, dược, vật tư y tế...cơ sở bán lẻ, bán buôn, chợ, công trình xây dựng, người dân ở vùng, khu du lịch.

Các chức sắc, chức việc các tôn giáo.

Các đối tượng khác theo Quyết định của Bộ trưởng Bộ Y tế hoặc Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh;

(Đối tượng tiêm chủng thuộc các cơ sở, tổ chức, doanh nghiệp nêu trên bao gồm cả nhà nước và tư nhân).

Theo kế hoạch, thời gian triển khai tiêm là từ ngày 27/7/2021.

          Phương thức triển khai và địa điểm tiêm là tiến hành tổ chức tiêm chủng chiến dịch; triển khai từng bước, đảm bảo đúng quy định, đúng yêu cầu và thời gian, cụ thể như sau:

Tổ chức điểm tiêm đồng loạt trên địa bàn tỉnh tại các cơ sở y tế.

Tại các trạm y tế xã/phường/thị trấn (sau đây gọi chung là trạm y tế xã) do Ban Chỉ đạo PCD các huyện/thành phố chủ động lựa chọn; đối với những trạm y tế xã không đáp ứng điều kiện nhân lực thì thành lập tổ tiêm chủng theo cụm xã nhưng không quá 05 xã/cụm.

Về kinh phí: nguồn kinh phí của tỉnh chi cho các hoạt động vận chuyển và bảo quản vắc xin về huyện, đến các điểm tiêm chủng; các hoạt động tập huấn cho Trung tâm Y tế huyện, các điểm tiêm chủng trên địa bàn; các hoạt động truyền thông tại địa phương; bơm kim tiêm, các dụng cụ, vật tư phục vụ tiêm chủng…; in ấn biểu mẫu, báo cáo; công tiêm, kiểm tra giám sát tiêm chủng; xăng xe phục vụ các hoạt động tiêm chủng.

Còn nguồn kinh phí của các địa phương phục vụ cho hoạt động tiêm chủng tại các huyện, thành phố.

Đối với các hoạt động xây dựng kế hoạch, tổ chức chỉ đạo: Sở Y tế chủ trì, phối hợp với Ban Chỉ đạo PCD các cấp chỉ đạo, kiểm tra, giám sát, điều phối các hoạt động tiêm vắc xin COVID-19 trên toàn tỉnh. Căn cứ Kế hoạch phân bổ vắc xin phòng COVID-19 của Sở Y tế, Ban Chỉ đạo PCD các địa phương, đơn vị chỉ đạo xây dựng, ban hành, triển khai kế hoạch tiêm vắc xin COVID-19 cụ thể trên địa bàn; tổ chức kiểm tra, giám sát, đôn đốc thực hiện hoàn thành chỉ tiêu được giao không để thừa liều vắc xin, đảm bảo tiến độ, đúng quy định và đảm bảo an toàn tiêm chủng.

Hoạt động truyền thông tuyên truyền tập trung thông tin rộng khắp trong cộng đồng, đến các đối tượng tiêm chủng để tạo sự đồng thuận, hưởng ứng tham gia. Nội dung thông tin tập trung về mục đích, ý nghĩa, hiệu quả của việc tiêm vắc xin phòng COVID-19; đối tượng ưu tiên, địa điểm tiêm, phương thức triển khai tiêm chủng; chỉ định, chống chỉ định của vắc xin, phản ứng sau tiêm và cách xử trí.

Hoạt động tập huấn chuyên môn: tất cả nhân viên y tế thực hiện tiêm chủng vắc xin phải được tập huấn, hướng dẫn các nội dung về tổ chức buổi tiêm chủng, khám sàng lọc, thực hành tiêm chủng, theo dõi sau tiêm, xử lý các biểu hiện bất thường sau tiêm, cập nhật hồ sơ, báo cáo tiêm chủng và một số nội dung cần thiết khác.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh chủ trì, phối hợp với Trung tâm Y tế các huyện, thành phố tổ chức tập huấn cho cán bộ y tế tham gia chiến dịch tiêm chủng các tuyến tỉnh/huyện/xã.

Việc lập danh sách đối tượng tiêm thì căn cứ vào các nhóm đối tượng ưu tiên, số lượng vắc xin được phân bổ, người đứng đầu mỗi đơn vị, địa phương chịu trách nhiệm chỉ đạo lập danh sách cụ thể đối tượng được tiêm (có biểu mẫu kèm theo). Phải dự phòng thêm số đối tượng so với số liều vắc xin được phân bổ để đảm bảo tiêm hết vắc xin tránh lãng phí do đối tượng ưu tiên không đủ điều kiện tiêm theo quy định. Các đơn vị y tế đầu mối các tuyến tập hợp, báo cáo Ban Chỉ đạo PCD phê duyệt số lượng, thứ tự ưu tiên cụ thể.  

Về việc tiếp nhận, bảo quản, cấp phát vắc xin, vật tư tiêm chủng:

Sử dụng vắc xin phòng COVID-19: vắc xin Pfizer lọ 06 liều, tiêm bắp 0,3ml/liều, mũi 1 và mũi 2 cách nhau từ 21-28 ngày; vắc xin Moderna lọ 14 liều, tiêm bắp 0,5ml/liều, mũi 1 và mũi 2 cách nhau 28 ngày; vắc xin Astra Zeneca lọ 10 liều tiêm bắp 0,5ml/liều, mũi 1 và mũi 2 cách nhau từ 8 – 12 tuần do Bộ Y tế cấp, phân bổ.

Sở Y tế giao Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, Trung tâm Y tế huyện/thành phố tiếp nhận, bảo quản, phân phối vắc xin, vật tư tiêm chủng theo quy định và hỗ trợ công tác tiếp nhận bảo quản vắc xin tại các điểm tiêm chủng. Thực hiện giao vắc xin, vật tư tiêm chủng trong ngày tiêm đối với điểm tiêm tại trạm y tế xã, các điểm tiêm trên địa bàn thành phố, các điểm tiêm không có tủ bảo quản. Đối với các điểm tiêm không có phích vắc xin thì các đơn vị trên địa bàn thành phố đăng ký, gửi đề nghị về Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh. Các đơn vị trên địa bàn các huyện đăng ký, gửi đề nghị về Trung tâm y tế huyện. Các đơn vị tổ chức tiêm chủng thực hiện tiếp nhận, bảo quản vắc xin, vật tư tiêm theo đúng quy định và hướng dẫn.

Đối với công tác tổ chức tiêm chủng: Tất cả các cơ sở  y tế chủ động bố trí các tổ tiêm chủng theo quy định. Triển khai tiêm cho cán bộ, nhân viên của đơn vị mình và các đối tượng khác theo phân công của Sở Y tế.

Tại mỗi điểm tiêm phải đảm bảo về nhân lực (cán bộ đã được tập huấn về công tác tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19), các điều kiện về trang thiết bị giường bệnh, bình Oxy, hộp chống sốc…), phân công nhiệm vụ cụ thể cho cán tổ tiêm chủng. Tổ chức tiêm chủng cho cán bộ, nhân viên của đơn vị mình và các đối tượng khác theo phân công của Sở Y tế. Tại mỗi điểm tiêm phải đảm bảo về nhân lực (cán bộ đã được tập huấn về công tác tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19), các điều kiện về trang thiết bị giường bệnh, bình Oxy, hộp chống sốc…), phân công nhiệm vụ cụ thể cho cán tổ tiêm chủng. Thực hiện theo dõi sau tiêm đảm bảo ít nhất 30 phút tại điểm tiêm và hướng dẫn người được tiêm tự theo dõi sức khỏe trong vòng 07 ngày theo quy định. Giám sát chặt chẽ sau tiêm chủng, phát hiện sớm những trường hợp có phản ứng sau tiêm để xử trí kịp thời. Thực hiện theo dõi sau tiêm đảm bảo ít nhất 30 phút tại điểm tiêm và hướng dẫn người được tiêm tự theo dõi sức khỏe trong vòng 7 ngày theo quy định. Giám sát chặt chẽ sau tiêm chủng, phát hiện sớm những trường hợp có phản ứng sau tiêm để xử trí kịp thời. Thực hiện buổi tiêm chủng theo đúng quy định tại Nghị định số 104/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ và Thông tư số 34/2018/TT-BYT ngày 12/11/2018 của Bộ Y tế.

Về công tác tổ chức cấp cứu và hỗ trợ cấp cứu: bố trí xe và các đội cấp cứu của các bệnh viện thực hiện vận chuyển cấp cứu nhanh chóng khi cần trong các ngày tổ chức tiêm trên địa bàn. Tại mỗi bệnh viện các tuyến phải bố trí sẵn sàng từ 05 giường cấp cứu, đảm bảo cơ số thuốc, trang thiết bị cấp cứu, có phân công nhiệm vụ cụ thể cho nhân viên đội cấp cứu.

Trung tâm Cấp cứu 115 sẵn sàng chi viện khi cần.

Lưu ý: Để tránh mất thời gian lấy thuốc ra khỏi tủ hoặc hộp thuốc vì diễn biến phản ứng phản vệ rất nhanh, yêu cầu mỗi bàn tiêm chủng trước khi tiêm vắc xin và tại khu vực theo dõi phản ứng sau tiêm chủng phải chuẩn bị và xử trí như sau:

Chuẩn bị sẵn 01 Bơm tiêm có chứa dung dịch Adrenalin 1mg/1ml (rút sẵn 1ml thuốc Adrenalin 1mg/1ml vào bơm tiêm gắn sẵn kim, đậy kín kim tiêm bằng nắp).

Khi thấy một trong các dấu hiệu của phản vệ (khó thở, vật vã, phù nhanh, mạch nhanh nhỏ, đau quặn bụng, ỉa chảy ...) tiêm ngay 1/2 mg Adrenalin tiêm bắp (ưu tiên mặt trước bắp cơ đùi), sau đó theo dõi và xử trí theo Hướng dẫn xử trí cấp cứu phản vệ ban hành kèm theo Thông tư số 51/2017/TT-BYT.

Kết thúc buổi tiêm chủng nếu không sử dụng đến cần phải hủy bỏ bơm tiêm có chứa dung dịch Adrenalin 1mg/1ml.

Có Biểu mẫu khám sàng lọc, Phiếu đồng ý tham gia tiêm, Giấy xác nhận đã tiêm, Biểu mẫu thu thập thông tin sự cố bất lợi sau tiêm gửi kèm theo kế hoạch này.

Về chế độ thông tin, báo cáo, các đơn vị tổ chức điểm tiêm chủng, đơn vị đầu mối các cấp phải bố trí các kíp thường trực 24/24 giờ để thu nhận, xử trí thông tin. Tất cả các điểm tiêm các tuyến, thực hiện chế độ báo cáo nhanh về đơn vị đầu mối vào trước 16 giờ 30 phút hàng ngày. Các điểm tiêm tại các huyện, thành phố gửi báo cáo về Trung tâm Y tế huyện, thành phố để tổng hợp báo cáo. Các điểm tiêm của Ban Bảo vệ sức khỏe cán bộ tỉnh; các Bệnh viện đa khoa/chuyên khoa tuyến tỉnh; Bệnh viện Trường Đại học Y Thái Bình; Phòng khám Trường Cao đẳng Y Thái Bình; các bệnh viện ngoài công lập trên địa bàn Thành phố; Bệnh xá Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an tỉnh gửi báo cáo về Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tổng hợp báo cáo BCĐ phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh, Bộ Y tế, Sở Y tế trước 17 giờ 00; báo cáo bằng văn bản sau khi kết thúc đợt tiêm chủng.

Về công tác tổ chức thực hiện:

Đối với Sở Y tế: Ban hành kế hoạch tổ chức tiêm vắc xin phòng COVID-19; Chỉ đạo hoạt động kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc thực hiện tiêm chủng tại các địa phương, đơn vị đảm bảo tiến độ, đúng quy định, đảm bảo an toàn. Cử cán bộ tham gia các hoạt động tổ chức, kiểm tra, giám sát.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh: Là đơn vị đầu mối phối hợp cùng các phòng chức năng Sở Y tế, các đơn vị, địa phương tham mưu xây dựng, trình phê duyệt kế hoạch tổ chức tiêm vắc xin phòng COVID-19 và kiểm tra, giám sát các hoạt động trên toàn tỉnh. Chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan tập huấn về tổ chức tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho cán bộ tham gia tiêm chủng từ tỉnh đến cơ sở. Chủ trì, tham mưu chỉ đạo thực hiện công tác kiểm tra, giám sát các hoạt động tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 trên toàn tỉnh. Hướng dẫn, hỗ trợ các đơn vị, địa phương trong tổ chức thực hiện tiêm chủng theo quy định và hoạt động thông tin, truyền thông. Cấp phát vắc xin, vật tư tiêm chủng, cung cấp phích vắc xin cho các đơn vị: Ban Bảo vệ sức khỏe cán bộ tỉnh; các Bệnh viện đa khoa/chuyên khoa tuyến tỉnh; Bệnh viện Trường Đại học Y Thái Bình; Phòng khám Trường Cao đẳng Y Thái Bình; các bệnh viện ngoài công lập trên địa bàn Thành phố; Bệnh xá Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ đội Biên phòng tỉnh, Công an tỉnh. Thường xuyên cập nhật, xử lý thông tin, báo cáo tiến độ, kết quả tiêm chủng theo quy định.  

Trung tâm Y tế các huyện, thành phố: Căn cứ việc phân bổ vắc xin của UBND tỉnh, Sở Y tế để tham mưu xây dựng kế hoạch trình UBND huyện/thành phố phê duyệt; chỉ đạo, tổ chức thực hiện tiêm vắc xin phòng COVID-19 và kiểm tra, giám sát các hoạt động tiêm chủng trên địa bàn. Chủ trì phối hợp với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh các đơn vị liên quan thực hiện tập huấn về tổ chức tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho cán bộ tham gia tiêm chủng trên địa bàn. Hướng dẫn, hỗ trợ các đơn vị trong tổ chức thực hiện tiêm chủng theo quy định và hoạt động thông tin, truyền thông. Cấp phát vắc xin, vật tư tiêm chủng, cung cấp phích vắc xin cho các đơn vị tổ chức tiêm chủng trên địa bàn. Thường xuyên cập nhật, xử lý thông tin, báo cáo tiến độ, kết quả tiêm chủng theo quy định. 

Bệnh viện Đa khoa tỉnh: Bố trí ít nhất 20 giường bệnh để sẵn sàng tiếp nhận, xử trí các trường hợp phản ứng nặng sau tiêm. Thành lập các đội cấp cứu lưu động (05 đội), có đủ cơ số thuốc và trang thiết bị cấp cứu sẵn sàng hỗ trợ các điểm tiêm chủng khi được điều động. Thực hiện tiêm chủng cho các đối tượng theo kế hoạch.

Các bệnh viện đa khoa huyện/thành phố: Bố trí ít nhất 05 giường bệnh để sẵn sàng tiếp nhận, xử trí các trường hợp phản ứng nặng sau tiêm chủng. Thành lập các đội cấp cứu lưu động (03 đội), có đủ cơ số thuốc và trang thiết bị cấp cứu sẵn sàng hỗ trợ các điểm tiêm chủng. Tổ chức tiêm chủng cho các đối tượng theo Kế hoạch của Ban Chỉ đạo PCD huyện, thành phố. Phối hợp với Trung tâm Y tế huyện/thành phố trong tổ chức các hoạt động tiêm chủng tại địa phương. 

Trạm y tế xã, phường, thị trấn: Tham mưu với Ban Chỉ đạo PCD địa phương trong lập kế hoạch triển khai tiêm vắc xin phòng COVID-19 theo quy định. Tổ chức điểm tiêm vắc xin phòng COVID-19 đảm bảo yêu cầu theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo PCD huyện/thành phố, xã/phường/thị trấn.  

Các đơn vị tổ chức tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19: Căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ được giao để chỉ đạo, tổ chức thực hiện tiêm vắc xin phòng COVID-19 tại đơn vị đúng quy định và tham gia hoạt động khi được điều động. Ban hành quyết định thành lập các tổ tiêm vắc xin phòng COVID-19, đội cơ động, kíp trực và có danh sách, lịch trực, số điện thoại kèm theo. Công khai thông tin liên quan đến hoạt động tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 và thông báo về các đầu mối liên quan để phối hợp hoạt động. Chủ động sắp xếp, thông báo lịch tiêm đến các cơ quan, đơn vị khác được tiêm tại đơn vị mình. Đảm bảo tổ chức tiêm chủng theo đúng quy định và an toàn phòng, chống dịch trong tiêm chủng (đảm bảo nguyên tắc 5K). Thực hiện chế độ báo cáo theo quy định; Các đơn vị tuyến huyện, xã gửi danh sách cán bộ đầu mối làm báo cáo về Trung tâm y tế huyện, thành phố; Các đơn vị tuyến tỉnh, Trung tâm Y tế huyện, thành phố và các đơn vị ngoài công lập trên địa bàn thành phố gửi danh sách cán bộ đầu mối làm báo cáo về Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (Sở Y tế lưu ý: các địa phương, đơn vị tổ chức tiêm đúng đối tượng, đúng chỉ định, tránh lãng phí vắc xin, trường hợp không tiêm hết số lượng vắc xin được phân bổ thì báo cáo ngay về Sở Y tế để được xem xét, điều phối. Ở điểm tiêm nào để xảy ra tiêu cực, tiêm không đúng đối tượng, đúng chỉ định phải chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh, Sở Y tế. Một buổi tiêm chủng chỉ tiêm 01 loại vắc xin).

Trung tâm Cấp cứu 115: Bố trí sẵn sàng các kíp trực, đầy đủ thuốc, phương tiện trang thiết bị để tham gia vận chuyển cấp cứu các trường hợp phản ứng sau tiêm khi có yêu cầu.

Phòng Y tế các huyện, thành phố: Phối hợp tham mưu cho Ban chỉ đạo PCD địa phương trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện, kiểm tra, đôn đốc, giám sát các hoạt động. Chỉ đạo các đơn vị y tế tư nhân trên địa bàn tham gia và phối hợp trong các hoạt động tiêm chủng, kể cả tiếp nhận cấp cứu xử trí kịp thời các trường hợp phản ứng nặng sau tiêm.

Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc đề nghị liên hệ với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm, ĐT: 02273.836.722 hoặc BS. Phạm Tiến Thịnh, ĐT: 0931581292, 0349798448) để tổng hợp báo cáo Sở Y tế xem xét giải quyết./.


Tác giả: Nguyễn Hiệu
Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết