• :
  • :
CHÀO MỪNG BẠN ĐẾN VỚI CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỦA TRUNG TÂM KIỂM SOÁT BỆNH TẬT TỈNH THÁI BÌNH
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thái Bình nỗ lực “Vì một cộng đồng không khói thuốc lá”

Trước những tác hại của thuốc lá gây ra cho sức khoẻ của con người, năm 2015, tỉnh Thái Bình được Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá (PCTHTL) - Bộ Y tế hỗ trợ triển khai Chương trình Phòng, chống tác hại thuốc lá.

Ban Chỉ đạo phòng, chống tác hại thuốc lá được thành lập, kiện toàn, bổ sung theo từng năm, các văn bản chỉ đạo được ban hành theo đó nhiều hoạt động về phòng, chống tác hại thuốc lá được các ban, ngành, đoàn thể cùng đông đảo người dân nhiệt tình hưởng ứng như: tập huấn, nói chuyện chuyên đề, hội nghị, hội thảo, tuyên truyền bằng hình thức sân khấu hoá,… đưa Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá cùng những kiến thức về tác hại của thuốc lá đến được với các cấp, ngành và nhân dân. Đến nay, phần lớn người dân trong tỉnh đã biết về tác hại của thuốc lá gây ra cho sức khoẻ của con người, nhiều cán bộ và người dân tự giác cai thuốc, đồng thời vận động người thân loại bỏ thuốc lá ra khỏi cuộc sống của mình.

Hàng năm, tỉnh đều ban hành văn bản chỉ đạo về công tác PCTHTL đến các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh. Nội dung chỉ đạo tập trung vào việc kiện toàn Ban Chỉ đạo (BCĐ) phòng, chống tác hại thuốc lá các cấp, xây dựng kế hoạch hoạt động, tập huấn kỹ năng truyền thông PCTHTL cho cán bộ, nhân viên, cộng tác viên, thành lập Đoàn giám sát liên ngành... BCĐ PCTHTL của tỉnh phân công cho ngành Y tế chủ trì, đơn vị đầu mối là Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, các ngành khác phối hợp thực hiện. Mạng lưới hoạt động đều có đầu mối là đại diện ngành y tế các tuyến từ tỉnh đến huyện, xã, phường, thị trấn. Vì vậy, hầu hết các hoạt động về phòng, chống tác hại thuốc lá tại tỉnh được triển khai thực hiện mang lại hiệu quả thiết thực.

Giải pháp thông tin, giáo dục truyền thông nâng cao nhận thức của cộng đồng về phòng, chống tác hại của thuốc lá có nhiều chuyển biến tích cực. Từ năm 2015 đến nay, nhiều hoạt động thiết thực, đa dạng hoá các hình thức truyền thông như: tập huấn nâng cao năng lực cho mạng lưới truyền thông viên, nói chuyện sức khoẻ, tổ chức mít tinh với hàng ngàn người tham dự và diễu hành trên các tuyến phố lớn của thành phố Thái Bình, biểu diễn sân khấu hoá biểu diễn tiểu phẩm truyền thông tại các xã trọng tâm là các huyện trồng nhiều thuốc lá, thuốc lào, tổ chức thi tuyên truyền viên giỏi tại 08/08 huyện, thành phố, tổ chức Khiêu vũ Thể thao không khói thuốc cho học sinh tại trường học và Dân vũ Thể thao không khói thuốc tại cộng đồng, cấp phát hàng nghìn biển “Cấm hút thuốc”, tờ rơi, pano, áp phích, băng zôn, khẩu hiệu, sản xuất Sổ tay, Bản tin,… Tổ chức toạ đàm, xây dựng chuyện mục hàng tháng, tin tức trong ngày,.. trên hệ thống phát thanh, truyền hình của tỉnh. Tuyên truyền qua báo, mạng xã hội, trên Website của ngành, đơn vị, địa phương, Đài phát thanh xã, phường, thị trấn...

Lồng ghép tuyên truyền phòng, chống tác hại thuốc lá tại các trường học thông qua các giờ học ngoại khoá, truyền tải đến các em học sinh những kiến thức cơ bản về tác hại thuốc lá và Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá. Đến nay, 100% các trường học trên  địa bàn tỉnh ký cam kết xây dựng môi trường không khói thuốc.

Hàng năm, tại các cơ quan, đơn vị trong tỉnh chú trọng công tác tuyên truyền xây dựng “Môi trường không khói thuốc”, vận động cai nghiện thuốc lá . 100% cán bộ, viên chức, người lao động tổ chức ký cam kết không hút thuốc lá tại cơ quan, đơn vị và những địa điểm cấm theo đúng Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá quy định, có chế tài xử phạt và đưa vào quy chế thi đua khen thưởng của cán bộ công chức, viên chức hàng năm. Vì vậy, nhiều cán bộ, công chức, viên chức đã giảm hút hoặc cai được thuốc lá.

Qua kết quả kiểm tra, giám sát cho thấy các nhà trường, các cơ sở y tế là những nơi thực hiện tốt việc cấm hút thuốc trong nhà với 92% trường học và 82% bệnh viện thực hiện xây dựng môi trường không khói thuốc. Các địa điểm khác như: bến tàu, bến xe, quán bar, karaoke, khách sạn,… do đặc thù nên việc thực hiện vẫn còn ở mức hạn chế.

Công tác phòng, chống tác hại thuốc lá tại tỉnh, từ khi có sự hỗ trợ của Quỹ PCTHTL – Bộ Y tế đến nay đã được trên 07 năm triển khai thực hiện, cơ bản các hoạt động đã và đang được thực hiện hiệu quả từ tỉnh đến cơ sở. Song bên cạnh những kết quả đạt được thì còn gặp không ít khó khăn, thách thức như: tình trạng vi phạm quy định cấm hút thuốc tại nơi làm việc và nơi công cộng tuy đã giảm nhưng vẫn còn diễn ra. Một số cơ quan, địa phương việc thực thi Luật PCTHTL còn mang tính hình thức. Lãnh đạo một số cơ quan, đơn vị chưa thực sự quan tâm đến hoạt động phòng, chống tác hại của thuốc lá, chưa cương quyết. Nhân lực làm công tác phòng, chống tác hại thuốc lá từ BCĐ đến đoàn giám sát và mạng lưới đều không chuyên, phải kiêm nhiệm do vậy thời gian thực tế dành cho công tác này chưa đáp ứng thực tế yêu cầu. Tình hình dịch bệnh kéo dài. Và một vấn đề hết sức quan trọng, thuốc lá là mặt hàng kinh doanh mang lại lợi nhuận cao nên trong lĩnh vực này có rất nhiều hoạt động gian lận thương mại. Việc nhập lậu đang cố nhiều chiều hướng gia tăng trong khi việc kiểm soát kinh doanh mặt hàng này vẫn còn nhiều hạn chế, điều này làm ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ người tiêu dung. Vì vậy, đòi hỏi lực lượng chức năng cần tăng cường quản lý chặt chẽ hoạt động kinh doanh sản phẩm thuốc lá theo quy định.

Thời gian tới, để công tác phòng, chống tác hại thuốc lá đạt được kết quả cao thì các cấp ngành, cơ quan, đơn vị cần phải quan tâm hơn nữa đến việc xây dựng “Môi trường không khói thuốc”. Công tác phòng, chống tác hại thuốc lá cần có sự vào cuộc tích cực, thực sự mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị từ lãnh đạo đến cán bộ, viên chức, người lao động và mọi tầng lớp nhân dân. Phối hợp với tuyên truyền thực hiện Luật PCTH của rượu bia... Thực hiện nghiêm quy định không mua, bán, không nhận quảng cáo, tài trợ các sản phẩm thuốc lá tại cơ quan, đơn vị mình. Đồng thời, bố trí biển báo cấm hút thuốc lá tại các khu vực, những vị trí dễ quan sát của cơ quan, đơn vị, phòng làm việc, phòng họp, lối đi nơi nhiều người qua lại. Thường xuyên tuyên truyền, nhắc nhở nhân viên trong các cuộc họp phòng, ban về việc thực hiện nghiêm túc quy định cấm hút thuốc tại nơi làm việc. Cập nhật và phổ biến nội dung các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo về PCTHTL đến cán bộ, công chức, viên chức, người lao động...

Cùng với những giải pháp trên, các cơ quan, đơn vị cũng cần kiên quyết không xét tặng các danh hiệu thi đua, khen thưởng và có các hình thức xử lý theo quy định của pháp luật đối với cơ quan, đơn vị buông lỏng quản lý, thường xuyên xảy ra tình trạng vi phạm quy định của Luật PCTHCTL./.


Tác giả: Thanh Tâm
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
CHUYÊN MỤC
LIÊN KẾT WEB