• :
  • :
Trung tâm kiểm soát bệnh tật Thái Bình: Chuyên nghiệp - Tận tâm - Vì cộng đồng
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thái Bình số ca mắc, ổ dịch, vùng nguy cơ sốt xuất huyết có chiều hướng gia tăng

Hiện nay, tình hình dịch bệnh Sốt xuất huyết diễn biến phức tạp ở nhiều tỉnh,  tại Thái Bình số ca mắc, ổ dịch và vùng nguy cơ Sốt xuất huyết đang có chiều hướng gia tăng. Tính từ đầu năm 2022 đến nay, Thái Bình đã ghi nhận 76 ca mắc Sốt xuất huyết. Các ca bệnh rải rác ở cả 8 huyện, thành phố, trong đó Thành phố nhiều nhất với 20 ca, Thái Thụy 13 ca, Đông Hưng 11 ca, Vũ Thư 10 ca, Hưng Hà 07 ca, Kiến Xương 07 ca, Quỳnh Phụ 07 ca và Tiền Hải 04 ca.

Dịch Sốt xuất huyết đang vào mùa với diễn biến phức tạp, đáng chú ý đa phần số ca mắc Sốt xuất huyết đều trở về từ vùng dịch các tỉnh phía Nam, với 56 ca sốt xuất huyết ngoại sinh được ghi nhận tại tỉnh. Ngoài ra, tại tỉnh ghi nhận 20 ca sốt xuất huyết nội sinh.

Gần đấy nhất là ngày 17/7, tại địa bàn phường Trần Hưng Đạo, Thành Phố Thái Bình đã ghi nhận 02 ca sốt xuất huyết nội sinh. Đây là 2 trường hợp trẻ em trong một gia đình, cả 2 bé không đi đâu xa, khi gia đình thấy con có biểu hiện sốt , đau đầu đã đưa cả 2 đi khám, xét nghiệm tại Bệnh viện Nhi tỉnh và được chẩn đoán mắc Sốt xuất huyết. Ngay sau khi có thông tin về ca bệnh, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh phối hợp với Trung tâm Y tế Thành phố, trạm y tế phường giám sát véc tơ truyền bệnh, xử lý nhanh tại ổ dịch. Hướng dẫn gia đình bệnh nhân và những gia đình xung quanh vệ sinh môi trường, lật úp các vật dụng, phế thải chứa nước đọng nơi trú ngụ và sinh trưởng của muỗi. UBND phường Trần Hưng Đạo đã ban hành công văn chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể, tổ dân phố trên khu vực phường và các hộ dân cư tiến hành tổng vệ sinh môi trường, phun hóa chất diệt muỗi, lăng quăng theo sự hướng dẫn của ngành y tế.

Từ 20 ca sốt xuất huyết nội sinh trên địa bàn tỉnh, kết quả giám sát véc tơ các khu vực gia đình bệnh nhân đều phát hiện muỗi Ades aegypti và nhiều ổ bọ gậy trong các dụng cụ phế thải chứa nước, chậu cây cảnh, chỉ số véc tơ truyền bệnh cao. Công tác vệ sinh môi trường hầu hết chưa đạt yêu cầu, người dân còn lưu trữ nhiều dụng cụ chứa nước, vô tình làm nơi sinh trưởng của muỗi truyền bệnh. Nếu các địa phương không phát hiện, triển khai xử lý kịp thời triệt để ổ dịch, nguy cơ dịch bùng phát sẽ khó tránh khỏi.

          Để ngăn chặn dịch Sốt xuất huyết diễn biến phức tạp, trạm y tế địa phương có ca mắc cần tích cực tham mưu cho UBND địa phương tăng cường chỉ đạo và huy động các ban, ngành, tổ chức chính trị, chính trị xã hội phối hợp với ngành y tế triển khai chiến dịch diệt muỗi, lăng quăng. Đảm bảo tất cả các khu vực, các hộ gia đình tại vùng có dịch và có nguy cơ phải được kiểm tra, giám sát, xử lý các bể, dụng cụ chứa nước, các vật dụng, đồ phế thải, nơi sinh sản của muỗi.

          Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết, cùng với việc tăng cường giám sát, phát hiện, xử lý kịp thời các ổ dịch trong cộng đồng, ngành y tế thường xuyên khuyến cáo để người dân hiểu rõ một trong những việc làm quan trọng trong ngăn chặn, phòng bệnh Sốt xuất huyết bùng phát đó là vệ sinh môi trường, diệt muỗi, lăng quăng.Vì vậy, tại các điểm nguy cơ dịch Sốt xuất huyết, tất cả các gia đình, người dân, học sinh phải chủ động vệ sinh môi trường và phun hóa chất diệt muỗi, lăng quăng nơi mình sinh sống, học tập và làm việc  để phòng, chống dịch Sốt xuất huyết đạt hiệu quả cao./.


Tác giả: Hoàng Thía
Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
CHUYÊN MỤC
LIÊN KẾT WEB