• :
  • :
Trung tâm kiểm soát bệnh tật Thái Bình: Chuyên nghiệp - Tận tâm - Vì cộng đồng
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thái Bình: Tăng cường thực thi Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia

Thời gian qua, công tác phòng, chống tác hại của rượu, bia đã được Tỉnh ủy, UBND tỉnh Thái Bình chỉ đạo các sở, ban, ngành, đơn vị, địa phương tích cực triển khai thực hiện.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Bình ban hành Chỉ thị số 21-CT/TU, ngày 09/8/2018 về việc“Không uống rượu, bia trước giờ làm việc buổi sáng, trong giờ làm việc, tại nơi làm việc, ngày trực ở cơ quan, đơn vị và không uống rượu bia trước khi lái xe”.UBND tỉnh Thái Bình ban hành Kế hoạch số 18/KH-UBND ngày 05/3/2020 về việc triển khai Chỉ thị số 03/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường thực hiện Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và Nghị định số 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt.

Việc triển khai thực thi Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và Nghị định 100/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông, đường bộ, đường sắt đã được Sở Thông tin – Truyền thông phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ hướng dẫn các cơ quan báo chí tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng của tỉnh, đã huy động được sự quan tâm, ủng hộ, đồng thuận của đội ngũ cán bộ công chức, viên chức, người lao động của các sở, ngành, đơn vị, địa phương và đông đảo quần chúng nhân dân. Công tác phòng, chống tác hại của rượu, bia  đã có những bước chuyển biến tích cực từ nhận thức đến hành động của các tầng lớp nhân dân. Hầu hết các cấp, ngành, đơn vị, địa phương đã đưa công tác tuyên truyền phòng, chống tác hại của rượu, bia vào nội dung hoạt động để tuyên truyền đến cán bộ, nhân dân về tác hại của rượu, bia:  ảnh hưởng đến sức khỏe, đến đời sống kinh tế, xã hội, là nguyên nhân của bạo lực gia đình, tai nạn lao động, tai nạn giao thông…và để lại nhiều hệ lụy kèm theo. Tại các tuyến xe chở khách của tỉnh Thái Bình không có hiện tượng uống rượu, bia trước khi lái xe. Tại các cơ quan, công sở, đơn vị, trường học và nhiều người dân chấp hành nghiêm việc không uống rượu bia trước giờ làm việc buổi sáng, trong giờ làm việc, tại nơi làm việc, ngày trực ở cơ quan, đơn vị và trước khi lái xe,...

Ngành Công an là ngành chủ chốt triển khai thực thi Luật PCTH của rượu, bia đã ban hành Kế hoạch số 2773/KH-BCĐ-PH10 ngày 18/11/2020 về  triển khai công tác phòng, chống tác hại của rượu bia và đồ uống có cồn khác trong Ngành Công an, đồng thời tích cực phối hợp với các cấp, ngành tích cực tuyên truyền đến cán bộ, nhân dân thực hiện “Nói không với rượu bia khi tham gia giao thông”, góp phần đảm bảo trật tự an toàn giao thông, bảo vệ sức khỏe, tính mạng cho cán bộ, nhân dân. Ngành Công an chỉ đạo và triển khai nhiều đợt ra quân kiểm soát nồng độ cồn khi lái xe hay hiện tượng người dân uống rượu, bia mà còn điều khiển phương tiện giao thông và tham gia giao thông…

Thời gian tới, để việc thực thi Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia đạt hiệu quả cao, các cấp, ngành, đơn vị, địa phương cần tích cực tuyên truyền để nâng cao nhận thức của mỗi cán bộ, đảng viên và toàn thể nhân dân về trách nhiệm tham gia thực thi nghiêm Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia, nhằm bảo vệ, nâng cao sức khoẻ mỗi người, bảo vệ trật tự an ninh xã hội, trật tự an toàn giao thông, góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh.

Sau đây là một số qui định trong Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia số 44/2019/QH14 được Quốc hội ban hành ngày 14/6/2019, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2020:

Điều 7. Nội dung thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống tác hại của rượu, bia như sau:

1. Chính sách, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tác hại của rượu, bia; các hành vi bị nghiêm cấm trong phòng, chống tác hại của rượu, bia; các chế tài xử phạt và vận động cá nhân, tổ chức tuân thủ quy định của pháp luật về phòng, chống tác hại của rượu, bia.

2. Quyền, nghĩa vụ của cá nhân và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, gia đình, cộng đồng trong phòng, chống tác hại của rượu, bia.

3. Tác hại của rượu, bia; tác hại của rượu, bia giả, không bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm; các mức độ nguy cơ khi uống rượu, bia; các biện pháp giảm tác hại của rượu, bia.

4. Bệnh, tình trạng sức khỏe, đối tượng không nên uống rượu, bia; độ tuổi không được uống rượu, bia.

5. Kỹ năng từ chối uống rượu, bia; kỹ năng nhận biết và ứng xử, xử trí khi gặp người say rượu, bia, người nghiện rượu, bia.

6. Vận động hạn chế uống rượu, bia và không điều khiển phương tiện giao thông, vận hành máy móc sau khi uống rượu, bia.

7. Hướng dẫn hộ gia đình, cá nhân sản xuất rượu thủ công bảo đảm an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật.

8. Tuyên truyền, vận động, hướng dẫn hộ gia đình, cá nhân sản xuất rượu thủ công làm thủ tục cấp giấy phép sản xuất, đăng ký với Ủy ban nhân dân cấp xã việc bán rượu cho cơ sở có giấy phép sản xuất rượu để chế biến lại, kê khai việc sản xuất rượu thủ công không nhằm mục đích kinh doanh.

Điều 24. Biện pháp phòng ngừa tác hại của rượu, bia tại cộng đồng như sau:

1. Tuyên truyền, vận động các gia đình, thành viên thuộc tổ chức, cộng đồng tham gia tuyên truyền và thực hiện quy định của pháp luật về phòng, chống tác hại của rượu, bia.

2. Lồng ghép hoạt động phòng, chống tác hại của rượu, bia vào các phong trào, hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, xây dựng đời sống văn hóa và hoạt động khác tại cộng đồng.

3. Vận động, khuyến khích quy định trong hương ước, quy ước việc hạn chế hoặc không uống rượu, bia tại đám cưới, đám tang, lễ hội trên địa bàn dân cư.

4. Vận động cá nhân, tổ chức không sử dụng sản phẩm rượu, bia không rõ nguồn gốc, xuất xứ, chưa được kiểm nghiệm an toàn thực phẩm.

5. Phát hiện, phản ánh người say rượu, bia, người nghiện rượu, bia để cảnh báo, phòng ngừa, xử lý hành vi gây ảnh hưởng đến trật tự, an toàn xã hội.

Điều 25 . Chăm sóc, hỗ trợ, bảo vệ trẻ em, phụ nữ và các đối tượng yếu thế khác để phòng ngừa, giảm tác hại của rượu, bia như sau:

1. Các biện pháp chăm sóc, hỗ trợ, bảo vệ trẻ em, phụ nữ và các đối tượng yếu thế khác để phòng ngừa, giảm tác hại của rượu, bia bao gồm:

a) Tư vấn cho phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, phụ nữ mang thai, phụ nữ đang cho con bú về tác hại của rượu, bia đối với thai nhi, trẻ em; cho người bị ảnh hưởng bởi tác hại của rượu, bia khi sử dụng dịch vụ tại cơ sở y tế, cơ sở trợ giúp xã hội, cơ sở hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực gia đình;

b) Can thiệp, hỗ trợ, áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc, bảo đảm an toàn theo quy định của pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình đối với trẻ em, phụ nữ và các đối tượng yếu thế khác để không bị ảnh hưởng bởi tác hại của rượu, bia;

c) Các biện pháp ngăn chặn theo quy định của pháp luật.

2. Các biện pháp quy định tại khoản 1 Điều này phải được lồng ghép trong chương trình, kế hoạch, hoạt động có liên quan đến trẻ em, phụ nữ và các đối tượng yếu thế khác.

3. Cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhận thực hiện quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được giao.

Điều 28 .Xử lý vi phạm pháp luật về phòng, chống tác hại của rượu, bia như sau:

1. Tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống tác hại của rượu, bia thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

2. Cơ quan, người có thẩm quyền được sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để phát hiện, xử lý kịp thời hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống tác hại của rượu, bia.

3. Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong phòng, chống tác hại của rượu, bia.

Mỗi tổ chức, cá nhân, gia đình hãy thực hiện nghiêm Luật Phòng chống tác hại của rượu bia.


Tác giả: BSCKII Lưu Thị Ánh Tuyết - PGĐ TT KSBT
Tổng số điểm của bài viết là: 15 trong 3 đánh giá
Click để đánh giá bài viết