• :
  • :
Trung tâm kiểm soát bệnh tật Thái Bình: Chuyên nghiệp - Tận tâm - Vì cộng đồng
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tăng cường công tác phòng, chống đuổi nước trẻ em năm 2020

         Những năm qua, công tác phòng, chống tai nạn đuối nước cho trẻ em đã được Chính phủ, Quốc hội, các Bộ, ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức xã hội dành sự quan tâm đặc biệt.

       Ngày 05/02/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 234/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em giai đoạn 2016 – 2020 và Luật Trẻ em đã được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 11 khóa XIII, ngày 05 tháng 4 năm 2016, có hiệu lực ngày 01/6/2017. Đây là những văn bản pháp luật và chương trình phòng chống tai nạn, thương tích quan trọng đối với trẻ em.

        Những giải pháp tích cực nêu trên đã có tác động tích cực đến việc ngăn ngừa, giảm thiểu tình trạng đuối nước và tử vong do đuối nước tại Việt Nam.

       Nếu như trong giai đoạn 2010 – 2013, trung bình mỗi năm có khoảng 2.800 trẻ em tử vong do đuối nước, thì đến giai đoạn 2015 – 2017, Theo thống kê của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐTBXH), số vụ đuối nước và số trẻ em tử vong do đuối nước đã có xu hướng giảm, còn trung bình khoảng 2.000 trẻ em tử vong do đuối nước hằng năm. Năm 2018, tỉ lệ trẻ em bị đuối nước đã giảm, nhưng vẫn ở mức cao so với khu vực. Tuy nhiên, tình trạng đuối nước trẻ em của nước ta vẫn còn ở ngưỡng cao, rất đáng lo ngại. Một số liệu khác của Bộ LĐTBXH cho thấy, chỉ khoảng 30% học sinh tiểu học và THCS ở Việt Nam biết bơi. Trong khi đó, tỉ lệ đuối nước chiếm 50% các vụ tai nạn tử vong, thương tích ở trẻ em.

      Theo một số chuyên gia về bảo vệ, chăm sóc trẻ em, nhận thức xã hội và người dân về phòng chống đuối nước còn hạn chế, nhất là các bậc phụ huynh. Sự giám sát, chăm sóc trẻ ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa và vùng kinh tế khó khăn chưa được quan tâm nhiều. Chính vì nhiều người lớn không hiểu điều đó nên không rèn luyện, hướng dẫn cho con trẻ biết bơi hoặc có kỹ năng để xử lý dẫn đến những vụ đuối nước thương tâm. Cùng với đó việc tuyên truyền, giáo dục về kiến thức và các kỹ năng ứng phó nhằm ngăn ngừa đuối nước cho trẻ em, chúng ta cũng chưa làm tốt và thường xuyên.

     Thậm chí, nhiều trẻ em biết bơi nhưng vẫn chết đuối bởi các em không được trang bị kỹ năng mềm phòng, chống đuối nước, nên chính các nạn nhân đã gặp phải những rủi ro đau lòng. Trong khi đó, môi trường sống xung quanh trẻ em còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ không an toàn, hệ thống sông, ngòi, ao, hồ chằng chịt. Nhiều ngôi nhà, trường học, đường giao thông, nơi vui chơi gần sông, ngòi, ao, hồ nhưng không có rào chắn, hay biển báo nguy hiểm. Đây chính là sự chủ quan và trách nhiệm của người lớn khi chưa tạo dựng được môi trường sống, học tập, vui chơi cho trẻ em thực sự an toàn.

Nỗi lo đuối nước đã trở nên ám ảnh với nhiều bậc phụ huynh khi mùa hè đến. Câu hỏi được rất nhiều người đặt ra là, vì sao các phương tiện truyền thông liên tục cảnh báo, nhưng số vụ trẻ em đuối nước vẫn có chiều hướng gia tăng? Phải làm gì để không còn những cái chết thương tâm vì đuối nước?

      Để chủ động phòng, chống tình trạng trẻ em bị đuối nước trên địa bàn tỉnh Thái Bình, nhất là trong dịp hè 2020, Ngày 15/5/2020, Ủy ban Nhân dân tỉnh Thái Bình đã ban hành Công văn số 2188/UBND-VX gửi các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh, UBND huyện, thành phố yêu cầu tăng cường công tác phòng, chống đuối nước trẻ em.

 

 

 

 


Tác giả: Nguyễn Hiệu
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
CHUYÊN MỤC
LIÊN KẾT WEB