• :
  • :
CHÀO MỪNG BẠN ĐẾN VỚI CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỦA TRUNG TÂM KIỂM SOÁT BỆNH TẬT TỈNH THÁI BÌNH
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tiếp tục thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII ngày 15/5/2016 về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” - Mừng ngày sinh nhật Bác 19/5/2020

            Ngày 19/5/1946, lần đầu tiên nhân dân Việt Nam kỷ niệm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc ta. Từ đó đến nay, hằng năm, cứ đến dịp 19/5, toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta cùng sống trong những giờ phút đặc biệt thiêng liêng, niềm vui dâng trào, bâng khuâng tưởng nhớ đến Bác Hồ kính yêu.

        Chủ tịch Hồ Chí Minh, thủa nhỏ tên là Nguyễn Sinh Cung, khi đi học lấy tên Nguyễn Tất Thành, hoạt động cách mạng lấy tên Nguyễn Ái Quốc…. Bác sinh ngày 19/5/1890 trong một gia đình nhà nho yêu nước, tại xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An, lúc đó nước ta là một  nước thuộc địa của Thực dân Pháp. Trong quá trình dựng nước và giữ nước hàng nghìn năm, dân tộc ta đã hình thành và phát triển nền văn hóa dân tộc rực rỡ, mà hạt nhân là chủ nghĩa yêu nước Việt Nam, ý chí đấu tranh bất khuất, tinh thần nhân ái, khoan dung và ý thức cộng đồng, đoàn kết dân tộc. Chính nền văn hóa ấy cùng với những ảnh hưởng tích cực của văn hóa Phương Đông đã hun đúc nên nhân cách Hồ Chí Minh và góp phần to lớn vào sự hình thành và phát triển tư tưởng của Người.

               “Nghĩ về Bác lòng ta trong sáng hơn”

             Trong bản Di chúc để lại cho toàn Đảng, toàn dân, Bác căn dặn chúng ta: “Đạo đức cách mạng không phải trên trời rơi xuống, nó do đấu tranh rèn luyện bền bỉ hàng ngày mà phát triển và củng cố, cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong”. Muốn chống tham ô, lãng phí, quan liêu thì phải dân chủ, phê bình và tự phê bình, làm cho mọi người biết tự phê bình mình và dám phê bình người. Ngày sinh nhật Bác năm 2020, ôn lại tư tưởng của người về chống tham nhũng, lãng phí; nâng cao ý thức phê bình và tự phê bình là điều hết sức cần thiết.

           “Xây” và “chống”

           Ngày 26/01/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Quốc lệnh, khép tội trộm cắp của công vào tội tử hình, “Phải thẳng tay trừng trị những kẻ bất liêm, bất kỳ kẻ ấy ở địa vị nào, làm nghề nghiệp gì”. Cùng với đó, Người mong mỏi “Làm sao cho dân biết hưởng quyền làm chủ, biết dùng quyền làm chủ của mình, dám nói, dám làm”. Người chỉ rõ, để xảy ra tham nhũng là có phần trách nhiệm thuộc về lãnh đạo, về chính sách dùng người. Tuy nhiên, Bác căn dặn, khi chống tham ô, lãng phí, quan liêu thì cần chú trọng việc giáo dục, ai có lỗi mà thật thà tự kiểm thảo thì lỗi nhẹ sẽ được tha thứ, lỗi nặng sẽ được xử nhẹ hoặc lấy công chuộc tội (trừ những tội lỗi đặc biệt nặng). Nhưng ai có lỗi mà không thật thà tự nói ra sẽ bị kỷ luật; ai ngăn cản, đe dọa những người kiểm thảo mình sẽ bị kỷ luật. Bác quan niệm, chống tham ô, lãng phí, quan liêu cũng là làm cách mạng. Người nhấn mạnh, “Chúng ta làm cách mạng để tiêu diệt chế độ thực dân, phong kiến, để xây dựng dân chủ mới. Thực dân và phong kiến tuy bị tiêu diệt nhưng cái nọc xấu của nó (tham ô, lãng phí, quan liêu) vẫn còn, thì cách mạng vẫn chưa hoàn toàn thành công, vì nọc xấu ấy ngấm ngầm ngăn trở, ngấm ngầm phá hoại sự nghiệp xây dựng của cách mạng”. Với Chủ tịch Hồ Chí Minh, nguyên nhân chính của căn bệnh tham nhũng là chủ nghĩa cá nhân. Chủ tịch Hồ Chí Minh quan niệm, để đấu tranh chống tham ô, lãng phí, quan liêu, phải kết hợp giữa “xây” và “chống”. Có thể ví “xây” và “chống” như hai bánh xe vững chắc. “Chống” triệt để bảo đảm cho công việc “xây” thành công. “Xây” phát triển mạnh mẽ thì đối tượng “chống” sẽ được xóa bỏ tận gốc. Để kết hợp “xây” và “chống”, cần nhất phải đồng tâm nhất trí, dũng cảm, huy động được sự tham gia của nhân dân. Báo chí phải nêu những việc kiểu mẫu, đăng những lời phê bình của quần chúng; làm cho mọi người thấy rõ tham ô, lãng phí, quan liêu là tội ác.

           Từ người cán bộ tốt trở thành người cách mạng chân chính

           Để rèn luyện mình thành đảng viên, cán bộ tốt phục vụ hữu ích cho Tổ quốc, cho nhân dân, theo Bác, tự phê bình và phê bình là thứ vũ khí sắc bén nhất. Với tầm mức lớn hơn thì phê bình và tự phê bình giúp cho Đảng ta đã mạnh ngày càng mạnh thêm, để từ đó sửa chữa khuyết điểm, phát huy ưu điểm, tiến bộ không ngừng. Người nói: “Thang thuốc hay nhất là thiết thực tự phê bình và phê bình”, đồng thời Người thẳng thắn chỉ rõ: “Một Đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng. Một Đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm kiếm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế là một Đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính”.

         Vẫn trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”, tháng 10/1947, Bác nhận xét, những đồng chí giác ngộ cao thì tự phê bình rất thật thà và kiên quyết sửa chữa khuyết điểm, khi phê bình người khác các đồng chí ấy thành khẩn, nhẫn nại, giúp đỡ họ sửa chữa. Đối với những kẻ sai lầm rất nặng mà không chịu sửa đổi thì các đồng chí ấy đấu tranh không nể nang. Trong quá trình thực hiện tự phê bình và phê bình cần phải tránh tư tưởng, suy nghĩ lạc hậu, quan niệm sai lầm bảo thủ vì thói xấu này mà khi đối với người khác thì phê bình đúng đắn, nhưng khi tự phê bình thì quá “ôn hòa”, không mạnh dạn công khai tự phê bình, không vui lòng tiếp thu phê bình, nhất là phê bình từ dưới lên, không kiên quyết sửa chữa khuyết điểm của mình, thường tìm những “khó khăn khách quan” để tự biện hộ.

Nhưng Bác cũng lưu ý, phê bình phải nhằm đúng nội dung. Tự phê bình và phê bình phải nhắm vào công việc. Theo Bác, đó là “phê bình” việc làm chứ không phải phê bình người”.

           Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh hết sức coi trọng việc rèn luyện đạo đức của người cộng sản. Tại hầu hết các cuộc nói chuyện, hội nghị, Bác luôn nhắc nhở đến việc trau dồi đạo đức cách mạng và vấn đề phê bình và tự phê bình. Bác nói: “Đảng viên và cán bộ cũng là người, ai cũng có tính tốt và tính xấu. Song hiểu biết, đã tình nguyện vào một Đảng vì dân, vì nước, đã là một người cách mạng thì phải cố gắng phát triển những tính tốt và sửa bỏ những tính xấu... Phê bình và tự phê bình là vũ khí rất cần thiết và sắc bén, nó giúp chúng ta sửa chữa sai lầm và phát triển ưu điểm”. Người chỉ rõ: “Mỗi cán bộ, đảng viên, mỗi người phải tự kiểm điểm, tự phê bình, tự sửa chữa như mỗi ngày phải rửa mặt. Được như thế thì trong Đảng sẽ không có bệnh, mà Đảng sẽ khỏe mạnh vô cùng. Cấp trên cũng nên thỉnh thoảng trưng cầu ý kiến phê bình của cấp dưới, có như thế có khác gì người có vết nhọ trên mặt, được người ta đem gương cho soi, lúc đó không cần ai khuyên bảo cũng tự vội vàng đi rửa mặt”.

             Trong bản Di chúc để lại cho toàn Đảng, toàn dân, Bác căn dặn: “Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết thống nhất của Đảng, phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”.  “Nghĩ về Bác lòng ta trong sáng hơn”- những người con nước Việt càng thấm thía hơn tư tưởng của Người về việc chống tham nhũng, phê bình và tự phê bình để xây dựng đất nước ngày càng vững mạnh hơn như lời căn dặn và cũng là tâm nguyện thiết tha của Người để lại cho các thế hệ con cháu. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Chống tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu cũng quan trọng và cần kíp  như việc đánh giặc trên mặt trận. Đây là mặt trận tư tưởng và chính trị”. Muốn chống tham ô, lãng phí, quan liêu thì phải dân chủ, phê bình và tự phê bình, làm cho mọi người biết tự phê bình mình và dám phê bình người.

         Giờ đây, Bác đã đi xa, nhưng mỗi người dân Việt Nam, bạn bè quốc tế của nhân dân Việt Nam đều cùng chung một tình cảm: Bác Hồ không mất. Bác Hồ vẫn đời đời sống cùng non sông, đất nước và bạn bè khắp năm châu. Vì vậy, vẫn như có Bác Hồ, hằng năm tới dịp tháng 5 là toàn thể nhân dân ở khắp các miền quê Việt Nam và cả bạn bè năm châu vẫn tổ chức kỷ niệm Ngày sinh của Bác Hồ. Ôn lại những bài học quý giá, những việc làm trong sáng của Người trong dịp kỷ niệm Ngày sinh của Người, sẽ là dịp chúng ta soi chung tấm gương lớn; học và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác.

            Năm 2020, cả nước ta chào mừng kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí minh vĩ đại và Đại hội Đảng các cấp. Trong những ngày này toàn thể cán bộ và nhân dân ngành y tế Thái Bình quyết tâm thực hiện thắng lợi cuộc vận động tiếp tục thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, phát huy cao độ truyền thống đoàn kết, năng động, sáng tạo phấn đấu hoàn thành tốt kế hoạch, mục tiêu, nhiệm vụ y tế góp phần hoàn thành thắng lợi mục tiêu nhiệm vụ kinh tế xã hội của tỉnh năm 2020 và những năm tiếp theo. Đặc biệt, trong cuộc chiến phòng, chống dịch bệnh COVID-19, tỉnh Thái Bình cùng với cả nước đang phải gồng mình lên quyết  tâm chống dịch. Chống dịch như chống giặc, ngay bây giờ đây, toàn Đảng, toàn quân và toàn thể nhân dân tỉnh Thái Bình tiếp tục noi gương Bác Hồ vĩ đại, nắm chặt tay nhau đoàn kết thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ và chiến thắng dịch bệnh COVID-19./.

 

  Bài thơ: Chúc Mừng Sinh Nhật Bác Hồ

                                       Tác Giả: Trần Văn Huân

 

Vì sao lấp lánh tỏa xa xôi

Mười chín tháng năm,vọng đất trời

Lãnh tụ kính yêu, Người vĩ đại

Anh hùng hào kiệt sáng muôn nơi

Song toàn võ văn vì non nước

Thoát cảnh lầm than giọt lệ rơi

Thế giới năm châu đều ngưỡng mộ

Ngàn đời thành kính nhớ ơn Người

               Thanh Tâm


Tác giả: Thanh Tâm
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết