• :
  • :
Trung tâm kiểm soát bệnh tật Thái Bình: Chuyên nghiệp - Tận tâm - Vì cộng đồng
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cảnh giác với các biến chứng nguy hiểm của bệnh Tăng huyết áp

          Tăng huyết áp (THA) là bệnh lý mạn tính, có thể gây ra những biến chứng  nghiêm trọng như: suy tim, tai  biến mạch máu não..., để lại di chứng nặng nề như liệt nửa người, hôn mê, thậm chí tử vong. Do đó, bệnh Tăng huyết áp cần được phát hiện sớm để được điều trị, kiểm soát huyết áp ổn định và phòng các biến chứng.

Khi nào được gọi là Tăng huyết áp?

Đo huyết áp dựa vào hai trị số: Huyết áp tối đa hay còn gọi là tâm thu, huyết áp tối thiểu hay còn gọi là tâm trương. Căn cứ vào hai trị số này để chẩn đoán huyết áp. Huyết áp bình thường đối với người lớn là khi đo huyết áp tâm thu dưới 120mmHg và huyết áp tâm trương dưới 80mmHg. THA là khi huyết áp tâm thu từ 140mmHg trở lên hoặc huyết áp tâm trương từ 90mmHg trở lên.

Khi đo thấy hai chỉ số này nằm giữa huyết áp bình thường và tăng huyết áp (huyết áp tâm thu từ 120-139mmHg hoặc huyết áp tâm trương từ 80-89mmHg) thì được gọi là tiền THA.

Nguyên nhân và các yếu tố nguy cơ

THA nguyên phát hay còn gọi là THA vô căn, là loại THA phổ biến nhất, chiếm 90-95% số trường hợp và biến chứng dần theo thời gian. Gọi là THA vô căn vì bác sĩ không thể xác định nguyên nhân trực tiếp gây THA. Thay vào đó, nghiên cứu chỉ cho thấy mối liên kết giữa THA nguyên phát với một số yếu tố nguy cơ như sau:

Tuổi già: Khi cơ thể chúng ta già đi theo thời gian, mạch máu cũng sẽ mất dần độ đàn hồi và đưa đến nguy cơ THA. Phụ nữ từ 60 tuổi trở lên có nguy cơ bị THA cao hơn so với nam giới cùng tuổi.

Di truyền: Nhiều người cho rằng THA chỉ xuất hiện ở người trưởng thành nhưng trên thực tế, số lượng người trẻ tuổi mắc căn bệnh này đang ngày một gia tăng. Sở dĩ có hiện tượng như vậy là do hai yếu tố tiền sử gia đình và di truyền.

Đái tháo đường và béo phì: Lối sống hiện đại với chế độ dinh dưỡng mất cân đối và thói quen ít vận động thể lực đang gia tăng số lượng người mắc bệnh đái tháo đường và béo phì. Hai căn bệnh này là nhân tố quan trọng làm tăng tỷ lệ bị THA.

Chế độ ăn nhiều muối: Gần 1/3 số trường hợp bị THA nguyên phát có liên hệ đến tình trạng hấp thụ quá nhiều muối. Muối làm tăng giữ nước dẫn đến THA.

THA thứ phát chiếm 5 - 10% số trường hợp được chẩn đoán. Có nhiều căn bệnh khác nhau có thể dẫn đến THA thứ phát, trong đó phải kể đến: Các rối loạn hormon ở tuyến thượng thận (hội chứng Cushing); các bệnh lý về thận như suy thận, u thận hay tắc mạch máu vùng thận; một số tác dụng phụ khi sử dụng thuốc giảm đau, thuốc giảm cân hoặc liệu pháp thảo dược; chứng rối loạn hô hấp trong lúc ngủ; thai sản và những biến chứng như bệnh tiền sản giật…

Điều trị dứt điểm các nguyên nhân thứ phát có thể giải quyết được bệnh. Đối với THA gây ra do tác dụng không mong muốn của thuốc, sau khi ngừng thuốc một vài tuần thì huyết áp sẽ ổn định lại về mức bình thường.

Các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc THA, bao gồm: Thừa cân, béo phì; lười vận động; ăn quá nhiều muối; lạm dụng rượu, bia; thuốc lá; căng thẳng thường xuyên; rối loạn chuyển hóa lipid; mắc bệnh đái tháo đường; người cao tuổi trên 60; gia đình có người thân (cha/mẹ) mắc THA…

Triệu chứng của bệnh

 

Trên thực tế, hầu hết các bệnh nhân THA đều không phát hiện bất kỳ một dấu hiệu rõ ràng nào, mặc dù bệnh đã tiến triển khá nghiêm trọng. Nhiều trường hợp phát hiện ra bệnh khi đi khám định kỳ hoặc khám một bệnh khác. Một số ít bệnh nhân bị THA có biểu hiện một số triệu chứng thoáng qua như đau đầu, khó thở, chóng mặt, ù tai, hoa mắt, đau tức ngực, hồi hộp, đỏ mặt, buồn nôn...

Điều trị bệnh để phòng biến chứng

Khi xuất hiện triệu chứng THA, người bệnh cần đến bệnh viện để được khám và tư vấn điều trị càng sớm càng tốt. Tránh để bệnh lâu kéo dài gây nên những biến chứng như nhồi máu cơ tim, đau thắt ngực, suy tim, đột quỵ..., nguy hiểm tính mạng người bệnh.

* Điều trị THA không dùng thuốc: quan trọng, được đưa lên hàng đầu như: điều chỉnh chế độ ăn uống (Giảm chất béo toàn phần và loại bão hoà, ăn hạn chế glucid, hạn chế muối ăn: dưới 65g/ngày; tăng cường ăn rau và trái cây); tăng cường vận động thân thể bằng tập thể dục đều đặn, vừa sức; giảm cân theo hướng dẫn, duy trì cân nặng lý tưởng; ngừng hoặc hạn chế tối đa uống rượu bia, không hút thuốc lá; tránh nhiễm lạnh đột ngột; thường xuyên theo dõi huyết áp tại nhà; kiểm soát tốt các bệnh gây ra THA bằng khám sức khỏe định kỳ.

* Điều trị THA dùng thuốc: Mục tiêu dùng thuốc điều trị THA là để giữ cho huyết áp của bệnh nhân ổn định ở mức cho phép, thường là dưới 140/90mmHg. Bệnh nhân THA kèm theo các bệnh như đái tháo đường, bệnh thận mạn tính, bác sĩ sẽ có một liệu trình điều trị nghiêm ngặt hơn để giữ cho huyết áp ổn định ở mức dưới 130/80 mmHg.

Các nhóm thuốc điều trị THA như:

1. Thuốc lợi tiểu (Furosemid,Thiazid...)

2. Thuốc uống hạ huyết áp (Nifedipine, Amlodipine; Enalapril; Coversyl...)

3. Thuốc tăng cường tuần hoàn não (Piracetam, Giloba, Gliatilin...)

4. Các vitamin: B,C,E...

Bệnh nhân cần theo dõi sức khỏe trước và sau khi dùng thuốc để thông báo cho bác sĩ về các tác dụng không mong muốn; tuân thủ nghiêm ngặt việc uống thuốc suốt đời, không được tự ý bỏ thuốc hoặc thay đổi thuốc./.

         Nhâm Thúy Liễu


Tác giả: Nhâm Thúy Liễu
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết