Việc xét nghiệm để phát hiện bệnh Viêm gan virus B được thực hiện thế nào?
Thưa quý vị và các bạn!
Viêm gan virus B thường không gây ra triệu chứng nào, nhiều người có thể mang bệnh nhiều năm, không phát hiện ra vì không có biểu hiện ốm yếu.Bệnh viêm gan virus B để lại nhiều hệ lụy cho cơ thể, có thể gây xơ gan, ung thư gan và gây tỷ lệ tử vong cao. Xét nghiệm viêm gan B là cách duy nhất để mọi người biết mình có bị nhiễm bệnh hay không, để có biện pháp điều trị, dự phòng sớm, hiệu quả.
Những ai nên đi xét nghiệm Viêm gan virus B ?
Những người sinh ra ở Việt Nam và hầu hết các vùng của châu Á đều cần xét nghiệm viêm gan virus B, bao gồm những người bình thường và những người sống cùng nhà với người mắc bệnh viêm gan virus B.
Xét nghiệm Viêm gan virus B thế nào?
Chỉ cần lấy khoảng 02 ml máu theo đường tĩnh mạch là có thể làm các xét nghiệm sinh hoá máu, trong đó có xét nghiệm để biết chính xác tình trạng nhiễm hay không nhiễm viêm gan virus B của một người.
Có 2 loại xét nghiệm xác định tình trạng nhiễm viêm gan B:
Xét nghiệm kháng nguyên HBsAg
HBsAg là loại kháng nguyên có trên bề mặt virus viêm gan B, HBsAg xuất hiện sớm nhất trong huyết thanh sau khi nhiễm HBV, thường sau 4-8 tuần kể từ khi nhiễm virus viêm gan B, vì thế xét nghiệm này có thể phát hiện, sàng lọc và chẩn đoán viêm gan B cấp tính - mạn tính. Các trường hợp viêm gan B cấp tính thường không xuất hiện triệu chứng, chỉ có xét nghiệm mới phát hiện được bệnh.
HBsAg dương tính (+): Khẳng định chắc chắn bệnh nhân nhiễm HBV. HBsAg kéo dài trên 06 tháng thì khẳng định nhiễm HBV mạn tính.
Tuy nhiên kháng nguyên HBsAg không tồn tại trong máu ở người bệnh thời kỳ phục hồi nên xét nghiệm này không được dùng để theo dõi diễn biến bệnh.
Xét nghiệm kháng thể Anti HBs
Kháng thể sinh ra khi virus viêm gan B xâm nhập vào cơ thể, nhận diện qua kháng nguyên trên bề mặt virus.Vì thế kể cả ở người đang nhiễm bệnh hoặc đã khỏi bệnh thì xét nghiệm Anti-HBs cũng đều cho xét nghiệm dương tính.
Xét nghiệm này có vai trò trong việc sàng lọc, kiểm tra khả năng kháng virus viêm gan B của một người, từ đó quyết định có cần tiêm vắc xin phòng viêm gan B lại hay không hoặc xác định đã khỏi bệnh hay chưa.