• :
  • :
CHÀO MỪNG BẠN ĐẾN VỚI CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỦA TRUNG TÂM KIỂM SOÁT BỆNH TẬT TỈNH THÁI BÌNH
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Phòng bệnh Tan máu bẩm sinh vì sức khỏe dòng máu Việt

        Người Việt Nam có câu: “ Một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ”. Hiện nay, ỏ nước ta,  các yếu tố nghiệt ngã của ô nhiễm môi trường, rác thải cùng với bệnh tật, dịch bệnh đã ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống, gây tỷ lệ tử vong nhất định trong cộng đồng, nhất là đối với những đứa trẻ vừa chào đời đã phải mang trong mình những căn bệnh quái ác, trong đó có bệnh Thalassemia (Tan máu bẩm sinh). Ngày 08/5 hằng năm, Thế giới tổ chức nhiều hoạt động truyền thông, từ thiện nhằm kêu gọi cộng đồng hãy chung tay đẩy lùi bệnh Tan máu bẩm sinh, cứu giúp những đứa trẻ có một cuộc sống mạnh khỏe, hạnh phúc và bình yên bên gia đình, được gọi là ngày Thalassemia Thế giới.

        Tại Việt Nam, ngày 03/4/2020, Tổng Cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình đã ban hành Công Văn số 189/TCDS-TTGD về việc hướng dẫn tổ chức các hoạt động truyền thông hưởng ứng ngày Thalassemia với chủ đề:“ Cha mẹ hãy thực hiện tầm soát chẩn đoán và điều trị sớm bệnh tật trước sinh và sơ sinh vì hạnh phúc gia đình, vì tương lai nòi giống”.

Có rất nhiều câu chuyện đau lòng xung quanh bệnh Tan máu bẩm sinh, nhiều người cha, người mẹ phải cạn dòng nước mắt khi hàng ngày phải chứng kiến đứa con nhỏ bé của mình không có được cuộc sống bình thường như bao đứa trẻ khác. Không phát triển bình thường, không đi học, không đi chơi mà chỉ quanh quẩn đi viện cùng những đau đớn của bệnh tật hành hạ thể xác, cuộc sống không có tương lai và không biết khi nào khỏi bệnh. Đây là một thực tế mà bệnh Tan máu bẩm sinh đã cướp đi tiếng cười của trẻ thơ và hạnh phúc của bao gia đình.

             Hiện nay, Việt Nam có khoảng 13 triệu người mang gen bệnh Tan máu bẩm sinh tương đương với 13% dân số. Trong đó, người dân đồng bào dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ khá cao, 20-40%. Mỗi năm có khoảng hơn 8.000 trẻ em được sinh ra bị mắc bệnh Tan máu bẩm sinh trong đó, có khoảng hơn 2.000 trẻ bị ở mức độ nặng. Một trong những nguyên nhân chính gây ra căn bệnh này là do kết hôn cận huyết thống. Việt Nam đã có những nỗ lực lớn trong điều trị bệnh song việc điều trị mới chỉ giúp cải thiện tốt cuộc sống của người bệnh chứ không khỏi bệnh. Chất lượng sống của các bệnh nhân Tan máu bẩm sinh rất thấp, tỷ lệ tử vong cao. Nhiều em tử vong khi mới ở độ tuổi 16-17 và đặc biệt, hầu hết các bệnh nhân mắc bệnh nặng không có cơ hội xây dựng gia đình. Hiện nay, số bệnh nhân mắc Tan máu bẩm sinh đã làm cho các bệnh viện quá tải, tạo áp lực nặng nề lên ngân hàng máu cũng như gánh nặng về chi phí xã hội.

          Ngày Thalassemia Thế giới  năm 2020 tại Việt Nam với mục đích tăng cường truyền thông giáo dục cho người dân về nguy cơ của việc kết hôn cận huyết thống với bệnh Tan máu bẩm sinh cũng như về tầm quan trọng của hoạt động tư vấn, tầm soát, chẩn đoán, điều trị sớm bệnh tật trước sinh và sơ sinh nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng dân số góp phần thực hiện tốt các mục tiêu của Nghị quyết số 21/NQ-TW của Hội nghị lần thứ 6 BCH Trung ương Đảng khóa XII về công tác Dân số trong tình hình mới, thông qua các hoạt động chủ yếu như: sản xuất các tài liệu truyền thông (tờ rơi, sách mỏng, tranh lật, phóng sự, ký sự,…); tổ chức các buổi tọa đàm trên truyền hình, tư vấn trên Internet,… tập trung vào chủ đề: “ Cha mẹ hãy thực hiện tầm soát, chẩn đoán và điều trị sớm bệnh tật trước sinh và sơ sinh vì hạnh phúc gia đình, vì tương lai nòi giống”

           Khẩu hiệu truyền thông của ngày Thalassemia Thế giới năm 2020 là:

         1. Chung tay hành động vì bệnh tan máu bẩm sinh.

         2. Chung tay đẩy lùi bệnh Tan máu bẩm sinh vì sức khỏe dòng máu Việt.

        3. Hãy thực hiện tư vấn, tầm soát, chẩn đoán, điều trị bệnh tật trước sinh và sơ sinh góp phần nâng cao chất lượng dân số.

       4. Cha mẹ hãy thực hiện tầm soát, chẩn đoán và điều trị sớm bệnh tật trước sinh và sơ sinh vì hạnh phúc gia đình, vì tương lai nòi giống.

        5. Tầm soát trước sinh và sau sinh vì những đứa con khỏe mạnh.

        6. Không tảo hôn, kết hôn cận huyết thống để bảo vệ giống nòi.

Để có gia đình mạnh khỏe, hạnh phúc, vì chất lượng giống nòi và tương lai đất nước, hãy tích cực tham gia phòng bệnh Tan máu bẩm sinh (Thalassemia).

                                         Thanh Tâm


Tác giả: Thanh Tâm
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết